Cái đặc chất tâm hồn và tình cảm dân tộc qua Phật giáo thời Lý-Trần đã thể hiện trọn vẹn trong đặc điểm của văn hóa dân tộc và thực sự tồn tại dưới dạng văn hóa thẩm mỹ trong sự tồn tại của xã hội, dân tộc Việt Từ đó, Phật giáo Việt Nam với phong cách, với những phương pháp độc đáo được ấp ủ, tôi luyện từ hồn thiêng sông núi; “con Hồng cháu Lạc” đã có những cảm xúc, biểu tượng, lý tưởng, tình cảm, thị hiếu (chủ thể thẩm mỹ) và lẫn cả cái đẹp, cái bi, cái hài, cái trác tuyệt (khách thể thẩm mỹ)… để làm nên một thời đại thi ca huy hoàng gần năm trăm năm với đầy đủ tính chất thẩm mỹ đặc sắc của riêng mình, đắp bồi, điểm tô nền văn hóa dân tộc ngày thêm tươi thắm. Với đời sống phạm hạnh của một vị tu sỹ Phật giáo theo hệ phái Khất sỹ, Hòa thượng, Tiến sĩ Thích Giác Toàn đã thân chứng những điều vi diệu của giáo pháp Phật Đà. Trong quá trình chứng nhập cảnh giới an lạc, giải thoát, dưới góc nhìn của mỹ học hiện đại, Hòa thượng đã “kiến chiếu” vào văn thơ Lý - Trần để đưa ra những kết luận, những đánh giá thú vị và phù hợp, trong sự tương quan, dung hợp giữa lý luận văn học và tác phẩm văn học thành cuốn sách Thẩm mỹ Phật giáo thời Lý - Trần qua văn chương. Qua cuốn sách, tác giả - Hòa thượng Thích Giác Toàn - muốn một lần nữa khẳng định, thơ văn Lý - Trần chẳng những mang tính thẩm mỹ Phật giáo của riêng thời đại mà nó còn là cái đẹp muôn đời của dân tộc và nhân loại. Với lối viết giản dị của một vị sư chứng ngộ lẽ vô thường và qua cái nhìn minh triết của Phật giáo, tác giả đưa đến cho người đọc những trải nghiệm, những cảm nhận thật sâu sắc về lẽ vô thường và thường, về vô ngã và ngã, về có và không, về bất tịnh và tịnh… Và ngay trong những cặp phạm trù ấy đã thể hiện rõ sự dung hợp của hai mặt đối lập, mà ranh giới giữa chúng chỉ là một hơi thở, một phần nhỏ trong niệm thức (sát - na). Ví như, khi tác giả quán niệm, vô thường và thường tương tự như hai mặt của một tờ giấy. Giác ngộ thì là cái đẹp, cái trác tuyệt; không giác ngộ (không thấu triệt) thì nó sẽ trở thành bi kịch, vì khi biết thân vô thường rồi bi quan, chán nản, bế tắc cuộc sống v.v… đều xem như là bi kịch do sự sợ hãi trước cái vô thường. Nội dung cuốn sách Thẩm mỹ Phật giáo thời Lý - Trần qua văn chương được tác giả chia làm bốn phần. Trong đó, ba phần đầu là nội dung chính, thể hiện những nghiên cứu khoa học nghiêm túc của tác giả trên cơ sở Phật giáo Việt Nam trong mối tương quan với dân tộc, văn hóa dân tộc, đặc biệt là dấu ấn của nó trong văn chương thời Lý - Trần, và những giá trị thẩm mỹ tự thân của nó. Phần bốn, là những đánh giá, kết luận của tác giả cho người đọc dễ lĩnh hội. Qua Thẩm mỹ Phật giáo thời Lý - Trần qua văn chương của tác giả - Hòa thượng Thích Giác Toàn, ta thêm yêu, thêm trân trọng Phật giáo và những đóng góp, những giá trị của nó trong đời sống xã hội. Sách do Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành, tháng 9 năm 2011. Trân trọng giới thiệu cùng độc giả./. Cư sỹ Yên Sơn | ||
Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012
Thẩm mỹ Phật giáo thời Lý - Trần qua văn chương
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét