Phật pháp là gì? Chính là những giáo pháp chỉ dạy con đường đưa đến giác ngộ và hết khổ do đấng giác ngộ là đức Phật tìm ra và truyền dạy cho chúng sinh. Kế thừa hạnh nguyện ấy, Pháp sư Ấn Thuận, người Trung Hoa đã thể hiện những nghiên cứu uyên thâm, kiến giả sâu sắc và mới mẻ về những vấn đề căn bản trong tư tưởng Phật giáo qua cuốn Phật pháp khái luận. Cuốn Phật pháp khái luận gồm 20 chương, do Pháp sư Ấn Thuận người Trung Hoa viết ra bằng Hán ngữ từ bản thảo là các bài giảng của kinh A Hàm giảng yếu khi ngài giảng dạy tại Viện Giáo lý Hán Tạng Bắc Bồi năm 1943, và tại Hạ Đảo năm 1948. Cuốn sách trình bày một cách hệ thống về một số vấn đề lý luận cơ bản của Phật giáo như: Lý luận trung đạo duyên khởi, về nghiệp lực luân hồi của hữu hình, về tâm lý học Phật giáo, về mối quan hệ mật thiết giữa Phật giáo và nhân sinh v.v. Trên cơ sở lý luận của kinh A Hàm và bộ Trung quán luận của ngài Long Thọ, và bám vào nguyên tắc tứ y (y pháp bất y nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh) để tìm tòi suy nghĩ nên tác giả đã đưa ra được nhiều kiến giải sâu sắc, mới mẻ, độc đáo và hợp lý về Phật pháp. Pháp sư Ân Thuận là một hành giả uyên thâm về Phật pháp. Ngài đã noi theo con đường của đức Phật trong cách tùy cơ thuyết pháp, không chấp pháp nhưng không xa dời pháp. Tác giả nói về các vấn đề cương yếu của Phật học với cách diễn đạt trong sáng, dễ hiểu bằng ngôn từ đại chúng có thể phù hợp với mọi căn cơ, mọi trình độ, có thể giúp người học Phật từ sơ cơ đến thượng căn đều có thể dễ dàng tiếp cận là lĩnh hội những vấn đề cơ bản về Phật giáo. Cuốn sách mở đầu bằng việc tổng thuật về Tam bảo, nhưng lại lấy việc bàn về “pháp” và mục đích chính. Vì vậy, bàn về “Phật” thì định nghĩa là “người đầu tiên giác ngộ pháp”; bàn về “Tăng” thì định nghĩa là “người phụng hành pháp”. Phương thức trình bày lấy “duyên khởi pháp” làm trung tâm để thống nhiếp Tam bảo ấy rõ ràng là hoàn toàn khác với phương thức của các bộ phái Phật giáo lấy “Tăng già làm trung tâm”, hoặc Đại thừa Phật giáo lấy “đức Phật làm trung tâm”. Trong cuốn sách này, có những chương (như chương 8: Phật pháp tâm lý quán) trình bày về tính chất của “ý căn” từ bản nghĩa của “kinh A Hàm” mà trình bày về các nghĩa dẫn thân của các bộ phái, có thể giúp cho chúng ta nắm vững kinh mạch biến chuyển của tư tưởng Phật giáo. Điều đó, đối với người mới học Phật có thể là khó và tương đối cao. Nhưng về đại thể, nó chứa đựng nội dung chủ yếu và cơ bản của Phật pháp, thích hợp với những người mới nhập môn. Cuốn sách có thể giúp họ nắm vững toàn thể tư tưởng căn bản của Phật pháp. Bên cạnh đó, với những kiến giải sâu sắc và độc đáo lại rất có ích cho những người đã tu học lâu năm và có trình độ uyên thâm muốn tăng trưởng trên con đường tu học. Với giá trị của cuốn sách như trên, Phật pháp khái luận đã được giới tu hành và nghiên cứu Phật học Việt Nam quan tâm, đánh giá cao, được Hòa thượng Thích Trí Độ (người đồng biên tập cuốn Từ điển Phật học, nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam), Hòa thượng Thích Đức Nhuận (vị Pháp chủ đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bác sỹ Tâm Minh Lê Đình Thám (người có công lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo và sáng lập ra tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam) và các vị khác trong ban lãnh đạo trường Tu học Phật pháp trung ương Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam dùng làm tài liệu cơ sở để soạn giáo trình giảng dạy của nhà trường. Với hạnh nguyện mang giáo lý Phật để phổ cập làm lợi lạc chúng sinh và tiếp thụ lý tưởng “Phật giáo thế gian” của tác giả - Pháp sư Ấn Thuận, hai vị sư Thích Thanh Ninh và Thích Phúc Tuệ đã biên dịch cuốn Phật pháp khái luận ra Việt ngữ để mang giáo pháp Phật và tư tưởng của Pháp sư Ấn Thuận đến gần với độc giả Việt Nam. Sách do Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin xuất bản tháng 4/2011. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả./. Yên Sơn |
Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012
Phật pháp khái luận
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét