Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

NÉT ĐẸP VỀ HÌNH ẢNH TĂNG ĐOÀN KHẤT THỰC 
(Bài viết: Thiện Giải)

Hình ảnh Khất thực được xuất hiện ngay thời đức Phật thành đạo, Ngài đã duy trì hạnh trì bình khất thực hóa duyên vào mỗi buổi sáng sớm đi trên các nẻo đường làng, vào những xóm nông thôn của những con đường để gieo duyên lành hóa độ đến những chúng sanh và những người hữu duyên. Từ đó hình ảnh này đã được nhân rộng và  nhiều được lan tỏa khắp các nẻo đường vào mỗi buổi sáng, hình ảnh vị Khất sĩ đầu trần chân không, thân tướng trang nghiêm đạo hạnh của bậc giác ngộ giải thoát đã toát ra đức từ bi và trí tuệ làm mọi người cung kính và quy ngưỡng theo hộ trì và tu tập. Và hình ảnh đó được phát triển mạnh và nhiều tại quốc độ Việt nam vào những thập niên 40 khi đất nước chưa giải phóng, với sức hút mạnh của những nhà sư Việt nam đã làm bao nhiêu người theo để tu học, những năm đầu hình thành và phát triển đạo là xuất hiện nhiều ở các tỉnh Miền Tây Nam bộ, bóng y vàng của những nhà Sư Khất sĩ của Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã làm cho giáo pháp Khất sĩ này được hình thành ngày một lớn mạnh cả về Tịnh xá lẫn số lượng Tăng Ni và tín đồ Phật tử. Với hình ảnh này là hình thức hoằng pháp qua thân giáo và khẩu giáo đem lại tự lợi và lợi tha rất được các nhà Sư thời đó duy trì và chú trọng, vì hình thức này không làm cho các vị bị ràng buộc trong đời sống vật chất của tứ vật dụng, mà chỉ dành cho việc gìn giữ đời sống tu tập và trang nghiêm đời sống thân và tâm hướng đến đời sống tu học giác ngộ giải thoát, với hình  thức hoằng pháp này tạo điều kiện cho mọi tầng lớp con người đều có thể gieo duyên và có niềm tin tìm hiểu và theo tu học.
  Tại sao có sức hút mạnh như thế, không phải vì do hình ảnh đẹp từ những bậc giải thoát mà do từ nơi sự tu hành, hành trì đúng chánh pháp của các vị mà đã toát lên hình ảnh từ bi trí tuệ và giải thoát. Và hình ảnh này được Phật thể hiện thật sóng động đã làm bao người niềm tin theo Phật tu tập và vì do các vị đã gìn giữ đời sống chánh pháp, nghiêm trì giới luật phạm hạnh giải thoát.
1.      Tìm hiểu về Khất thực
       Khất thực là pháp mà ba đời chư Phật đã hành trì và duy trì đến ngày nay. Đây là pháp chơn chánh tạo một hình ảnh đẹp và là hình thức hoằng pháp xuất hiện có mặt phổ biến ngay thời Phật, thể hiện được ba ngôi báu hiện hữu trong mọi nơi đến những chúng sanh hữu duyên. Về phần tìm hiểu Khất thực đã có nhiều bài viết trình bày vấn đề này rất phong phú, nhưng bài viết này người viết chỉ làm rõ pháp Khất thực qua chỗ khất thực, khất cái và ăn xin; giữa nhận và cho đúng pháp, khất thực đúng pháp về lý và sự.
Người khất thực là phải đúng với tinh thần chánh pháp: không xin tiền, không Khất thực vào những ngày rằm, những tháng an cư. Ngoài một số tình huống ngoại lệ, tất cả những người xuất gia cần phải thực hành hạnh khất thực như một pháp tu hiệu quả. Các trường hợp ngoại lệ không nên khất thực bao gồm: a) suốt ba tháng an cư, b) Trong phạm vi các khu vực nguy hiểm đến tính mạng như nơi có chiến tranh, thú dữ và giặc cướp. Việc hành khất trong thời gian này không thuận lợi do vì sự trở ngại của mùa mưa. Quan trọng hơn, suốt thời gian ba tháng an cư, tất cả các hành giả cần hội họp một trú xứ để thăng tiến tâm linh sau chín tháng làm Phật sự và dấn thân. Đối với khu vực nguy hiểm, việc hành khất trở nên vô nghĩa vì đối tượng hoá độ ở đây không có.[1]
Người khất sĩ là phải giác ngộ luôn sống trong giới pháp thanh tịnh để tùy duyên hóa độ, lấp pháp Khất thực là pháp nuôi sống chơn chánh của người tu hành và hành đạo. Khi đã thế phát, ly gia cắt ái, nguyện xuất gia làm Tăng đồ, tức là được sanh vào dòng Phật, dù trước kia là vua, quan nhà tướng, phù hộ, giàu sang quyền quí đến đâu, nay đã xuất gia rồi, có tam y, quả bát là món cần thiết cho sự sống hằng ngày, để khỏi bận tâm lo sắm vật thực. Hằng ngày mang bát xin ăn, đi từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo chủng tộc. Ðã là kẻ ăn xin, tự nhận mình gởi sự sống nơi kẻ khác, tùy lòng bố thí, dở, ngon, nhiều, ít, mặn, lạt cũng vui lòng nhận. Tánh tự cao, ngã mạn của mình đương nhiên bị mài dũa dưới cấp hạ đẳng bần dân là một kẻ ăn xin. Nếu gặp phải kẻ chê bai, chỉ trích, nhà sư cũng cam chịu với lòng nhẫn nại và thứ tha cho người kém sự hiểu biết. Nhờ đó mà lòng sân nộ, tự ái, không có cơ phát khởi. Bình thản chịu đựng mọi lời dèm pha nhẫn nại với nắng chan, đá cứng, nhà sư đem cái thân Như Lai tướng ra gợi ý cho những người có lòng bác ái và nhân từ, họ suy nghĩ đến nền đạo đức của nhà Phật mà phát tâm thương xót, thể hiện bằng cách bố thí, rồi tìm hiểu giáo lý Ðạo Phật thêm.[2]
       Như trong lời Kinh Đức Phật đã dạy trong bài kinh Khất Thực Thanh Tịnh  đức Phật đã dạy về phương pháp khất thực thanh tịnh, theo truyền thống của chư Phật. Khất thực thanh tịnh là cách thức thiết lập sự an trú vào “không tánh” trong từng bước chân trên cuộc đời và đặc biệt là trong lúc tiếp nhận phẩm vật hiến tặng của tha nhân. Trên đường khất thực, vị xuất gia phải xây dựng chánh niệm khi các giác quan tiếp xúc với các đối tượng của chúng, không để cho thái độ tham đắm, sân hận và si mê khởi lên trong tâm. Vị hành giả khất thực phải tận dụng cơ hội để làm phát sanh tâm hoan hỷ với đời sống giản đơn nhưng thanh cao, ngày đêm tu học các pháp thánh, từ bỏ một cách vĩnh viễn năm dục lạc có khả năng làm cho hành giả đắm chìm trong khoái lạc giác quan. Với những bước chân thảnh thơi trên những nơi thành thị, làng xã, tụ lạc, hay những cánh đồng, vị tỳ-kheo khất thực tháo gỡ được năm trói buộc tâm, thấu rõ được bản chất chấp thủ năm nhóm nhân thể (năm thủ uẩn), tu tập hoàn thiện 37 phẩm trợ đạo, đầy đủ chỉ và quán, chứng đạt được giác ngộ ngay trong hiện tại.
