Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Tọa đàm Phật giáo với cộng đồng người Việt tại chùa Sủi, Tâm Trụ

image
Nhân Lễ hội vinh danh danh nhân Nguyên phi Ỷ Lan từ ngày mùng 01 – 03/03/năm Nhâm Thìn (nhằm ngày 22 – 24/03/2012), tại chùa Sủi - Đại Dương (Phú Thị - Gia Lâm - Hà Nội), đã diễn ra nhiều hoạt động quan trọng nhằm tôn vinh văn hóa dân tộc. Một trong những hoạt động đó là chương trình toạ đàm chủ đề PHẬT GIÁO VỚI CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT được tổ chức vào sáng ngày mùng 3/03 al tại Giảng đường chùa Sủi.
Tham dự buổi tọa đàm có sự hiện diện của: ĐĐ.Thích Thanh Phương - Trụ trì chùa Sủi; TT.Thích Chân Quang – Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang cùng Chư tôn đức Tăng Ni tại địa phương và vùng phụ cận.
Về phía quan khách đại biểu có: GS.TS Vương Lâm Lĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ KHCNMT; Nhà báo Phương Đông - nguyên Ủy viên Ban Biên Tập Báo Nhân Dân; ông Lưu Thế Dần - Chủ tịch Hội Làng Nghề Việt Nam, và vị khách mời đặc biệt là ông Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật Giáo - Ban Tôn Giáo Chính phủ.
Về phía chính quyền địa phương có sự tham dự của: ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm; các đại biểu đại diện cho Chính quyền địa phương, chủ tịch HĐND, UBND xã Phú Thụy. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của quý Phật tử gần xa cùng các tham dự  viên thuộc giới tri thức là Giảng viên trẻ, Nhà khoa học trẻ đang công tác, học tập, làm việc tại Hà Nội và những người quan tâm.
Đúng 9h00’ sáng, chương trình toạ đàm bắt đầu. Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí ấm cúng, rất ấn tượng và thật ý nghĩa.
Mở đầu buổi tọa đàm, TT.Thích Chân Quang có bài phát biểu trên tinh thần phát huy các dòng Thiền Việt Nam qua chủ đề PHỤC CHẤN THIỀN PHONG. Nội dung bài phát biểu này nhằm tôn vinh Chư tổ Thiền tông ngày xưa, đồng thời ước mơ về Thiền phong Việt Nam trong tương lai. Thượng toạ khuyến tấn mọi người quyết tâm phục chấn Thiền phong cho đất kinh Bắc và cho Phật giáo Việt Nam, để sánh vai dẫn dắt dân tộc ta góp vào sự tiến bộ của loài người trên thế giới mai sau.
Vào đề, Thượng toạ giới thiệu khái quát về vùng đất linh thiêng Kinh Bắc (Bắc Ninh- Gia Lâm- Long Biên). Nơi đây thực sự là kinh đô của nước Việt thời Hồng Bàng; đồng thời dựa vào các ngôi chùa cổ còn lại để khẳng định cái nôi Phật giáo cũng nằm quanh vùng Luy Lâu, Kinh Bắc. Ví như Tổ Tỳ Ni Đa lưu Chi từ Trung Hoa đem Thiền tông đến Việt Nam, ở tại chùa Pháp Vân (nay là Thuận Thành - Hà Bắc). Sau này, có Ngài Vô Ngôn Thông đắc Pháp với Thiền sư  Bách Trượng Hoài Hải (TQ) cũng về phương Nam giáo hóa, tại chùa Kiến Sơ, ngày nay thuộc Hà Nội, thành lập phái Thiền Vô Ngôn Thông. Hoặc chùa Trấn Quốc nơi phát xuất Thiền phái Thảo Đường.
Ngoài ra còn có dòng Thiền Trúc Lâm thời nhà Trần, giáo hóa mạnh ở chùa Báo Ân. Như vậy chúng ta có 4 dòng Thiền nhưng thực chất không có ý nghĩa sai biệt về giáo lý, pháp môn mà chỉ khác một điều là khi một người giáo hóa, uy lực lớn quá sẽ thu hút tín đồ Phật tử rất đông và tự nhiên thành Tông phái với ý nghĩa truyền thừa.
Tiếp theo, Thượng toạ phân tích vì sao Phật giáo miền Bắc trở thành tinh hoa của Phật giáo Dân tộc. Và gần đây do cơ duyên nào đó Tịnh độ tông phát triển mạnh nhưng tinh thần, sức sống của đạo Phật vẫn bàng bạc ở Thiền tông vì có những vị tu chứng, tạo nên cảm xúc lớn lao cho cộng đồng Phật tử. Điều này cho thấy sức sống, uy lực của đạo Phật (giá trị của đạo Phật) nằm ở chổ các vị tu chứng của nhà Thiền.
Bằng lối lập luận vững chắc Thượng toạ chứng minh cho thấy “Giáo lý nào sẽ thu hút được quần chúng đối tượng đó”. Có 4 Tông phái chính thu hút 4 đối tượng khác nhau:
- Tịnh độ tông: thu hút người quan tâm về giai đoạn sau khi chết và thường là người lớn tuổi.
-  Mật tông: thu hút người quan tâm đến quyền năng huyền bí, những chuyện khoa học không giải thích được.
- Giáo tông: người chuyên nghiên cứu giáo lý, nghĩa cú thì tìm đến Tông phái này.
- Thiền tông: dành cho những người thích có kết quả tu chứng tâm linh cụ thể. Đây chính là sức mạnh của Đạo Phật. Nếu Pháp môn Thiền từ ngàn xưa được phục dựng lại thì bộ mặt của Phật giáo sẽ thay đổi toàn bộ. Thường những người đến chùa là lớp tri thức, lớp trẻ, những người không nghĩ đến cái chết mà tâm niệm sống là phải phụng sự.
Đạo Phật tồn tại, trường tồn được bởi 3 hạng người, đó là người có tu chứng tâm linh; người giữ được giới hạnh thanh tịnh mặc dù không tu chứng tâm linh, và người biết thuyết Pháp. Nhưng điều chúng ta mơ ước là ba trong một, tức một vị xuất gia nào cũng phấn đấu có được đầy đủ 3 tính chất đó.
Đặc biệt tính chất đầu tiên phải tu chứng tâm linh là điều mà người tu nào cũng đau đáu đi tìm. Có thể chúng ta chưa đủ duyên phúc để chứng ngộ (đắc đạo) nhưng bằng tất cả trái tim, cả cuộc đời ta đều hướng về tâm linh chứng ngộ đó.
Thượng toạ đặt vấn đề, vì sao Thiền tông thất truyền trong đạo Phật, kể cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Ngày nay đa số các chùa tu theo Tịnh độ trong khi Tổ của chúng ta vị nào cũng lả Thiền sư lừng lẫy, nổi tiếng.
Ban đầu sức mạnh của đạo Phật Việt Nam bắt nguồn là từ miền Bắc, từ phía Bắc của sông Hồng lan xuống phía Nam sông Hồng, rồi tiến dần vào Nam và đi vào cả nước ta. Sau này, trong miền Trung có Thiền sư Liễu Quán là người đắc ngộ phi thường, mở một dòng Thiền riêng, ảnh hưởng rất lớn từ miền Trung tạt xuống hết cả miền Nam. Rồi dòng thiền lại vắng bóng. Gần đây, có những vị xuất sắc đứng lên khơi lại dòng Thiền, trong đó có Hoà thượng Thích Thanh Từ  - Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm (Đà lạt) là một biểu tượng nổi bậc. Hoà thượng đã mở mang giáo hoá rộng rãi, có tâm nguyện thiết tha phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Thiền của Việt Nam).
Hệ quả vắng bóng Thiền Tông như thế không phải do Tăng Ni ngày nay kém dở mà vì khi vào chùa xuất gia là đã được dạy pháp môn Tịnh độ. Tăng Ni vì sự hiếu kính đối với những bậc Bổn sư tiền bối của mình nên cứ con đường đó mà đi. Chúng ta xem đây là một đạo đức đáng quý. Tuy nhiên, cũng với đạo đức đó xin hãy hướng về xa hơn nữa, thay vì chúng ta hiếu kính với các bậc tiền bối một hai đời gần đây thì hãy tìm về mấy mươi đời trước để gặp lại Chư Tổ xưa, dâng cái lòng hiếu kính về đến tận cội nguồn để thấy rằng “Ngày hôm nay chúng ta phục chấn lại Thiền phong cũng là biểu hiện của sự báo hiếu, đền ơn một cách đúng đắn đối với Chư Tổ”.
Chúng ta không để cho cái tông phong của Chư Tổ bị tắt mất. Cái lòng hiếu kính của ta phải vượt xa cả nghìn năm trước để nối lại cho nghìn năm sau.
Bằng cả tấm lòng, Thượng tọa tha thiết kêu gọi chư Tôn Đức hãy cùng nhau phục chấn Thiền Phong! Thượng tọa tin chắc rằng Chư Tăng Ni đủ trí tuệ, năng lực, tâm hạnh để phục chấn lại Thiền phong ở vùng nôi Kinh Bắc này. Nếu được vậy! ánh đạo sẽ toả ra cho cả nước một lần nữa. Đây là điều chúng ta được quyền hy vọng.
Hòa chung dòng cảm xúc khi nhớ về Chư Tổ và nghĩ tới duyên phước mình đang được ngồi nơi đất Tổ để thính Pháp, trong thời khắc này cả Giảng đường lắng đọng, tất cả thính chúng chăm chú lắng nghe và nét ưu tư như phảng phất trên từng gương mặt…
Tiếp theo, như là một sự gợi ý, Thượng tọa đưa ra nhiều khía cạnh làm thế nào để có thể phục chấn lại Thiền phong, đó là:
-         Cần phải mở khoá tu Thiền cho Chư Tăng Ni và Phật tử. Phật tử tu rồi mới hiểu nỗi khó nhọc của việc tu, biết yêu quý những người tinh tấn tu.
-          Tìm lại những kỹ thuật về Thiền để thực hành cho chuẩn xác. Thiền tông ngày xưa thực hành thế nào không được ghi lại trong sách mà chỉ ghi những câu văn vấn đáp, những lời dạy chúng cô đọng cao siêu, vì thế chúng ta cần tìm thêm, bổ sung thêm kỹ thuật Thiền đã được ghi trong Kinh tạng nguyên thuỷ mà Phật đã dạy, vì suy cho cùng, Phật Giáo nào có hai ba lối khác nhau.
-         Ngày nay khi nói đến việc phục chấn Thiền phong thì không cần ta phải nhất thiết đi theo đúng với khuôn mẫu cả mấy nghìn năm trước của Chư Tổ mà phải đưa ra được một Thiền phong bao gồm 4 yếu tố;
1/ Mang tính tâm linh chứng ngộ của Chư Tổ; 2/ Thiền đó phải phù hợp với con đường Thiền mà Đức Phật đã dạy ở Ấn độ hơn 2.500 năm trước; 3/ Nếu đem những nguyên lý của khoa học, y học vào đối chiếu so sánh, khảo sát thì ta hoàn toàn hợp lý; 4/ Thiền của ta ngày hôm nay phải đáp ứng, hoá giải hoặc giái đáp được những thắc mắc, lý luận, tâm tình, triết học, trình độ của con người trong thời đại mới này.