      Và theo Kinh Phật, trước khi lên đường khất thực, trong lòng các vị sư nguyện rằng: “Nguyện cho các vị Khất giả thảy đều được no đủ và nguyện cho các thí chủ thảy đều được phước báu vô lượng. Như nay tôi được món ăn là dùng để điều trị cái thân độc hại này, để tu tập thiện pháp, lợi ích cho thí chủ”. Mặt khác, khi đi khất thực, họ phải giữ tâm bình đẳng, nghĩa là theo thứ tự nhà của dân, không chỉ đến nơi nhà giàu mà cũng không chỉ nơi nhà nghèo. Đức Phật đã nhấn mạnh: “Chỉ khi nào thân tâm được điều phục, thực hành chánh niệm và phòng hộ các căn thì mới đi vào làng khất thực”.[3]
       Qua lời dạy của Phật cho người hành trì pháp Khất thực đúng chánh pháp để cho hành giả an trú trong chánh niệm và giúp cho việc thọ nhận và người cho và cúng cũng có phần đúng phép tạo nhiều công đức và phước báu. Còn việc Khất cái hay ăn xin là những người do vì nghèo khổ đời sống thiếu thốn đã dã mạo đạo hạnh người tu mà làm những việc phi pháp. Họ biểu hiện một thân tướng qua chiếc áo nhà tu, vì do tâm của họ còn nhiều ô uế của tham, sân và si nên đã tạo hình ảnh xấu, thiếu đạo đức và trang nghiêm cho những nhà tu hành chơn chánh đúng chánh pháp. Cũng vì do thời duyên mà các nhà tu hành là phương tiện không hành trì Khất thực qua sự mà nói hành Khất thực qua lý là thọ nhận vật cúng tại trú xứ nên ngày nay không còn duy trì qua sự của hành trì pháp Khất thực đúng pháp nữa và do thay đổi hình thức hoằng hóa và hành pháp mà hình ảnh Khất thực hóa duyên của các vị không được phổ biến cho nhiều người và bá tánh cúng dường đúng pháp nữa. Chính từ đó đã làm cho nhiều người Khất thực giả xuất hiện. Và để cho hình ảnh Khất thực này được duy trì và đúng pháp tạo điều kiện cho người tu hành nhẹ nhàng rảnh rang trong tu hành và bá tánh cũng thực hiện đúng pháp, thì Giáo hội và những nhà tu hành có trách nhiệm nên tạo điều kiện để cho pháp Khất thực này được lan rộng và bền lâu.

                                           Ảnh khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 16
2.      Hình ảnh khất thực sóng động từ ba đời chư Phật và đến thời Tổ sư Minh Đăng Quang đã thu hút số lượng đông tín đồ và quần chúng
         Hình ảnh sóng động này đẹp không phải đẹp về nghệ thuật hình tướng về những tấm hình ghi lại qua tranh ảnh mà đẹp về giá trị đạo đức thanh thoát và toát lên vẻ từ bi và trí tuệ của bậc tu hành giải thoát. Từ những sáng sớm nhưng bước chân đã từng tự đi vào những con làng, ngỏ hẽm của đường quê, nông thôn tỏa ra một hình ảnh vàng rực của màu y giải thoát, đã làm cho nhiều người cảm động và dâng trào.
       Hình ảnh Khất thực ngày thời Phật đã thể hiện một hình ảnh đầy giá trị và cảm xúc qua Tôn giả Ca diếp: Ngài Ca-diếp, người anh cả của giáo đoàn thời Phật, nổi tiếng là nhà khổ hạnh, khi được hỏi về giá trị của khất thực đã xác quyết rằng sống hạnh khất thực sẽ giúp hành giả chuyển hoá lòng tham đắm, thấy sự nguy hại trong các dục và không rơi vào tình huống phạm tội, nhờ đó, hướng đến đời sống trí tuệ. Nhờ hành khất thực, người xuất gia sống trong hạnh phúc của viễn ly.  Ngài đã cảm tác bài thơ nói về bản chất của khất thực như sau:
Mỗi buổi sáng ôm bình đi khất thực.
Độ tín thí không phân chia sang cực.
Được vật ngon hay được vật thô sơ.
Ăn để sống tu cuộc đời trong sạch!

Của bá tánh không nhận nhiều giữ cất,
Qua ngày mai hay lưu lại về sau.
Từng miếng cơm nhai tâm tịnh nguyện cầu,
Cho nhân loại trầm luân mau thoát khổ!
         Đến đầu những thập niêm 40 tại Miền Nam xứ Nam Việt đã xuất hiện những đoàn du Tăng Khất sĩ của Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang đi trì bình khất thực hóa duyên vào những con làng của Sài Gòn. Những nơi nào các vị đi qua đều thu hút một số lượng lớn Tín đồ Phật tử theo xuất gia và tu học, có những vị còn hiến đất cúng làm chỗ cho chư Tăng trú ngụ để tu học. Qua chất liệu của giới, định, tuệ đó là thân chứng, chính do đời sống thanh bần, đơn giản, phạm hạnh của người tu giác ngộ giải thoát, một hình ảnh trang nghiêm…đã làm thu hút một lượng quần chúng xã hội  đến tu học rất đông, đem lại an lạc lợi lạc cho quần chúng và xã hội ngày một đông và chất lượng. Các vị dùng thân giáo để duy trì hình thức hoằng pháp và bằng tâm thanh tịnh và từ bi để trải rộng lòng từ đến chúng sanh, cho chúng sanh có được an lạc giải thoát.
Đây là phần quan trọng tác giả chú trọng để nói lên hình ảnh đẹp của Tăng đoàn, nhờ hình ảnh Tăng đoàn đã tái hiện là thời kỳ chánh pháp, một Tam bảo thường trụ, thể hiện một đời sống các vị xuất gia giải thoát luôn sống trong giới định tuệ. Sở dĩ đối với pháp Khất thực này lại được thu hút một số lượng lớn ngay thời còn Phật tại thế là do đi đúng chánh pháp của ba đời chư Phật. Một hình ảnh luôn tỏ vẻ của vị thoát trần Thượng sĩ, nên mỗi vị đệ tử của Phật là những bậc cao thượng có đầy đủ giới, định và tuệ. Khi đức Phật thành đạo Ngài đã độ những vị đệ tử đầu tiên và chỉ dạy căn dặn cho các đệ tử hãy ra đi mỗi người một phương hướng, hai người không thể đi cùng một con đường, các vị hãy ra đi vì hạnh phúc cho đời, vì an lạc cho đời vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài trời người.
Nhờ phương pháp khất thực xa lìa sự xa hoa, người xuất gia có cơ hội thoát khỏi đời sống hưởng thụ các dục.  Một vị tỳ-kheo trẻ thời Phật khi được một thiên nhân dụ dỗ từ bỏ đời sống khất thực, để hưởng thụ các khoái lạc giác quan, đã trả lời rằng: “Không hưởng thụ, ta sống khất thực/ Hành khất thực không uổng phí thời gian.” Thiết lập chánh niệm trong khất thực là cách loại bỏ nỗi khổ niềm đau. Việc làm như vậy chẳng những không uổng ích thời gian, mà còn làm cho thời gian tu tập trở nên có ý nghĩa hơn nhiều.[4]
Và là hình ảnh thực tế tạo một thân tướng của bậc mô phạm để giáo dục con người sống theo đời sống có đạo đức và thánh thiện an lạc giải thoát, làm bài học gương sáng cho người noi theo. Đã tạo duyên phước là mảnh ruộng phước điền để cho người gieo tạo các công đức tu hành, hình ảnh tạo mảnh ruộng qua tấm y có những thửa ruộng, có một lần Phật cùng các đệ tử đi Khất thực hóa duyên đến những mảnh ruộng của các nông phu đang canh tác thì những người làm nông lại thốt lên rằng: chúng tôi là những người làm lụn cực nhọc mới có ăn, còn đệ tử của Cồ Đàm không có làm gì hết mà muốn hưởng thụ. Lúc này Phật là khởi lên và giáo hóa cho những nông dân này qua bài kinh Cày Ruộng.

3.      Kết luận
        Khi xã hội càng phát triển, nhu cầu vật chất cao, vấn đề đạo đức và đời sống tu tập đúng pháp là bị mai một theo thời gian, khi đạo đức tâm linh giảm xuống thì giới luật hay điều lệ nội qui và pháp luật được đặt ra, nhờ đó những nhà tu hành ý thức đời sống và sẵn sàng duy trì pháp Khất thực ngày một nghiêm túc đúng pháp và luật, thì người dã mạo hay giả danh không còn cơ hội để làm ô nhiễm nữa. Bên cạnh những người hộ trì và cúng dường nên hợp tác cùng Phật giáo để cúng dường đúng pháp nhằm tránh người khất thực nhận tiền và giả mạo người khất thực.
        Và ngày nay để người xuất gia dù có đi hay không đi Khất thực mà vẫn đoạn trừ được ngũ dục khi tiếp xúc và thọ nhận rất nhiều vật chất cuộc sống này, thì mỗi hành giả phải luôn có chánh niệm và có đời sống đúng theo chánh pháp, ý thức việc tu tập giải thoát để không dính mắt tham đắm, ái nhiễm hệ lụy vào các pháp hữu vi này để ngày ngày đời sống Tăng đoàn Khất sĩ được thanh tịnh lớn mạnh hơn và Phật tử tạo niềm kính tin đến ba ngôi Tam bảo đúng đắn hơn.
















[1] Khất thực chánh pháp, Thích Nhật Từ
[2] Ý Nghĩa Hạnh Trì Bình Khất Thực của nhà Phật
[3] Khất thực-Nét đẹp văn hóa phum, sóc
[4] Khất thực chánh pháp, Thích Nhật Từ