 Như vậy, Thiền phong của chúng ta hôm nay phải hội đủ 4 yếu tố trên để nhìn ra thế giới, chứ không phải chỉ tìm cách làm sao cho giống Chư Tổ ngày xưa, bởi vì trong nhà Thiền có câu “Đệ tử thấy bằng Thầy là kém hơn Thầy nữa đức, đệ tử phải vượt hơn Thầy mớikham nhận truyền trao. Không có người Thầy, người cha tốt nào mà muốn con phải bằng hoặc kém hơn mình, ngược lại luôn ước mơ con giỏi hơn.
Cho nên con đường Thiền chúng ta dựng lại nó phải bao quát và lớn hơn rất nhiều, tức là làm sao khi đưa Thiền của PGVN ngày nay bước ra với thế giới, ta không thua kém bất cứ nước nào mà còn dung nhiếp được cả ngàn xưa và ngàn sau.
Ta dựa vào quá khứ cái chiều sâu tâm chứng của Chư Tổ, dựa vào những kỹ thuật tâm chứng của Phật đã dạy, nhưng ta vẫn tham khảo thêm kiến thức của khoa học, của y học hiện đại. Chúng ta dựng cái Thiền phong đủ để đáp ứng được tâm tình, ước mơ, khát vọng sống, triết lý sống của con người trong thời đại ngày hôm nay. Tuy nói “Dung nhiếp được hết”, nhưng không phải là trộn lẫn, mà ta có hệ thống. Hệ thống đó có cái chuẩn xác và toàn diện nên khiến điều gì liên quan tới Thiền, ta đều lý giải, ứng dụng, chắt lọc được hết.
 Một ngày nào đó, bất cứ Thiền phái nào từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Hoa, Miến Điện, hoặc những nhà triết học, khoa học của hiện đại đến ta giao lưu tham khảo, tìm hiểu Thiền của Việt Nam là gì thì họ phải thấy Thiền của họ cũng nằm lọt trong Thiền của Việt Nam chứ không có khác. Còn nếu Thiền phong của ta ngày hôm nay dựng lên chỉ đứng ở một góc độ nào đó thì khi ta gặp gỡ các Phật giáo bạn tu Thiền trên thế giới, họ hỏi mà ta trả lời khác với họ thì họ sẽ có sự so sánh hơn thua, và như vậy ta chưa tròn trách nhiệm của mình. Để có thể làm được việc này thì ta tốn nhiều công sức, rất vất vả, và đây phải là sự quan tâm của tất cả mọi người.
-         Khi chúng ta mở khoá tu thì luôn nhớ rằng, bước đầu tu Thiền rất vất vả, nếu ai không đủ quyết tâm hay gọi là không đủ căn duyên thì sẽ từ bỏ. Cứ mỗi một người mà thoái lui khỏi Thiền là góp phần làm cho Phật giáo suy yếu, vì sức mạnh của Phật giáo nằm nơi sức sống của Thiền. Ngược lại, mọi người cố gắng tinh tấn một chút là góp thêm vào sức mạnh của PGVN này. Nên ta phải mở khoá tu, khuyến khích mọi người tu mặc dù ban đầu có khó khăn vất vả.
-         Muốn phục chấn lại Thiền phong bắt buộc trong chùa phải có thời khoá tu Thiền chính thức. Một ngày ít nhất phải có hai thời Thiền. Còn các thời khoá tụng niệm nên rút ngắn bớt, cái công phu cốt lõi trong ngày phải là tu Thiền.
-         Khi Tăng Ni tinh tấn tu tập Thiền định thì cái kết quả hiện ra rất rõ, đó là trí tuệ của toàn Phật giáo khởi lên hết. Trong Phật giáo sẽ xuất hiện rất nhiều Giảng sư lỗi lạc. Xưa nay những Giảng sư giỏi đều là người tu Thiền.
-         Bổ sung nghi thức tụng niệm của chùa có đạo lý Thiền trong đó, chứ nào giờ nghi thức tụng niệm của chùa thường nghiêng về Tịnh độ.
-         Để phục chấn Thiền phong được, chính Giáo hội phải yêu quý và tạo điều kiện cho các chùa tu Thiền. Đưa Thiền vào giáo trình dạy cho các trường Phật học từ sơ cấp cho tới cao cấp. Qui định khi thọ giới, ai ngồi thiền bao lâu đó mới được thọ giới. Ngoài ra, Giáo hội phải hỗ trợ các khóa tu Thiền bằng cách đến chứng minh, khuyến tấn.
-         Nhà nước cũng phải hỗ trợ việc phục chấn Thiền phong này, vì nhà nước thấy rõ đạo Phật đồng hành cùng dân tộc, mà sức mạnh của đạo Phật là nằm nơi Thiền. Ngày xưa các Vua chúa đều nhờ các Thiền sư cố vấn. Các Thiền sư đó đều là những người yêu nước phụng sự cho triều đại, làm lợi ích cho dân tộc và sức sống từ nơi đó toả ra. Cho nên khi nhà nước đóng góp hỗ trợ cho việc xây dựng Phật giáo thì nhà nước phải hỗ trợ việc phục chấn Thiền phong.
Và cái Thiền phong đó nên nhớ không phải còn riêng của Chư Tổ mấy nghìn năm trước nữa mà Thiền phong của ngày hôm nay phủ trùm được cả Phật giáo của thế giới. Chúng ta phải có con mắt lớn như vậy để mở lại phong cách Thiền cho Việt Nam ngày hôm nay.
-         Chính Phật tử phải ủng hộ Tăng Ni tu Thiền. Ủng hộ bằng lời nói, bằng tâm hồn, bằng hành động và cả tài vật. Nơi nào có tồ chức khóa tu Thiền cho Tăng Ni, Phật tử phải đến ủng hộ.
Sau cùng, Thượng tọa cũng nói qua Thiền đem lại sự chứng ngộ tâm linh là như thế nào. Đó là toàn bộ nội dung bài phát biểu của TT.Thích Chân Quang trong buổi tọa đàm có chủ đề PHỤC CHẤN THIỀN PHONG.
Nhất nhân tác phúc thiên nhân hưởng/ Độc thụ khai hoa vạn thụ hương”, tức một người làm phúc, ngàn người được hưởng; giống như trong rừng một bông hoa thơm hàng vạn bông hoa được thơm lây ». Mỗi người ngồi trên đất kinh Bắc ngày hôm nay hãy là một người con Phật chân chính, tự rèn dũa mình, tự tu tâm dưỡng tính, tự làm mình trở thành người tốt, người phúc đức để giúp trước hết cho mình, sau cho gia đình và cho xã hội. Hy vọng xã hội ta sẽ tốt đẹp hơn nhờ tất cả mọi người đều tốt đẹp”.
 Chia sẻ cùng chương trình, ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn Giáo Chính phủ, đã trình bày đôi nét về ảnh hưởng của Phật giáo đến cộng đồng người Việt và ông kết luận rằng “Qua buổi trao đổi về giá trị và ảnh hưởng của tinh thần Phật giáo, chúng tôi rất mong mỗi người bằng sự nhận biết, cảm mến, bằng trách nhiệm của mình, hãy nhân cái tính tốt của Phật giáo vào trong gia đình, trong xã hội, để mọi người cùng hiểu về giá trị đạo đức, tư tưởng văn hóa, đời sống Phật giáo. Qua đó, con người sống với nhau tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, như người xưa nói
Sau bài phát biểu của ông Bùi Hữu Dược, những tràng pháo tay không ngớt vang dội dành cho 2 vị Diễn giả vừa trình bày cho buổi tọa đàm. Đây chính là nguồn động viên vô cùng lớn đối với Ban Tổ Chức.
Mong rằng kết quả của buổi tọa đàm sẽ là bước đầu để giới Tăng Ni Phật tử tìm được hướng đi cụ thể, thích hợp và có lợi cho Phật pháp trong thời đại ngày hôm nay. Đây quả thực là một cơ hội rất may mắn cho những ai ngồi lại học hỏi, chia sẻ và giúp nhau tìm về cội nguồn xưa, định hướng, dựng lại một dòng Thiền Việt Nam bao trùm, toàn diện để cho cả thế giới phải chấp nhận.
Để kết thúc chương trình, ĐĐ.Thích Thanh Phương - Trụ trì chùa Sủi, nói lời cảm tạ 2 vị Diễn giả và toàn thể khách mời tham gia buổi tọa đàm đã có những ý kiến đóng góp trên tinh thần phục chấn Thiền phong, để từ đó mỗi người mở lòng ra nhiều hơn mà góp phần vào sự phát triển chung của đạo Phật Việt Nam.
ĐĐ.Thích Thanh Phương lúc nào cũng khắc khoải, trăn trở, tưởng nhớ tới Chư Tổ và tự hào về vùng đất linh thiêng của mình. Tâm nguyện của Đại Đức là làm sao làm sống dậy cái phong cách Thiền, đỉnh cao của Thiền nơi Phật giáo ở đất Bắc này.
Tại buổi tọa đàm, Đại đức phát biểu “Các khu vực phía Bắc của chúng ta, ở đây ngoài việc đón các Lễ tết của dân tộc thì còn rất nhiều Lễ hội khác diễn ra trong các khu Lịch sử Văn hóa và nhà nước ta lúc đó rất khó có sự quản lý, để cho sự phát triển lan tràn, khiến cho con người đến với Lễ hội - thông qua Lễ hội không cảm nhận được cái tinh túy văn hóa của dân tộc ta. Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Ban Tổ Chức chương trình của Ban Thông Tin Văn Hóa, được Bộ Thông Tin chuyển sang Bộ Văn Hóa, Giáo Hội Phật Giáo VN, UBND thành phố Hà Nội cùng với các Ban ngành địa phương, UBND huyện Gia Lâm, mạnh dạn đứng lên tổ chức chương trình MÙA XUÂN TÔN VINH VĂN HÓA DÂN TỘC, nhằm giới thiệu điểm thách thức của Phật giáo Việt Nam.
Thông qua Lễ hội này, chúng tôi mong rằng các nhà quản lý nhà nước VN cần phải gắn bó, duyệt xét các chương trình lễ hội làm sao diễn ra một cách vừa văn minh lịch sự, đánh giá một thời đại con người của chúng ta. Những điều gì có thể phát huy lên được thì chúng ta phải trân trọng lưu giữ, những gì lạc hậu cổ hủ thì chúng ta cũng phải sắp xếp loại trừ. Đây là mục tiêu của chúng tôi tổ chức một chương trình của Bộ Thông Tin Văn Hóa Dân Tộc và đặc biệt hôm nay có TT. Thích Chân Quang, ông Bùi Hữu Dược cùng tất cả quý vị khách mời đã tới đây tham gia buổi tọa đàm nói về Phật giáo cộng đồng người Việt”.
Đến đây, buổi tọa đàm kết thúc bằng bài thơ NẮNG MỚIcủa Cao Bá Quát, ông người làng Phú Thọ, Gia Lâm, là nhà thơ xuất sắc của Việt Nam thế kỷ 19, nhằm nói lên dư vị để lại trong lòng mỗi người thật tốt đẹp:
Xuân về xua hết rét mùa đông.
Hoa nở sáng nay đủ tía hồng.
Việc đời giá được như cây cỏ,
Sau mưa trời lại sạch, xanh trong.
Dưới đây là hình ảnh của Lễ hội truyền thống quê hương Sủi (Đại Dương) và toàn cảnh buổi tọa đàm có chủ đề PHỤC CHẤN THIỀN PHONG tại chùa Sủi – Gia Lâm – Hà Nội: