Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

MẤU SẮC PHÁP PHỤC PHẬT GIÁO VIỆT NAM Thích Trí Quảng

(10/18/2010) (Xem: 8914)
Phật giáo được truyền vào Việt Nam bằng hai con đường là từ Ấn Độ và từ Trung Quốc truyền sang. Vì vậy, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của hai nền tư tưởng lớn của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc.
Phật giáo được truyền vào Việt Nam bằng hai con đường là từ Ấn Độ và từ Trung Quốc truyền sang. Vì vậy, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của hai nền tư tưởng lớn của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc.
Riêng về pháp phục đầu tiên của tu sĩ Phật giáo Việt Nam do các nhà truyền giáo Ấn Độ mang tới theo hình thức Nam truyền Phật giáo là ba y và một bình bát.
Đến khi đất nước Việt Nam bị Trung Hoa đô hộ và chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, bấy giờ người Việt Nam phải có y phục theo kiểu của người Trung Hoa. 
Nhưng đến khi đất nước chúng ta được độc lập, thoát khỏi sự thống trị của Trung Hoa, thì đến thời Đinh, pháp phục của tu sĩ Việt Nam mới được chế định. Và đến đỉnh cao của Phật giáo đời Lý Trần, áo mão của Tăng sĩ do vua ban tặng theo phẩm bậc của triều đình. Tuy nhiên, các nhà sư dân dã vẫn mặc y phục theo người dân Việt Nam. Truyền thống này vẫn còn tồn tại ở Phật giáo miền Bắc nước ta dưới hình thức chít khăn đen và áo nhuộm màu bằng vỏ cây, cũng như tu sĩ được thí chủ cúng dường vải màu nào thì may y màu đó. Vì vậy, có thể nói pháp phục của tu sĩ nước ta không đồng màu, không đồng loại vải, không đồng hình thức.
Cho đến năm 1952, khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời mới quy định lại vấn đề pháp phục như sau: Đối với cư sĩ thì mặc áo tràng năm thân màu lam. Sa di thì mặc áo nhật bình màu lam. Tỳ kheo mặc áo tràng màu nâu. Tỳ kheo Ni mặc áo tràng màu lam. Và khi làm lễ, để phân biệt Tăng Ni, chư Tăng mặc y hậu màu vàng và chư Ni mặc y vàng, hậu màu lam. Tuy quy định y màu vàng, nhưng người mặc y màu vàng chanh, người mặc y màu vàng nghệ, thành ra có nhiều y màu vàng khác nhau.
Đến năm 2005, trước sự khác biệt nhiều y màu vàng như vậy, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã khởi xướng Tăng Ni nên mặc y cùng một màu là màu vàng hoại sắc, thì kể từ đây mới có màu y thống nhất cho Tăng Ni. Và hiện nay, 80 phần trăm Tăng Ni của các tỉnh thành đã hưởng ứng việc thống nhất mặc màu y vàng hoại sắc. 

 

Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam còn có hệ Nam tông vẫn mặc y theo truyền thống Nguyên thủy và Phật giáo Khất sĩ mặc pháp phục riêng, nhưng cũng chọn màu vàng hoại sắc theo chủ trương của Giáo hội chúng ta.
Chúng tôi kêu gọi chư tôn đức Tăng Ni nên mặc màu y thống nhất là màu vàng hoại sắc để chẳng những nói lên rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất tổ chức, thống nhất ý chí, thống nhất hành động, mà còn thống nhất về pháp phục, một hệ quả tất yếu của quá trình gần 30 năm hoạt động thành công trong lòng dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, màu y vàng hoại sắc của Tăng Ni Việt Nam đồng bộ thể hiện nét đẹp hòa hợp của giới Phật giáo chúng ta, sẽ tô đậm thêm sự hiện hữu vững mạnh của Phật giáo Việt Nam trong đất nước này dưới mắt của bạn bè thế giới đến thăm chúng ta.
Vì vậy, quý Phật tử có phát tâm cúng dường y cho Tăng Ni, nên thỉnh y màu vàng hoại sắc như Giáo hội đã quy định, để tạo thêm nét hài hòa trong hàng tu sĩ Phật giáo Việt Nam.
HT.Thích Trí Quảng (Nguyệt San Giác Ngộ 171)

CS Phi Hùng: Sống tốt hơn nhờ Phật pháp

Cuộc sống tâm linh rất tốt cho tất cả mọi người chứ không riếng gì cho giới nghệ sỹ, theo Hùng khi hiểu được giáo lý và luật nhân quả ta sẽ sống tốt hơn và có ý thức hơn về những việc làm của mình.
Bằng tất cả những niềm kính yêu trân trọng của những người con hướng về hai đấng sinh thành dưỡng dục, nhân mùa Báo Hiếu Vu Lan PL 2.554 – DL 2010, ca sỹ Nguyễn Phi Hùng cho ra mắt album “Một Đời Cho Con” gồm 10 ca khúc viết về công ơn sinh dưỡng tựa biển trời của cha mẹ, trong đó nhạc phẩm “Lời Mẹ Ru” do chính anh sáng tác.
Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi chân tình với nam ca sỹ kiêm diễn viên điện ảnh đang được rất nhiều người yêu mến nhất qua các các công tác từ thiện xã hội mà anh đã tham gia.
PV: Được biết Anh đang phát tâm cùng đóng góp phần xây dựng một ngôi chùa, duyên lành nào đưa anh đến với Phật sự này?
Ca sỹ Nguyễn Phi Hùng: Được sự giới thiệu của chị Sương Mai (là người đã tạo nên nhóm từ thiện cùng tên) nên Hùng biết chùa Bửu Quang đang xây dựng, còn gặp nhiều thiếu thốn. Thế là Hùng cùng chung tay với bà con Phật tử và bạn bè thân hữu của ít lòng nhiều mong sao việc xây dựng chùa sớm thành tựu viên mãn.
PV: Anh có coi đây là một việc làm của một tín đồ ngoan đạo?
Ca sỹ Nguyễn Phi Hùng: Đạo nào cũng hướng con người đến sự hoàn thiện về nhân cách và đạo đức, giúp ta sống tốt hơn. Giáo lý Phật đà cho Hùng nhiều bài học quí trong cuộc sống, chính vì vậy mà nếu có dịp góp phần gì cho đạo là Hùng cảm thấy vui lắm rồi.
PV: DVD single “Phép Màu” do anh sáng tác và làm đạo diễn  vừa mới hoàn thành có chủ đề từ thiện xã hội. Đây cũng được coi là một Phật sự, anh có thể chia sẻ thêm về việc này?
Ca sỹ Nguyễn Phi Hùng: Đạo Phật luôn khuyên chúng ta phải sống tốt và biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau dù không phải là một mẹ sinh ra, nhưng xét theo luật nhân quả thì từ vô lượng kiếp chúng ta điều có mối quan hệ thân thiết với nhau. Chính vì vậy mong sao mọi người hãy  “đem tình thương xóa bỏ mọi hận thù”, sống thương yêu gần giũ nhau hơn.
Đó cũng chính là thông điệp của album “Phép Màu” mà Hùng muốn gởi đến quí vị cùng các bạn. “Phép Màu” không ở đâu xa mà nó đang hiện hữu ngay trong mỗi chúng ta …, “Nhân Chi Sơ Tính Bản Thiện” - cố nhân chúng ta đã dạy thế.
Chỉ mong tâm thiện trong mỗi người chúng ta sớm thức dậy để cảm nhận rằng cho dù cuộc sống còn bộn bề những lo toan vất vả nhưng cuộc đời luôn tươi đẹp nếu chúng ta biết đối xử với nhau bằng những tấm lòng vị tha nhân ái. Lúc đó “Phép Màu” sẽ trở thành hiện thực.
Nhân đây Hùng cũng xin chân thành cảm ơn cô Bạch Tuyết, anh Hoài Linh, MC Phước Lập, Quỳnh Hương cùng các bạn ca sỹ, nhạc sỹ, bác sỹ, các nhóm từ thiện LHL, nhóm Credo, các doanh nghiệp đã đồng hành giúp Hùng thực hiện album này .
PV: Chắc chắn rằng anh không dừng lại ở đây?
Ca sỹ Nguyễn Phi Hùng: Hãy đến với nhau bằng tình người, hãy san sẻ cho nhau những buồn vui bất hạnh không may trong cuộc sống còn nhiều gian truân vất vả này. Với sự thương yêu đồng cảm của bạn bè đồng nghiệp, của tất cả mọi người đã ủng hộ Hùng trong thời gian vừa qua, Hùng sẽ cố gắng dành nhiều tâm huyết hơn nữa cho các mãnh đời kém may mắn nhất là đối với các bệnh nhân bị chất độc màu da cam, ung thư , trẻ em câm điếc … ở các địa bànLâm Đồng, Quảng Bình, Quảng Trị, Củ Chi v.v… qua các chuyến từ thiện xã hội với Báo Phụ Nữ , Báo Công An Thành Phố - các đơn vị mà Hùng đã cộng tác.
PV: Là một trong những ca sỹ tham gia rất nhiều những chương trình mang tính từ thiện xã hội, cảm xúc của anh khi đến với những mãnh đời nghiệt ngã đáng thương?
Ca sỹ Nguyễn Phi Hùng: Thực sự có đến tận nơi có trông tận mắt thì chúng ta mới cảm nhận một phần nào những khó khăn vất vả của các cụ già, các bệnh nhân, các trẻ nghèo bất hạnh đã và đang gánh chịu về thể chất cũng như tinh thần. Xót xa lắm, thương lắm những số phận hẩm hiu kém may mắn …
Bên cạnh đó, Hùng cũng rút ra cho mình một bài học về ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Cũng chính vì thế mà các chương trình mang tính nhân đạo khi được mời Hùng điều cố gắng xấp xếp tham gia. Là ca sỹ, Hùng chỉ biết đóng góp bằng lời ca tiếng hát mong muốn góp phần mang lại niếm tin yêu trong cuộc sống.             
PV: Là một nghệ sỹ múa Ballet vừa là một ca sỹ, diễn viên điện ảnh nổi tiếng, anh có cho mình là người đa “ tài” ?
Ca sỹ Nguyễn Phi Hùng: Hùng nghĩ không có việc gì đến dễ dàng nếu mình không có sự trau dồi học hỏi, chịu khó và nhiệt huyết. Trong sự nghiệp đang có, Hùng may mắn được gặp nhiều bạn bè thân hữu tốt giúp đỡ nên có nhiều thuận lợi trong những ngày đầu bước vào nghề. Bên cạnh đó Hùng luôn lắng nghe, trau dồi học hỏi để hoàn thiện mình.
Hùng không dám nhận mình là người đa tài, chỉ nghĩ rằng mình là người có rất nhiều may mắn.
PV: Thường thì sau khi trải qua sóng gió ba đào, người ta mới chợt tỉnh mộng và tìm về nương tựa đời sống “Tâm Linh” … Anh có thuộc thành phần đó không?
Ca sỹ Nguyễn Phi Hùng: Cuộc sống của Hùng chưa có nhiều sóng gió. Hùng may mắn vì luôn có gia đình bên cạnh để chỉ dạy điều hay lẽ phải và bạn bè thân hữu luôn nhắc nhở góp ý chân tình những điều mà Hùng còn khiếm khuyết, theo Hùng biết tỉnh mộng, biết quay về là tốt rồi…
PV : Theo anh cuộc sống Tâm Linh có giúp gì có giới nghệ sỹ không?
Ca sỹ Nguyễn Phi Hùng: Cuộc sống tâm linh rất tốt cho tất cả mọi người chứ không riếng gì cho giới nghệ sỹ, theo Hùng khi hiểu được giáo lý và luật nhân quả ta sẽ sống tốt hơn và có ý thức hơn về những việc làm của mình.
PV: Xin chân thành cảm ơn anh. Chúc anh và gia đình luôn sống an lành trong ánh hào quang của mười phương chư Phật.
 
 
 
 
 
 
 
 
 


Linh Toàn (thực hiện) (Theo phattuvietnam.net)

Tóm lược tiểu sử Hòa Thượng Giác Trang

HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC TRANG
Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN
(1933 – 2008)
 
I.- THÂN THẾ :
     Hòa thượng Thích GIÁC TRANG, thế danh Hùynh Hữu Thọ, sinh năm  Quý Dậu (1933) tại  xã Nhựt Ninh, Huyện Tân Trụ, Tỉnh Long An. Thân phụ: Cụ ông Huỳnh văn Mới, pd  Thiện Tâm. Thân mẫu: Cụ bà Nguyễn thị Ngôn, pháp danh  Hiền Ngọc. Hòa thượng là người con thứ sáu trong gia đình tám anh em.
Gia đình Hòa thượng có phúc duyên nhiều đời với Phật pháp, từ những năm đầu thập niên năm mươi, Tổ sư  Minh Đăng Quang hướng dẫn đoàn du tăng về hành đạo, thuyết pháp tại thị xã Tân An và huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, ông bà thân sinh và anh chị em Hòa thượng đều có duyên lành được diện kiến và nghe Tổ sư thuyết pháp, thọ nhận Tam quy  ngũ giới, pháp danh. Kể từ đó, cả gia đình đều tu tập đời sống tại gia, riêng Hòa thượng được Tổ sư thọ ký Pháp danh Thiện Hữu. Cũng từ duyên lành nầy, là nấc thang đưa Hòa thượng tiến đến đời sống xuất gia.
 II.- XUẤT GIA  HỌC ĐẠO :
Năm 1954, Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng. Trong thời gian nầy, thiện nam Thiện Hữu thường hay tới lui đạo tràng Tịnh Xá Ngọc Thành tại thị xã Tân An tham vấn đạo lý. Hơn một năm sau, nhân duyên hội tụ, Trưởng lão Giác Tánh, trưởng tử Đức Tổ sư hướng dẫn Đoàn du tăng hành đạo dừng chân Tịnh xá Ngọc Thành, cảm mến đức độ Trưởng lão, Hòa thượng xin Trưởng lão chứng minh thế phát xuất gia làm Tăng vào ngày mùng 10 tháng 9 năm 1955, với đạo hiệu pháp danh Giác Trang. Sau đó, Hòa thượng được theo hầu Trưởng lão Bổn sư  trên đường hành đạo về các tỉnh miền Tây.  Nhờ căn duyên sẵn có từ  nhiều đời, nay hạt giống được ươm mầm tăng trưởng, tinh tấn cầu học cầu tu… đến ngày Rằm tháng Chạp năm 1955, Ngài được Chư tôn đức chứng minh thọ Y bát giới Sa di tại Tịnh xá Ngọc Quang, thị xã Sa Đéc.  Năm 1956, 1957… Đoàn du Tăng do  nhị Tổ Giác Chánh, Trưởng lão Giác Tánh và Tri Sự Giác Như hướng dẫn đi hành đạo ra miền Trung, Hòa thượng lại cũng có duyên lành theo hầu thầy đi  vân du  hóa duyên hành đạo. Năm 1958, Đoàn du tăng trở lại miền Tây và dừng chân tại Tịnh xá Liên Trung, huyện Thốt Nốt, tỉnh Hậu Giang, nay là Tịnh xá Ngọc Liên, Tp. Cần Thơ. Trong mùa An cư năm này, chính tại nơi đây, Hòa thượng được Chư tôn đức trong Giáo đoàn chứng minh truyền thọ Y bát  Cụ túc giới Tỳ kheo.
III.- CÔNG HẠNH TU TẬP và HÀNH ĐẠO :
Sau 3 năm thọ Cụ túc giới, Hòa thượng dần dần trưởng thành trong giáo pháp. Đến năm 1960, Trưởng Lão Giác Tánh  hướng dẫn Giáo đoàn ra miền Trung hành đạo và lập Giáo đoàn II, xây dựng đạo tràng Tịnh xá, mở mang mối đạo, Hòa thượng  được ủy cử  theo trợ lý Trưởng lão Tri sự Giác Như, quán  xuyến các mặt sinh hoạt Phật sự trong Giáo đoàn I, phân cử bổ nhiệm trụ trì; đồng thời từ năm 1965 Hòa thượng cũng tự thân chính thức nhận nhiệm vụ trụ trì.
Hầu hết các Tịnh xá do Tổ sư sáng lập lưu lại đều thuộc Giáo đoàn I quản lý, Hòa thượng lần lượt được bổ nhiệm trụ trì: Tịnh Xá Ngọc Viên, Vĩnh Long; Tịnh xá Ngọc Quang, Sa Đéc; Tịnh xá Ngọc Thạnh, Tây Ninh; Tịnh xá Ngọc Thành, Long An; Tịnh xá Ngọc Tường, Mỹ Tho; Tịnh xá Ngọc Vân, Trà Vinh; Tịnh Xá Ngọc Trung, Thốt Nốt; Tịnh xá Ngọc Giang, Long Xuyên; Tịnh xá Ngọc Minh, Cần Thơ; Tịnh Xá Ngọc Liên, Bạc  Liêu…v.v. Từ năm 1980 Hòa thượng về Trụ trì Tịnh xá Ngọc Chánh, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh cho đến ngày viên tịch (1980 - 2008).
1.- Sự tinh tấn của bản thân qua sự tu tập Giới Định Huệ:
Điểm đặc sắc về tinh thần tu tập của Hòa thượng đối với giáo pháp chính là sự âm thầm hành trì phạm hạnh. Đến trụ xứ tại mỗi đạo tràng Tịnh xá, Hòa thượng luôn tự mình hành trì và khuyến tấn chư Tăng chúng trụ cùng hành trì chương trình tu học “Trú dạ lục thời” do Tổ Sư ấn định dành cho người xuất gia; dù ở đâu, lúc nào Ngài  cũng giữ vững một lòng kiên định, tinh tấn, không xao lãng, không bỏ phí thời gian, nhất là thọ trì tịnh nghiệp thân khẩu ý, an trú trong giới luật, thiền định và cả những khi du hành giáo hóa.  Với trọng trách của vị trụ trì, hằng ngày, Hòa thượng luôn để tâm chăm sóc trang nghiêm đạo tràng Tịnh xá, làm gương và hướng dẫn sự tu học cho bá tánh cư sĩ tại gia biết tu tiến tự thân và hộ trì Tam bảo.
2.- Đối với Giáo đoàn, Hệ phái và Giáo hội:
Đối với tổ chức Giáo hội, Hệ phái và Tổ quốc quê hương… Hòa thượng luôn thể hiện tinh thần  phụng sự “Đạo pháp và Dân tộc” của một thầy Tỳ kheo, Sa môn trong Chánh pháp với các phận sự - thành viên Ban Kiểm Tăng Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh; Cố vấn chứng minh Ban Đại diện Phật giáo Quận Bình Thạnh; thành viên Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo Hội và Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh; Cố vấn chứng minh Giáo đoàn I và Hệ phái Khất Sĩ - thành viên GHPGVN.
Trong những thập niên từ 1980 đến năm 2000, khi sức khỏe còn tương đối tốt, Hòa thượng thường trực tiếp vận động ủng hộ và tham gia các chuyến  thăm viếng, tặng quà cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lụt miền Tây và miền Trung bằng tất cả tấm lòng. Đối với  các ngành họat động của Giáo hội, Ngài rất quan tâm và âm thầm ủng hộ định kỳ các khóa đào tạo, các Trường Phật học, thuộc ngành Giáo dục Tăng Ni; các khóa đào tạo, bồi dưỡng Giảng sư của ngành Hoằng pháp Trung ương, Thành phố và tờ Báo Giác Ngộ của Thành hội Phật giáo. 
Trong 4 năm liền, từ năm Giáp Thân (2004) đến năm Đinh Hợi (2007), Hòa thượng được cung thỉnh làm Thiền chủ trường hạ tập trung của Hệ phái tại Tịnh xá Trung Tâm.
Về mặt tấn phong Giáo phẩm, Hòa thượng được Giáo hội tấn phong Giáo phẩm Thượng tọa tại Đại Hội kỳ III năm 1992; và Giáo phẩm Hòa thượng tại Đại Hội kỳ V năm 2002. Đặc biệt, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ V (2002) và kỳ VI (2007), Hòa thượng đã được Đại hội suy tôn vào Hội đồng Chứng minh GHPGVN.  
3. Những điều tâm, nguyện những năm tháng cuối đời:
Từ đầu năm 2003 thân tứ đại của Hòa thượng theo duyên tăng giảm, Hòa thượng thường về tịnh dưỡng tại Tịnh xá Ngọc Tường, Thành phố Mỹ tho, tỉnh Tiền Giang. Đến tháng 6 năm 2005  Hòa thượng vào Bệnh viện Ung Bướu khám bệnh. Bác sĩ  cho biết Hòa thượng có bệnh nan y “Ung thư Gan” giai đoạn cuối, cần nên nhập viện để chửa trị, nếu chậm không còn kịp thời gian. Hòa thượng cho chư Tăng và phật tử cận sự biết việc nầy, nhưng Hòa thượng quyết định không nhập viện. Hòa thượng bày tỏ ý nguyện – nếu gặp phải bệnh nan y khó trị thì  Hòa thượng xin được về lại Tổ đình Tịnh Xá Ngọc Viên, Vĩnh Long tịnh dưỡng, tự an trú thân tâm và quy tịch; công việc Trụ trì chăm sóc Tịnh xá Ngọc Chánh, Hòa thượng xin được ủy nhiệm cho Thượng tọa Thích Giác Tuân thay thế. Sau đó, đôi ba tháng Hòa thượng cho biết trong mình Hòa thượng vẫn khỏe. Nhân dịp, Chùa Như Lai Thiền Tự, ở  Sandiego, Hoa Kỳ và Thiền Viện Minh Quang, ở Sydney - Úc tổ chức Lễ Khánh thành vào tháng 9 và tháng 11 năm 2005; cả 2 nơi đều mong muốn được cung thỉnh Hòa thượng cùng chư  Tôn đức bên nhà sang chứng minh. Hòa thượng nói với chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái: "Dù thế nào thì bịnh cũng đã bịnh rồi, cho nên tôi muốn đi khích lệ tinh thần cho Chư Tăng đang hành Đạo nước ngoài rồi về quy tịch cũng được". Thế rồi, vào Quý IV/2005, Hòa thượng cùng chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái đi dự Lễ Khánh thành Như Lai Thiền Tự ở Hoa Kỳ và Thiền viện Minh Quang ở Úc. Dự lễ xong, trở về Việt Nam, sức khỏe Hòa thượng vẫn bình thường.
Rồi mùa An cư Kiết hạ PL. 2551 – Bính Tuất (2006), Hòa thượng tiếp tục được cung thỉnh làm Thiền chủ Trường hạ Hệ phái. Sau mùa An cư, sức khỏe Hòa thượng không được ổn định, Hòa thượng phải trở vào bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị. Được đội ngũ Y Bác sĩ bệnh viện tận tình chăm sóc, bịnh tình đã đến giai đoạn thập tử nhất sinh lại cũng được qua khỏi. Sau khi bình phục, Hòa thượng đã bày tỏ tâm nguyện: Mong muốn được mạnh khỏe để đi dự Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2007 – 2012 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội; đồng thời Hòa thượng cũng mong muốn góp một phần nhỏ công đức trong việc xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh. Nay thì tâm nguyện thứ nhất của Hòa thượng đã được tròn xong, còn việc góp phần xây dựng Học việc thì vẫn còn dang dỡ.
IV.-  THỜI KỲ VIÊN TỊCH:  
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy:
                   Chư hành vô thường
                   Là pháp sinh diệt
                   Sinh diệt diệt rồi
                   Tịch diệt là vui.
 Và thật là nhân duyên cũng hết sức tình cờ như một Pháp duyên. Trong Chơn lý, Tổ sư Minh Đăng Quang có dạy: “tuổi 72 là tuổi an nghỉ Niết Nàn”. Huyễn thân tứ đại của Hòa thượng vừa tròn 72 tuổi thì cũng chính là lúc bắt đầu có bịnh và ba năm cuối cuộc đời của Hòa thượng như là một sự kiểm nghiệm cuối cùng về nỗi khổ đau của sanh già bệnh chết… Một sự thực nghiệm thân chứng – Mạnh rồi bịnh, bịnh rồi mạnh, mạnh rồi bịnh … rồi ra đi.
 Ngày 22 tháng 11 năm Đinh Hợi, bịnh duyên tái phát, Hòa thượng nhập viện trở lại, đến ngày 12 tháng chạp Hòa thượng xuất viện về lại Tịnh xá Ngọc Tường, trú xứ mà những năm tháng cuối đời Hòa thượng thường về tịnh dưỡng, nghe lòng thanh thảng, an tịnh. Đến 02giờ 25 phút ngày Rằm tháng chạp năm Đinh Hợi (nhằm ngày 22/01/2008), là giờ phút thiêng liêng mầu nhiệm, Hòa thượng hội nhập Phật cảnh Niết bàn, trụ thế 75 năm, Hạ lạp 50 năm.
Thế là duyên hóa độ của Hòa thượng đến đây đã mãn, Ngài trở về thế giới Niết Bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, ký ức của hàng pháp hữu trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử và môn đồ pháp quyến. Xin mãi mãi khắc ghi hình ảnh khả kính với gương lành đức độ và công đức của Ngài.
Nam Mô Tây Phương Cực lạc Thế giới Đại từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật Tác Đại Chứng Minh.

Những Bước Thăng Trầm Dịch giả: Phạm Kim Khánh

18/01/2012 03:37 (GMT+7)
Thế gian chênh lệch nầy quả không hoàn toàn tươi đẹp như cánh hoa hồng. Nó cũng không tuyệt đối gai góc như cây hồng. Hoa hồng dịu dàng, đẹp đẽ, và mùi thơm ngào ngạt. Nhưng cái cây sanh ra nó thì mình đầy gai góc. Hoa là hoa. Gai là gai. Cái gì thuộc về hoa là của hoa. Cái gì thuộc về gai là của gai. Không vì hoa mà ta lao mình vào gai, cũng không vì gai mà xa lánh hẳn hoa hồng.

Với người lạc quan, thế gian này tuyệt đối như cánh hoa hồng. Người bi quan, trái lại, thấy nó đầy gai chướng. Nhưng, đối với người thực tiễn, thế gian không tuyệt đối tươi đẹp, cũng chẳng hoàn toàn xấu xa.
Người hiểu biết sẽ không say mê sắc đẹp của hoa hồng nhưng nhận định đúng nó là thế nào. Thấu triệt bản chất của gai, người ấy thấy đúng thực tướng của nó và sẽ hành động đủ thận trọng để khỏi bị gai quào hay đâm, chích. Giống như quả lắc của đồng hồ, đánh qua trái rồi sang phải, phải rồi trở lại trái, luôn luôn như vậy, có bốn phước lành và bốn điều bất hạnh trong đời sống mà tất cả mọi người ai ai cũng phải đương đầu, không ai tránh khỏi. Ðó là được và thua; danh thơm và tiếng xấu; ca tụng và khiển trách; hạnh phúc và đau khổ. Danh từ Pali gọi là Atthlokadhamma, Tám Pháp Thế Gian. Theo kinh điển Hán Tự đó là Bát Phong, tức tám ngọn gió thổi vào đời sống và làm chao động đèn tâm.
Ðược và thua
Thế thường, các nhà doanh thương phải gặp cả hai điều: được và thua, hay nói cách khác, lợi lộc và lỗ lã. Dĩ nhiên, khi được lợi thì người ta thỏa thích, vui mừng. Ðiều nầy tự nó không có gì sai lầm. Những mối lợi tương tự, dầu chánh đáng hay không, đều đem lại niềm vui mà người thường ai cũng ước mong, ai cũng tìm kiếm. Nếu không có những giờ phút vui vẻ, dầu là tạm bợ, đời quả thật không đáng sống. Trong thế gian tranh chấp và bấp bênh này, con người được rất ít cơ hội thọ hưởng một vài loại hạnh phúc để làm phấn khởi tâm trí. Những lạc thú tương tự, dầu vẫn là vật chất, chắc chắn sẽ giúp ta thêm sức khỏe và tuổi thọ.
Nhưng, đến khi lỗ lã thì phiền não bắt đầu khởi phát. Ta có thể mỉm cười dễ dàng khi lợi lộc, nhưng lúc thua thiệt thì không. Nhiều trường hợp lỗ lã quan trọng làm cho người ta loạn trí, lắm khi đưa đến cảnh quyên sinh mạng sống, nếu không còn chịu đựng được nữa. Chính trong những trường hợp tương tự ta phải biểu dương tinh thần dũng cảm và giữ tâm bình thản, không để quá chao động. Trong lúc vật lộn với đời sống, tất cả mọi người đều phải gặp những lúc thăng, lúc trầm, và chúng ta phải sẵn sàng chịu đựng, sẵn sàng đối phó, nhất là trong nghịch cảnh. Nỗi thất vọng sẽ giảm nhiều.
Mất một vật gì, tất nhiên ta cảm thất buồn. Nhưng chính cái buồn không giúp ta tìm lại được vật đã mất. Ta phải nghĩ rằng ai đó có thể hưởng vật kia, mặc dầu họ hưởng một cách bất chánh. Ước mong người ấy được vui vẻ, an lành và hạnh phúc!
Hoặc giả ta có thể tự an ủi: “đây chỉ là một mất mát nhỏ nhen, không quan trọng“. Hay ta có thể chấp nhận một thái độ triết lý cao thượng: “Không có gì là “Ta“, không có cái gì là “Của Ta“. Trong những hoàn cảnh tương tự, ta phải giữ tâm bình thản.
Vào thời Ðức Phật còn tại thế, có một thiếu phụ đến chùa trai tăng. Ðức Xá Lợi Phất và các vị tỳ kheo khác. trong khi sửa soạn dâng vật thực đến các ngài thì bà được tin chồng và tất cả các con bị người ta phục kích giết chết lúc đang đi hòa giải một cuộc tranh chấp. Bà không tỏ ra buồn. Thản nhiên, bà lặng lẽ cất giữ thơ vào túi rồi tiếp tục để bát chư Tăng như không có gì xảy ra. Lúc bấy giờ người nữ tỳ của bà bưng hũ mật và sữa để dâng chư Tăng, rủi trợt té làm bể cái hũ. Nghĩ rằng có lẽ bà thí chủ sẽ tiếc cái hũ và thức ăn đựng trong đó, Ðức Xá Lợi Phất an ủi bà rằng các vật như cái hũ, đã mang tánh chất “bể“ theo liền với nó, ắt phải bể một ngày nào, Bà tín nữ trí tuệ điềm tĩnh trã lời: “Kính bạch Ðại đức, đó chỉ là một mất mát tầm thường. Con vừa nhận được tin chồng và các con của con bị kẻ sát nhơn giết chết. Con bỏ thơ vào túi và vẫn giữ tâm bình thản, không bấn loạn. Và mặc dầu được tin dữ, con vẫn tiếp tục để bát Ngài và chư tăng“.
Ðức quả cảm quí báu của người thiếu phụ thật đáng được ca ngợi và đáng được làm gương cho người khác.
Lần khác, Ðức Phật và các môn đệ an cư kiết hạ trong làng nọ, theo lời mời của một người bà-la-môn. Nhưng vị này hoàn toàn lãng quên bổn phận là phải chăm lo các Ngài. Suốt trọn thời gian ba tháng hạ Ðức Phật và chư Tăng bình thản dùng những thức ăn của ngựa mà một người lái ngựa đã dâng đến, mặc dầu đức Mục Kiền Liên tình nguyện dùng thần thông đi tìm vật thực khác. Ðức Phật không một lời than van hay phản đối.
Bà Visakha, vị nữ thí chủ quan trọng trong thời Ðức Phật, thường đến chùa chăm lo mọi nhu cầu của Ðức Phật và chư Tăng. Một hôm, bà đắp một cái áo choàng rất quí giá để đi chùa. Khi đến cổng chùa, bà cổi áo choàng ra đưa cho người nữ tỳ cầm giữ. Lúc ra về cô tỳ nữ vô ý, bỏ quên lại. Ðại Ðức A Nan Ðà thấy, đem cất một nơi, chờ bà Visakha đến sẽ trao lại. Về đến nhà sực nhớ, bà bảo người nữ tỳ quay trở lại tìm, nhưng căn dặn nếu có vị tỳ khưu nào đã đụng đến thì không nên lấy về. Cô tỳ nữ đến chùa hỏi thăm, biết rằng Ðại Ðức A Nan Ðà đã cất giữ cái choàng nên trở về báo tin cho chủ. Bà Visakha liền đến hầu Phật và tỏ ý muốn làm việc thiện với số tiền bán cái choàng quí giá ấy. Ðức Phật khuyên bà nên kiến tạo một ngôi tịnh xá để chư Tăng có nơi cư trú. Vì không ai có đủ tiền mua cái áo choàng quí giá như thế nên chính bà mua lại và dùng số tiền ấy xây dựng một ngôi tịnh xá đẹp đẽ, dâng đến chư Tăng. Sau khi dâng xong ngôi chùa bà ngỏ lời tri ân người tỳ nữ như sau: “Nếu con không lỡ bỏ quên cái áo choàng, ắt ta sẽ không có cơ hội tạo nên phước báu này. Như vậy ta xin chia phước này đến con“. Thay vì buồn rầu hay phiền giận vì tạm thời mất một vật quí giá, và la rầy người tỳ nữ vô ý, bà cám ơn người ấy đã giúp cơ hội tạo phước.Thái độ gương mẫu của bà Visakha học thức đáng làm một bài học cho những ai dễ nóng giận vì lỗi lầm của người giúp việc thế cô.
Ta phải dũng cảm chịu đựng những lỗ lã, thua thiệt. Ta phải đương đầu với nó, và như câu “họa vô đơn chí“ diễn tả, nó đến một cách đột ngột, từng đoàn, từng đám đông, chớ không đơn độc. Ta phải điềm tĩnh đối phó, với tâm xả hoàn toàn, và nghĩ rằng đây là cơ hội vàng ngọc để thực hành đức tánh cao thượng này.
Danh thơm và tiếng xấu
Danh thơm và tiếng xấu là một cặp thăng trầm khác mà ta phải đối phó hằng ngày. Danh thơm, chúng ta hoan hỉ đón mừng. Tiếng xấu, chúng ta không thích. Danh thơm làm phấn khởi tinh thần. Tiếng xấu làm cho ta đau xót.
Chúng ta thích được trứ danh. Chúng ta mong muốn thấy tên tuổi và hình ảnh mình trên mặt báo. Chúng ta rất thỏa thích thấy những hoạt động của chúng ta, dầu không đáng kể, được tường thuật, và được nhiều người nhắc nhở, nhiều người biết đến. Lắm khi ta cũng cố gắng, một cách bất chánh, làm cho nhiều người chú ý đến mình.
Ðể thấy hình ảnh trên tạp chí, vài người sẵn sàng trả một số tiền to tát. Ðể được danh dự, vài người sẵn sàng đóng góp quan trọng hay hối lộ cho nhóm người quyền thế. Ðể tự quảng cáo, vài người biểu dương tâm trong sạch bố thí của mình bằng cách trai tăng hằng trăm vị tỳ khưu, hay hơn nữa. Nhưng có thể những người trên sẽ hoàn toàn thản nhiên trước nỗi thống khổ của người nghèo nàn đói rách sống ngay bên cạnh mình. Ta có thể rầy la và hành phạt một tên trộm quá đói khát, vào vườn ăn cắp của ta một trái dừa để làm dịu bớt cơn đói, nhưng ta sẽ không ngần ngại cho ra cả thiên dừa để đổi lại chút danh thơm.
Ðó là khuyết điểm của con người. Chí đến khi làm điều thiện, phần đông chúng ta cũng làm với ẩn ý vụ lợi. Những người hoàn toàn vị tha rõ thật hiếm hoi trên thế gian này. Vì lẽ ấy, người nào đã làm một việc thiện - dầu động cơ thúc đẩy đến hành động không mấy đáng được ca ngợi - cũng đáng được tán dương vì đã làm điều thiện ấy. Phần đông người thế gian chúng ta luôn luôn còn giấu một cái gì trong tay áo. Ai là người trăm phần trăm tốt? Bao nhiêu người hoàn toàn trong sạch, từ động cơ đến hành động? Bao nhiêu người tuyệt đối vị tha?
Chúng ta không cần phải chạy theo danh thơm tiếng tốt. Nếu chúng ta xứng đáng, nó sẽ đến mà không cần tìm. Khi hoa đượm mật đầy đủ, ong, bướm sẽ đến. Hoa không cần mời ong, hay mời bướm. Ðúng thật vậy, chúng ta cảm nghe tự nhiên vui sướng, vô cùng hạnh phúc, khi thanh danh của chúng ta bay xa, bay rộng. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận định rằng tiếng tốt, danh vọng, vinh quang, chỉ đi theo với ta đến mồ là cùng. Rồi nó tan biến ra mây, ra khói. Nó chỉ là những ngôn từ, mặc dầu là kim ngôn, là mỹ từ, làm êm dịu tai ta.
Còn tiếng xấu thì sao? Chúng ta không thích nghe hay nghĩ đến nó. Chắc chắn là khi những lời nói xấu lọt vào tai ta nó sẽ làm cho tâm ta bàng hoàng, khó chịu. Nỗi khổ tâm càng sâu đậm hơn nữa nếu những lời gọi là tường thuật hay báo cáo ấy tỏ ra bất công hay hoàn toàn sai lạc.
Thường phải mất cả năm, hay hơn nữa, để kiến tạo một ngôi nhà nguy nga và vĩ đại. Nhưng, chỉ trong nháy mắt khí giới tối tân hiện đại có thể tàn phá dễ dàng. Lắm khi ta phải mất nhiều năm hay trọn cả một kiếp sống để gầy dựng thanh danh. Bao nhiêu công trình lao khổ ấy có thể tàn rụi trong khoảnh khắc. Không ai có thể tránh khỏi câu nói tai hại bắt đầu bằng tiếng “nhưng“. Thật vậy, ông ấy rất tốt, ông đã làm việc nầy, điều kia. Nhưng... Phần đầu tốt đẹp đã bị cái “nhưng“ đẩy vào đêm tối của lãng quên. Bạn có thể sống đời trong sạch như một vị Phật nhưng bạn không thể tránh những lời chỉ trích, tấn công và nguyền rủa. Ðức Phật là vị giáo chủ trứ danh nhất thời bấy giờ, mà cũng là người bị nguyền rủa và sỉ vả nhiều nhất thời bấy giờ.
Các bậc vĩ nhân thường không được biết đến. Hay có được biết, cũng được biết một cách sai lệch. Khi sứ mạng lịch sử của Ðức Phật đã được hoàn thành viên mãn và có rất nhiều người tìm đến xin xuất gia, các vị đạo sĩ đối nghịch phỉ bảng rằng vì Ðức Phật mà mẹ phải lìa con, vợ lìa chồng, và chính Ngài đã làm trở ngại mọi tiến bộ của đất nước.
Chính người em họ và môn đệ của Ðức Phật cũng nhiều lần âm mưu làm sụp đổ phẩm hạnh cao quí của Ngài, nhưng thất bại. Ông lại sanh tâm mưu sát Ðức Thế Tôn bằng cách từ trên cao lăn đá vào mình Ngài. Nếu đó là số phần bất hạnh của một người vô tội và trong sạch như Ðức Phật, hạng người tầm thường còn phải chịu như thế nào?
Lúc trèo núi, ta càng lên cao người đứng dưới đồng bằng càng để ý đến ta và càng thấy ta nhỏ hơn. Và họ chỉ thấy phía sau lưng, không thấy trước mặt. Thế gian thổi lông tìm vết này chỉ muốn trưng bày khuyết điểm và lỗi lầm của ta. Bao nhiên tánh tốt thì giấu nhẹm. Cái xay quạt lúa quạt đi bụi bậm và lúa hư, nhưng giữ lại các hột lúa no đầy. Cái rây thì trái lại, giữ phần xác thô sơ mà lược đi nước trái cây ngon ngọt. Người có trau dồi trí thức giữ cho mình phần tinh tế và bỏ đi phần thô sơ. Hạng vô học giữ cái thô và bỏ đi cái tinh vi tế nhị. Mỗi khi bị hiểu lầm và bị người ta vô tình hay cố ý, truyền rao một cách bất công, ta nên sáng suốt suy nghĩ, hay nói như Epictetus đã khuyên: “May quá, người ta không quen mình nhiều và chỉ biết mình sơ sài nên chỉ nói xấu mình bấy nhiêu. Nếu người ta biết mình nhiều hơn chắc mình còn bị chỉ trích nhiều hơn nữa.“
Không cần phung phí thì giờ vô ích để sửa sai những lời đồn đãi sai lạc, nếu hoàn cảnh không bắt buộc ta phải làm sáng tỏ vấn đề. Kẻ thù nghịch sẽ lấy làm thỏa thích mà thấy ta bực bội vì lời nói của họ. Ðó chính là điều mà họ mong muốn. Nếu ta thản nhiên, lời vu oan sẽ tan biến vào quên lãng. Ðể thấy lỗi lầm của người khác, ta phải làm như người mù; Ðể nghe lời chỉ trích của người khác, ta phải làm như người điếc; Ðể nói xấu người khác, ta phải làm như người câm. Không thể chấm dứt những lời buộc tội, những lời tường thuật hay đồn đãi sai lầm. Thế gian đầy chông gai và đá nhọn. Ta không thể dẹp sạch gai và đá. Nhưng nếu phải đi trên đó bất kể những trở ngại thì, thay vì dời gai và đá - chuyện mà ta không thể làm - tốt hơn ta nên mang một đôi giày và thận trọng đi từng bước. Chúng ta sẽ được an toàn.
Giáo Pháp dạy ta: Hãy như sư tử, không run sợ trước tiếng động; Hãy như luồng gió, không dính mắc trong màn lưới; Hãy như hoa sen, từ bùn nhơ nước đục mọc lên, nhưng không bị nước đục bùn dơ làm ô nhiễm; Hãy vững bước, một mình, như con tê giác.
Chúng ta đang sống trong bùn dơ nước đục. Nhiều đóa sen đã từ đó vươn lên, tô điểm sơn hà, mà không bị nước đục và bùn dơ làm hoen ố. Chúng ta phải cố gắng sống như hoa sen, một đời trong sạch và cao quí, không màng để ý đến bùn dơ mà người khác có thể ném vào chúng ta.
Âu cũng lạ, rằng các bậc vĩ nhân thường bị vu oan, phỉ báng, đầu độc, treo lên thánh giá hay bị bắn chết. Ông Socrates vĩ đại bị đầu độc, Ðức Chúa Ki Tô cao quý bị treo trên thánh giá, Ðức Mahatma Gandhi bất bạo động bị bắn chết... Vậy, phải chăng tốt quá cũng nguy hiểm?
Ðúng, khi còn sống, các vị ấy bị chỉ trích, tấn công, và sát hại. Sau khi chết, các Ngài được tôn sùng và kính mộ như thần, như thánh. Bậc vĩ nhân vẫn bình thản khi được khen cũng như lúc bị chê. Các Ngài không để tinh thần suy sụp khi bị chỉ trích hay vu oan, bởi vì các Ngài không chạy theo thanh danh. Người ta có biết được việc làm của mình không, các Ngài không để ý. Các Ngài làm việc, phục vụ, nhưng không màng đến việc thọ hưởng.
Ca tụng và khiển trách
Ðược ca tụng và bị khiển trách là hai cảnh thăng trầm khác hằng ảnh hưởng đến nhân loại. Lẽ dĩ nhiên, khi được ca tụng thì ta nở mặt nở mày, hân hoan thỏa thích. Lúc bị khiển trách thì tinh thần suy sụp, ủ dột buồn rầu.
Giữa những lời ca tụng hay khiển trách, Ðức Phật dạy, người thiện trí không thỏa thích cũng không ủ dột mà, tựa hồ như tảng đá vững chắc, không lay chuyển dưới cơn bão táp phong ba của đời sống.
Nếu ta xứng đáng, những lời khen tặng quả thật là êm tai. Nhưng nếu ta không xứng, như trườnghợp có người nịnh bợ, thì những lời ấy dù có êm tai cũng sẽ làm cho ta thất vọng, và có hại chota. Dầu sao, đó cũng chỉ là những tiếng động, những âm thanh, không đem lại hậu quả nào nếu có không lọt được vào tai.
Ðứng về phương diện thế gian, lời ca tụng có thể đi rất xaa. Một tiếng khen tặng nhẹ nhàng, đúng lúc, có thể giúp ta dễ dàng thâu đạt điều mong muốn. Một câu giới thiệu xứng đáng đủ làm cho toàn thể cử tọa chăm chú lắng nghe diễn giả. Nếu diễn giả có lời khen tặng cử tọa, ắt sẽ được chú ý. Trái lại, nếu diễn giả bắt đầu bằng những lời khiển trách hay chỉ trích, thái độ đáp ứng của người nghe ắt không thuận lợi.
Người đã thuần thục không tin càng những lời nịnh bợ, cũng không muốn được nịnh bợ. Khi khen tặng ai xứng đáng, người thuần thục thành thật mà không ẩn ý ganh tỵ. Khi khiểnt trách, các Ngài khiển trách mà không ẩn ý khinh khi. Các Ngài chỉ khiển trách vì lòng bi mẫn, muốn cải thiện người lầm đường lạc nẻo.
Những bậc vĩ nhân được tất cả người lớn kẻ nhỏ hết lòng khen tặng nhưng thản nhiên, không hề chao động.
Nhiều người thân cận với đức Phật thường ca tụng phẩm hạnh Ngài, mỗi người một cách. Upàli, một nhà triệu phú mới qui y với Ðức Phật kể ra hằng trăm đức tánh của Ngài. Chín hồng danh của Ðức Phật mà thời bấy giờ người ta thường nhắc nhở, đến nay hàng tín đồ Phật giáo vẫn còn đọc lên như kinh nhựt tụng, và mỗi lần kể đến các phẩm hạnh cao quí ấy, chúng ta nhìn lên pho tượng trầm ngâm tự tại với tất cả tấm lòng kính mộ. Chín dồng danh ấy còn là đề mục hành thiền cho người có tâm nhiệt thành và vẫn còn là nguồn gợi cảm lớn lao cho những ai tự coi mình là Phật tử.
Còn khiển trách thì sao? Ðức Phật dạy: “Người nói nhiều bị khiển trách. Người nói ít bị khiển trách. Người lặng thinh cũng bị khiển trách. Trên thế gian nầy không có ai tranh khỏi bị khiển trách““. Hình như khiển trách là phần di sản của nhân loại.
“Người thế gian phần đông sống không kỷ luật“, Ðức Phật ghi nhận như vậy và dạy tiếp, “như voi chiến ở trận địa, hứng lãnh lằn tên mũi đạn từ mọi hướng dồn dập bủa đến, cùng thế ấy, Như Lai hứng chịu mọi nguyền rủa của thế gian.“Kẻ si mê lầm lạc chỉ tìm cái xấu. Cái hư của người khác mà không muốn nhìn cái tốt, cái đẹp của ai Ngoại trừ Ðức Phật, không ai trăm phần trăm tốt. Cũng không ai xấu trăm phần trăm. Trong con người tốt nhất giữa chúng ta, cũng có phần hư hỏng. Trong con người xấu nhất cũng có điểm tốt đẹp. Người biết làm câm như cái mỏ bể khi bị tấn công, nguyền rủa, chửi mắng, người ấy, Ðức Phật dạy, đã đứng trước Niết Bàn, mặc dầu chưa đắc quả Niết Bàn. Ta có thể phụ vụ nhân loại với tấm lòng cao cả nhất. Nhưng người thế gian thường hiểu ulầm và gán cho ta những mục tiêu, những ý tưởng mà không bao giờ ta mơ đến. Ta có thể tận lực phục vụ và giúp đỡ một người bạn trong cơn nguy ngập. Lắm khi, muốn được việc ta phải vay nợ hay bán cả đồ đạc, nhà cửa. Nhưng về sau, thế gian mê lầm nầy hư hỏng đến đỗi chính người được phục vụ và giúp đỡ kia trở lại phủ nhận lòng tốt của ta, phiền trách ta, nói xấu ta, bôi bẩn ta, và sẽ thỏa thích thấy ta suy sụp...
Một lần nọ, có người bà la môn cung thỉnh Ðức Phật về nhà trai tăng. Theo lời thỉnh cầu, Ðức Phật đến. Nhưng, thay vì tiếp đón phải lẻ, người bà la môn tuôn ra một loạt những lời lẽ thô kịch và nhơ bẩn vô cùng. Ðức Phật lễ độ hỏi thăm:
Nầy ông Bà la môn, có khi nào khách đến nhà ông không?
Có, ông Bà la môn trả lời.
Khi biết khách đến nhà thì ông làm gì?
Tôi sẽ dọn một bữa cơm thịnh soạn để đãi khách.
Nhưng nếu khách bận việc không thể đến thì sao?
Thì gia đình chúng tôi sẽ chia nhau bữa cơm.
Tốt lắm, nầy ông Bà la môn, hôm nay ông mời Như Lai đến nhà để trai tăng và ông đã khoản đãi Như Lai bằng những lời nguyền rũa chửi mắng thậm tệ. Như Lai không nhận. Xin ông vui lòng lấy trở lại.
Ðức Phật không giận, không trả thù, nhưng Ngài lễ độ trao trả người Bà la môn những gì người nầy đã khoản đãi Ngài. Không nên trả thù. Không nên báo oán. Ðức Phật khuyên dạy như vậy. Hận thù sẽ đối diện với hận thù. Báo oán, trả thù, không bao giờ đưa đến hòa bình và an tịnh. Sức mạnh chắc chắn phải đương đầu với sức mạnh. Bom đạn sẽ gặp bom đạn. “Sân hạnh không bao giờ dập tắt sân hạn. Chỉ có tâm từ mới diệt lòng sân“. Ðó là giáo từ của Ðức Phật.
Ðức Phật là một người được tôn sùng và ca tụng. Tuy nhiên ngài cũng là người bị trỉ chính, bị khiển trách và bị sỉ vã nhiều nhất thời bấy giờ. Ðó là số phận của các bậc vĩ nhân...
Một lần kia những người khác dọa chỉ trích Ngài và các môn đề với lời lẽ nặng nề đến đổi Ðại Ðức An Nan Ða xin Ngài rời bỏ nơi đó để qua một làng khác.
A nan da, nếu những người ở làng kia cũng chửi mắng chúng ta nữa thì phải làm sao?
Kính bạch Ðức Thế Tôn, chúng ta sẽ sang một làng khác nữa. Nầy A nan da, nếu làm như thế, toàn thể lãnh thở của xứ Ấn Ðộ sẽ không có đủ chỗ cho chúng ta. Hãy nhẫn nại. Những lời nguyền rủa tự nhiên sẽ chấm dứt... Nguyền rủa chửi mắng là thường tình. Càng hoạt động, càng phục vụ, chúng ta càn trở nên vĩ đại hơn và càng phải chịu sỉ nhục và nguyền rủa nhiều hơn.
Ðức chúa Giê su bị nguyền rùa, bị sỉ nhục, và bị treo trên thánh giá. Socrates bị chính vợ ông chửi mắng. Mỗi khi ra ngoài để phục vụ đồng bào ông Socrates thường bị bà vợ tâm tánh hẹp hòi của ông rầy rà, la mắng. Ngày kia bà Socrates lâm bịnh nên không thể thực hành “công tác“ rầy rà thường lệ. Hôm ấy, ông Socrates ra đường với vẻ mặt buồn rầu. Bạn bè thăm hỏi vì sao. ông giải thích rằng vì bà vợ đang bịnh nên hôm nay không rầy ông.
Sao lạ vậy? Ông phải vui mới đúng lẽ chớ. Không bị rầy, tại sao ông lại buồn!
Không phải. Khi bị rầy, tôi được có cơ hội để thực hành pháp nhẫn nại. Hôm nay tôi đã mất một cơ hội. Vì lẽ ấy mà tôi buồn.
Trên đây là những bài bọc quí báu cho tất cả. Khi bị chửi mắng ta phải nghĩ rằng đây là cơ hội để thực hành pháp nhẫn nại. Thay vì tức giận, phải biết ơn người chửi mắng ta.
Hạnh phúc và khổ đau
Hạnh phúc và đau khổ là cặp thăng trầm cuối cùng. Nó cũng là những yếu tố có nhiều năng lực nhất, ảnh hưởng đến đời sống nhân loại.
Cái gì được dễ dàng là hạnh phúc. Cái gì khó chịu đựng là đau khổ.
Thông thường, thỏa mãn điều mong ước là hạnh phúc. Nhưng, không quá trễ hơn lúc ta vừa đạt được điều mong mỏi ấy, ta đã ước mong một loại hạnh phúc khác. Túi tham thật không đáy. Người tham không bao giờ hoàn toàn thỏa mã, không bao giờ chịu là đủ.
Ðối với hạng người tầm thường, hưởng thọ những lạc thú của nhục dục ngũ trần là hạnh phúc duy nhất và cao thượng nhất. Trong lúc mơ ước, trong khi thọ hưởng, và khi hồi nhớ lại những khoái lạc mà người thiên về vật chất rất ưa thích ấy, chắc chắn có hạnh phú cấp thời. Nhưng quả thật là ngắn ngủi và ảo huyền.
Tư sản vật chất có thể cho ta hạnh phúc thật sự không? Nếu có, các nhà triệu phú hẳn không bao giờ nghĩ đế chuyện quyên sinh. Trong một quốc gia nọ mà tiến bộ vật chất đã đến mức tuyệt đỉnh, có khoảng mười phần trăm dân số mắc phải các chứng bịnh thần kinh. Tại sao vậy? Tài sản và sự nghiệp có đủ đem lại hạnh phúc thật sự không?
Cầm quyền cai trị toàn thể thế gian có phải là hạnh phúc thật sự không? Ðại đế Alexander, người đã rầm rộ kéo quân vào Ấn Ðộ một cách hùng vĩ và vẻ vang, người đã chinh phục tất cả các lãnh thổ trê đường đi của mình, người ấy tham rằng không tìm đâu ra một quốc gia nào khác để chinh phục.
Các vị đế vươg, các vì vua đang còn đội mão, các vị ấy có luôn luôn hạnh phúc không? Ðời sống của các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà lãnh đạo quốc gia rất thường được các phe đối nghịch lăm le hăm dọa. Các chết thê thảm của Mahatma Gandhi và của tổng thống J. F. Kennedy là một vài trường hợp điển hình.
Chân hạnh phúc nằm bên trong chúng ta và không thể định nghĩa bằng những danh từ như tài sản, quyền thế, danh vọng, hay chinh phục xâm lăng. Nếu những tư hữu trần tục kia được thâu đoạt bằng bạo lực hay bằng một phương tiện bất công nào khác, hoặc theo một chiều hướng sai lầm, hoặc nữa, được nhìn với cặp mắt trìu mến hay tham lam, thì nó sẽ là nguồn đau khổ và sầu muộn cho chính người làm chủ nó.
Cái gì hạnh phúc cho người nầy có thể không phải là hạnh phúc cho người kia. Cái gì là thức ăn chất uống cho người có thể là thuốc độc cho người khác.
Ðức Phật kể ra bốn loại hạnh phúc của tại gia cư sĩ.
Loại hạnh phúc đầu tiên là hạnh phúc được 6o tư hữu như sức khỏe, tài sản, trường thọ, sắc đẹp, vui vẻ, mạnh mẽ, sự nghiệp, đông đảo con cháu v.v...
Nguồn hạnh phúc thức nhì là thọ hưởng những tư hữu ấy. Thông thường, ai cũng muốn thọ hưởng, ai cũng ưa vui thích. Ðức Phật không bao giờ khuyên tất cả mọi người nên từ khước hạnh phúc trần gian và rút vào sống ẩn dật chốn rừng sâu vắng vẻ.
Thọ hưởng tài sản không phải là chỉ dùng nó cho riêng mình mà cũng là bố thí ra để tạo an lành cho người khác. Cái gì mà ta ăn chỉ tồn tại nhất thời. Cái gì mà ta tích trữ, ta sẽ bỏ lại và ra đi. Nhưng cái gì mà ta cho ra sẽ trở lại với ta. Những hành động thiện mà ta làm với tư hữu trần tục sẽ tồn tại lâu dài, không thể mất.
Không nợ nần là một nguồn hạnh phúc khác. Nếu biết tri túc, biết an phận với những gì đã có, và nếu ăn ở kiệm cần, ta sẽ không nợ nần với ai. Người mang nợ luôn luôn sống trong tâm trạng hấp hối, nơm nớp lo sợ chủ nợ. Nếu không nợ nần, mặc dầu nghèo, ta vẫn nghe thoải mái và tinh thần thảnh thơi.
Nếp sống trong sạch (hạnh phúc không bị khiển trách) là nguồn hạnh phúc cao thượng nhất của người cư sĩ. Người trong sạch là một nguồn phước báu cho mình và cho kẻ khác. Người trong sạch được tất cả khâm phục và cảm nghe hạnh phúc vì nằm trong phạm vi ảnh hưởng của những rung động an lành mà nhiều người khác gởi đến mình. Tuy nhiên, ta phải ghi nhận rằng rất khó, vô cùng khó, mà được tất cả mọi người khâm phục. Người có tâm tánh cao quý chỉ biết giữ mình để sống đời trong sạch và thảan nhiên trước dư luận.
Phần đông nhân loại thỏa thích trong sự thọ hưởng lạc thúc của đời sống, nhưng có vài người thỏa thích trong sự từ khước các lạc thú ấy. Không luyến ái, hay vượt lên trên mọi khoái lạc vật chất là hạnh phúc đối với người đạo đức. Hạnh phú Niết bàn - tức trạng thái thoát ra khỏi mọi đau khổ - là hình thức hạnh phúc cao thượng nhất.
Chúng ta vui vẻ đón mừng hạnh phúc, nhưng đau khổ thì không niềm nở tiếp nhận.
Ðau đớn hay khổ não đến với ta dưới nhiều hình thức. Chúng ta đau khở khi phải chịu già yếu, đó là lẽ tự nhiên. Ta phải bình thản chịu đựng những nỗi khổ của tuổi già. Càng đau khổ hơn chết là bịnh hoạn. Và nếu là một chứng bịnh trầm kha, làm đau nhức lâu ngày, ta sẽ cảm thấy chết còn hơn. Chỉ một cái răng đau hay một lúc nhức đầu, đôi khi cũng làm cho ta vô cùng khó chịu.
Khi lâm bịnh, chúng ta không nên lo sợ mà phải cố gắng chịu đựng. Ðúng vậy, ta phải tự an ủi rằng chúng ta đã khỏi phải mang một chứng bịnh nặng hơn.
Lắm khi chúng ta phải xa lìa thân bằng quyến thuộc. Cảnh biệt ly vô cùng đau khổ, Chúng ta phải nhận định rằng mọi kết hợp đều phải chấm dứt trong cảnh biệt ly. Ðây là cơ hội quý báu để ta thực hành tâm xả.
Một việc thường xảy ra hơn là chúng ta phải kết hợp với người không ưa thích, sống chung với người mà ta ghét. Ta phải cố gắng chịu đựng và nghĩ rằng ta đang gặt hái một quả xấu nào mà chính ta đã tạo, hoặc trong quá khức, hoặc trong hiện tại. Chúng ta phải cố gắng tự tạo cho mình một nếp sống thích hợp với cảnh mới và, bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải cố gắng vượt qua mọi trở ngại.
Chí đến Ðức Phật, một người toàn hảo, đã tận diệt mọi ô nhiễm, còn phải chịu đau đớ vì bịnh hay tai nạn.
Trên bước đường thênh thang trong vòng luân hồi, chết là mối ưu phiền trọng đại nhất mà chúng ta phải đối phó. Ðôi khi cái chết không đến lẻ loi cho một người thân mà đến trùng hợp cho nhiều người thân trong một lúc.
Bà Patacara mất một lúc bao nhiêu người thân thuộc: cha, mẹ, chồng, anh, và hai con. Bà trở nên loạn trí. Ðức Phật khuyên giải và an ủi bà.
Bà Kisa Gotami mất người con thân yêu duy nhất. Tay bồng con, bà chạy đi tìm thuốc chữa trị và đến cầu cứu với Ðức Phật.
Ðược, con có thể tìm ra một vài hột cải không?
Bạch Ðức Thế Tôn, con sẽ tìm ra hột cải, chắc như vậy.
Nhưng những hột cải này phải lấy trong nhà nào mà không có ai chết.
Hột cải thì có, Nhưng bà không tìm ra nơi nào mà thần chết chưa hề đế viếng.
Bà tỉnh ngộc và nhận thức bản chất của đời sống.
Một lần nọ có bà kia được người ta hỏi tại sao không khóc cái chết thê thảm của người con. Bà trả lời:
Không ai mời mọc, nó đến. Không cho ai hay, nó đi. Ðến thế nào, nó ra đi cùng thế ấy. Tại sao ta khóc? Khóc có ích gì?
Từ cành cây, có nhiều trái rơi rụng - trái non có, trái già có, trái chín có - cùng thế ấy, ta có thể chết lúc thiếu niên, lúc tráng niên, hay khi niên cao tuổi lớn.
Mặt trời mọc ở phương Ðông chỉ để lặng ở phương Tây.
Hoa nở tốt tươi buổi sáng để úa tàn vào lúc chiều.
Cái chết, không thể tránh, đến với tất cả mọi người, không trừ ai. Và ta phải bình thản đối phó với nó.
Cũng như trên đất ta có thể vứt bất luận vật gì, dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu so, đất vẫ thản nhiên một mực trơ trơ, không giận cũng không thương.
Vậy, cùng thế ấy, trong hạnh phúc, trong phiền não, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữa tâm như đất.
Ðức Phật dạy như vậy. Trước những cảnh thăng trầm của thế gian, tâm của vị A La Hán không bao giờ chao động. Giữa những cảnh được thua, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và khổ đau, chúng ta hãy giữ tâm bình thản.

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Để trở thành người Phật tử tại gia. Viết bởi Thích Đức Thắng

Mục Lục
Để trở thành người Phật tử tại gia
Để trở thành người Phật tử (TSPL 05)
Tất cả các trang
Trang 1 trên 2
I. DUYÊN KHỞI:
a/ Nguyên nhân xa:
Vì xã hội Ấn Độ vào lúc bấy giờ, chính trị thì phân chia thành bốn giai cấp rõ ràng, có kẻ thống trị và người bị trị. Bất công xã hội ngày càng được củng cố bởi các hàng Tăng lữ Bà-la-môn và, giai cấp vua chúa.
Hai giai cấp này đại diện cho kẻ thống trị, họ bóc lột tận xương tủy hai giai cấp dưới Phệ-xá, Thủ-đa-la; và biến hai giai cấp này thành những kẻ phục vụ cho hai giai cấp trên. Nhất là giai cấp Thủ-đà-la suốt đời làm nô lệ cho hai giai cấp trên như là một truyền thống cha truyền con nối, từ đời này sang đời khác. Về tư tưởng thì bị phân hóa, theo kinh Trường A-hàm 14, kinh Phạm Động thì vào lúc bấy giờ xã hội Ấn Độ có 62 loại kiến giải tà kiến của ngoại đạo. Đạo đức xã hội vào lúc bấy giờ dựa vào thần quyền. Tất cả mọi sinh hoạt đạo đức của con người, đều đặt đức tin vào sự ban phước giáng họa của thần linh. Con người không làm chủ được chính mình, mà tùy thuộc vào một thượng đế tối cao, hay những thần linh nào khác, để rồi đánh mất tánh tự chủ và, trở thành vong thân.
Đứng trước một xã hội như thế, muốn trở lại với chính mình, và làm chủ vận mạng của chính mình thì dứt khoát phải từ bỏ quyền uy của Thánh kinh Veda, cũng như quyền uy của Phạm thiên như là một vị sáng thế và phải cắt đứt mọi mối quan hệ giữa người và thần linh, và chỉ nhìn nhận mối quan hệ duyên khởi giữa người và người, giữa người và mọi vật chung quanh với quan hệ bình đẳng. Lúc này con người mới thể hiện được tính nhân bản mà con người cần phải có trong sự hiện hữu của chính mình qua cuộc sống.
b/ Nguyên nhân gần:
Nhân một buổi sáng đức Thế Tôn vào thành Xá-vệ khất thực, gặp một thanh niên tên là Thiện Sinh (Singālovāda) đang làm lễ ngoài thành, đức Phật hỏi lý do. Thiện Sinh trả lời là lúc cha mình sắp qua đời, người có dặn dò sáng nào cũng nên làm lễ sáu phương: Đông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới. Đức Phật liền chỉ dạy cho Thiện Sinh biết trong pháp của Ta cũng có lễ sáu phương, nhưng không có ý nghĩa như vậy.
Đức Phật giảng nói kinh này, nội dung chỉ rõ nếp sống đạo đức của người Phật tử tại gia, thay vì lễ phương Đông là lễ trời Đế Thích, thì lễ cha mẹ. Thay vì lễ phương Nam là lễ Diêm La vương, thì lễ sư trưởng. Thay vì lễ phương Tây là lễ Bà-la-na thiên thì lễ vợ. Thay vì lễ phương Bắc là lễ Câu-tỳ-la thiên thì lễ bạn bè. Thay vì lễ phương Dưới là lễ Vu Hỏa thiên thì lễ tôi tớ. Thay vì lễ phương Trên là lễ Vu Phong thiên thì lễ Sa-môn, Bà-la-môn. Nhân phương pháp lễ lạy những người quá cố này, đức Phật dạy người Phật tử tại gia cần phải có bổn phận đối với chính mình và, đối với những quan hệ chung quanh.
II. ĐỐI VỚI BẢN THÂN:
Muốn trở thành một Phật tử tại gia chân chính, trước hết phải tự hoàn thiện bản thân chính mình trước đã, bằng cách quay về nương tựa nơi ba ngôi báu.
1/ Phật: Người đã giác ngộ hoàn toàn bản thể vũ trụ vạn hữu, các pháp hữu tình cũng như vô tình, các pháp xuất thế gian cũng như thế gian, các pháp hữu vi cũng như vô vi.
2/ Pháp: Là những lời dạy về những sở ngộ của đức Phật về phương pháp giác ngộ các pháp trong vũ trụ đưa đến giải thóat khổ đau và đạt an vui tịch diệt Niết-bàn.
3/ Tăng: Là đoàn thể Tăng già, hòa hợp thanh tịnh, là những người nối dõi hạt giống trí tuệ của chư Phật; đại diện cho chư Phật truyền trao Chánh pháp lại cho mọi người, khiến cho mọi người cùng giác ngộ như chư Phật.
Sau khi đã quay về nương tựa nơi ba ngôi báu, người Phật tử cần phải phát tâm cầu mong đạt được giác ngộ như chư Phật.
Kế đến phải giữ gìn, không được phạm vào những cấm giới mà mình đã nguyện thọ trì trong khi quy y thọ giới.
1/ Không sát hại những sinh vật có mạng sống.
2/ Không được trộm cắp những vật của kẻ khác mà họ không cho.
3/ Không được tà hạnh, (phải sống một nếp sống trong sạch, không phá vỡ tình cảm hạnh phúc gia đình mình, và hạnh phúc tình cảm gia đình kẻ khác. Không vượt qua khỏi chức năng làm vợ làm chồng của mỗi người.)
4/ Không được nói dối.
5/ Không được uống rượu.
Nếu phạm 4 điều giới cấm trên gọi là phạm ba nghiệp thân, khẩu và ý. Vì sao vậy? Vì hành vi của thân có ba: sát hại, trộm cắp, tà dâm; hành vi của miệng có bốn: nói dối, nói lời thêu dệt, nói hai lưỡi, nói lời thô ác. Nếu thân và miệng tạo ra những hành vi để trở thành nghiệp thì những tạo tác của thân và miệng ấy cũng chính là sự tạo tác của ý. Vì ý làm chủ, ý sai khiến thân và miệng tạo tác. Ý luôn câu hữu với tham, sân, si để nuôi lớn bản ngã; nên tham, sân, si là ba động cơ thúc đẩy ý thực hiện việc nuôi lớn bản ngã và vô minh qua thân và miệng trong tạo tác.
Người Phật tử muốn sống cuộc sống hạnh phúc thanh tao trong tâm hồn mình, thì phải giữ năm điều giới cấm trên. Vì lúc chúng ta giữ giới, không những tránh được ba nghiệp ác của thân, miệng và ý trói buộc chúng ta vào sinh tử luân hồi khổ đau, mà còn mang lại cho người và vật những lợi lạc do việc giữ gìn giới của chúng ta mà ra.
Ngoài ra đức Phật còn phân tích có sáu nguyên nhân làm cho người thế gian khuynh gia bại sản đó là:
1/ Nghiện rượu,
2/ Cờ bạc,
3/ Sống phóng đãng (rong chơi không đúng lúc)
4/ Say mê kỹ nhạc (la cà đình đám)
5/ Giao du bạn xấu,
6/ Lười biếng.
Đức Phật dạy:
“Lại nữa, này Thiện Sinh, nên biết, uống rượu có sáu điều lỗi: một, hao tài; hai, sanh bệnh; ba, đấu tranh; bốn, tiếng xấu đồn khắp; năm, bộc phát nóng giận; sáu, tuệ giảm dần.
“Này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả ấy uống rượu không thôi thì nghiệp gia sản ngày mỗi tiêu tán.
“Này Thiện Sinh, cờ bạc có sáu điều tai hại: một, tài sản ngày một hao hụt; hai, thắng thì gây thù oán; ba, bị kẻ trí chê; bốn, mọi người không kính nể tin cậy; năm, bị xa lánh; và sáu, sanh tâm trộm cắp. Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả mê đánh bạc mãi thì gia sản ngày mỗi tiêu tán.
“Này Thiện Sinh, phóng đãng có sáu lỗi: một, không tự phòng hộ mình; hai, không phòng hộ được tài sản và hàng hóa; ba, không phòng hộ được con cháu; bốn, thường hay bị sợ hãi; năm, bị những điều khốn khổ ràng buộc xác thân; sáu, ưa sinh điều dối trá. Đó là sáu điều lỗi. Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả phóng đãng mãi không thôi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.
“Này Thiện Sinh, say mê kỹ nhạc có sáu lỗi: một, tìm đến chỗ ca hát; hai, tìm đến chỗ múa nhảy; ba, tìm đến chỗ đàn địch; bốn, tìm đến chỗ tấu linh tay; năm, tìm đến chỗ có âm thanh vi diệu; sáu, tìm đến chỗ đánh trống.(1) Đó là sáu tai hại của kỹ nhạc. Nếu trưởng giả hoặc con trai trưởng giả say mê kỹ nhạc mãi không thôi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.
“Này Thiện Sinh, giao du với bạn xấu có sáu lỗi: một, tìm cách lừa dối; hai, ưa chỗ thầm kín; ba, dụ dỗ nhà người khác; bốn, mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người khác; năm, xoay tài lợi về mình; sáu, ưa phanh phui lỗi người. Đó là sáu tai hại về bạn xấu. Nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả làm bạn với kẻ ác mãi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.
“Này Thiện Sinh, lười biếng có sáu lỗi; một, khi giàu sang không chịu làm việc; hai, khi nghèo không chịu siêng năng; ba, lúc lạnh không chịu siêng năng; bốn, lúc nóng không chịu siêng năng; năm, lúc sáng trời không chịu siêng năng; sáu, lúc tối trời không chịu siêng năng. Đó là sáu điều tai hại của sự lười biếng. Nếu trưởng giả hay con trưởng giả lười biếng mãi, thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán.”
Trong bạn bè ta, đức Phật phân ra làm bốn loại bạn xấu:
1/ Cho ít, xin nhiều mưu lợi cá nhân,
2/ Đa ngôn xảo mép ngọt ngào, chỉ biết nói không biết làm,
3/ Nịnh hót (trước khen sau chê) tán đồng việc ác, chống lại việc thiện,
4/ Bạn ác ăn tiêu xa xỉ (rượu chè, cờ bạc, rong chơi phóng túng.)
Phật bảo Thiện Sinh:
“Hạng úy phục thì thường hay làm bốn việc: một, cho trước đoạt lại sau; hai, cho ít mong trả nhiều; ba, vì sợ gượng làm thân; bốn, vì lợi gượng làm thân.
“Hạng mỹ ngôn thì thường hay làm bốn việc: một, lành dữ đều chiều theo; hai, gặp hoạn nạn thì xa lánh; ba, ngăn cản những điều hay; bốn, thấy gặp nguy tìm cách đun đẩy.
“Hạng không thuận thì thường làm bốn việc: một, việc trước dối trá; hai, việc sau dối trá; ba, việc hiện dối trá; bốn, thấy có một chút lỗi nhỏ đã vội trách phạt.
“Hạng bạn ác thì thường làm bốn việc: một, bạn lúc uống rượu; hai, bạn lúc đánh bạc; ba, bạn lúc dâm dật; bốn bạn lúc ca vũ.”
Và ngược lại, theo đức Phật có bốn hạng người bạn tốt thân nên thân cận:
1/ Ngăn ta làm điều quấy, thường khuyên ta làm điều lợi ích,
2/ Giàu lòng từ bi thương yêu người vật,
2/ Biết giúp đỡ,
4/ Chung thỉ, đồng sự với mình.
Phật lại bảo Thiện Sinh:
“Này Thiện Sinh, hạng ngăn quấy thì thường làm bốn việc đem lại nhiều lợi ích và hay che chở: thấy người làm ác thì hay ngăn cản, chỉ bày điều chánh trực, có lòng thương tưởng, chỉ đường sinh Thiên.(2) Đó là bốn trường hợp ngăn cản việc quấy đem lại nhiều lợi ích và hay che chở. Hạng thương yêu thì thường làm bốn việc: Mừng khi mình được lợi, lo khi mình gặp hại, ngợi khen đức tốt mình, thấy mình nói ác thì tìm cách ngăn cản. Đó là bốn điều thương yêu đem lại nhiều lợi ích và hay che chở. Hạng giúp đỡ có bốn việc. Những gì là bốn? Đó là: che chở mình khỏi buông lung, che chở mình khỏi hao tài vì buông lung, che chở mình khỏi sợ hãi, khuyên bảo mình trong chỗ vắng người. Hạng đồng sự thì thường làm bốn việc: không tiếc thân mạng với bạn, không tiếc của cải với bạn, cứu giúp bạn khỏi sợ hãi, khuyên bảo bạn lúc ở chỗ vắng người.”
Những điều trên đây đức Phật dạy cho Phật tử tại gia, nếu muốn trở thành một Phật tử chân chính thì, phải tự thân mình thực hành những điều đó trong cuộc sống của chính mọi người. Có nghĩa là mọi người trước hết hãy hoàn thiện chính mình đã, rồi sau mới đem chúng hướng dẫn cho mọi người cũng thực hành như chính mình đã thực hành.
(Còn nữa)
Nguồn: Tập san Pháp luân số 04

Giáo dục trẻ theo phương pháp Phật giáo

27-02-2012
Ngày càng nhiều các bậc cha mẹ, không phải tất cả đều là Phật tử, nhận ra lợi ích của phương pháo giáo dục Phật giáo, định hướng tâm thức đối với với con em minh.
Trong một xã hội nơi thành công được đo lường bằng tiêu chí vật chất, hầu hết các bậc cha mẹ hy vọng rằng hệ thống giáo dục sẽ giúp đặt con cái họ trên con đường đến tương lại thịnh vượng.
Danh tiếng của nhà trường, dạy nhiều ngoại ngữ, các bài học tiếng Anh hiệu quả cao, đó là những tiêu chí cốt yếu mà thế hệ các bậc cha mẹ Thái Lan hiện tại cân nhắc khi chọn trường cho con em mình.
Ảnh hoangphap.info
Nhưng điều đó đang thay đổi. Gần đây, nhiều người bắt đầu suy nghĩ rằng phát triển tâm trí của trẻ là việc quan trọng hơn so với việc chỉ cung cấp kiến thức học thuật. Vì vậy, các trường học thay thế, đặc biệt là trường học theo phương pháp Phật giáo đang là chủ đề nóng nhất đối với các bậc cha mẹ thế hệ mới.Ngày nay, trường học theo phương pháp Phật giáo với hệ thống giáo dục thường bị coi là lạc hậu, hiện nay đang có dấu hiệu phát triển. “Hoa bừng nở”, một bài hát liên quan đến Phật pháp do sư ni Mae Chee Sansanee Sthirasuta sáng tác đang trở nên phổ biến đối với các em học sinh mầm non trên toàn quốc. Nguyện giữ 5 giới, ngồi thiền và mở rộng lòng từ với tất cả chúng sinh là những hoạt động nghi lễ mà ngày càng nhiều trường học thực hiện mỗi sáng.
"Các vấn đề xã hội là bằng chứng rõ ràng cho thấy kiến thức học thuật không thể giúp con người ứng phó với các vấn đề,” Bupaswat Rachatatanun, người sáng lập và quản lý trường Thawsi, một trong những ngôi trường tiên phong theo phương pháp Phật giáo. "Và có học vấn cao cũng không đảm bảo cho một cuộc sống hạnh phúc."
Bupaswat chỉ ra rằng báo cáo về các trường hợp sinh viên đại học tự tử vì không được điểm cao hoặc các trường hợp bác sĩ giết vợ đã khiến người dân đặt câu hỏi về hệ thống giáo dục quốc gia.
"Mục đích của giáo dục theo phương pháp Phật giáo là phát triển con người cả về kiến thức học thuật và đời sống tâm hồn," Bupaswat nói. "Đối với chúng tôi, phát triển tâm trí cũng quan trọng như giáo dục học thuật và chúng tôi coi cuộc sống con người là quá trình học tập quan trọng nhất."
Bupaswat quan sát thấy rằng cách thức mà bậc cha mẹ ngày nay nuôi dưỡng con cái đã thay đổi lớn so với quá khứ. Trong khi các thế hệ cha mẹ trước đây ít cho con trẻ cơ hội thể hiện bản thân thì các bậc cha mẹ ngày nay đã nhận thấy lợi ích của việc cho con trẻ nhiều không gian tự chủ hơn.
"Ngày nay, các bậc cha mẹ chú ý cho phép con trẻ bày tỏ ý kiến và sự sáng tạo," ông nói. "Nhiều cha mẹ chăm sóc con cái như những người bạn và ngại ứng xử như những người cha hay mẹ. Họ cho con cái nhiều tự do, dân chủ.
"Nhưng tôi nghĩ đó là điều nguy hiểm bởi vì ngay cả trong trường hợp dân chủ thực sự, bạn cũng không thể thực hiện quyền của mình trong mọi tình huống. Ví dụ, nhân viên không bao giờ có quyền giống như người chủ. Điều quan trọng là cần cho con trẻ hiểu điều đó.
"Giáo dục theo phương pháp Phật giáo có mục đích đặt con trẻ vào thế giới thực, nơi chúng phải tôn trọng quyền của người khác và trở thành một người bạn tốt (kallayanamitta). Chúng luôn được phép bày tỏ quan điểm, nhưng phải thực hiện một cách thân ái.
"Trong thế giới phương Tây, sáng tạo có thể mang nghĩa là suy nghĩ khác hoặc suy nghĩ vượt ngoài khuôn khổ, nhưng trong Phật giáo, sự sáng tạo cũng phải có đạo đức và theo cách cân bằng."
Theo triết lý của Đức Phật, giới, định, tuệ là ba sự rèn luyện chính trong giáo dục theo phương pháp Phật giáo để đạt được trạng thái có tri thức. Học sinh cần hiểu cách hành xử và nói năng một cách có đạo đức. Học sinh cần học cách suy nghĩ thấu đáo và có thể tự đánh giá bản thân và xử lý đúng đắn các tình huống khác nhau.
"Một số người nghĩ rằng họ cần xây dựng nền tảng học thuật cho con cái ngay từ cấp mầm non để chúng có thể vào các trường đại học hàng đầu và cuối cùng là tìm một công việc được trả lương hậu hĩ. Suy nghĩ đó có thể mang lại tác dụng hoặc không," Vitoon Sila-On, phó chủ tịch S&P Syndicate Plc nói.
"Theo quan điểm của tôi, chúng ta học điều gì đó đơn giản là vì chúng ta thấy có khả năng phải sử dụng kiến thức đó trong tương lai. Nhưng 80% những điều chúng ta học ở trường không thực sự được sử dụng trong đời thực," Vitoon nói. "Trái lại, tâm trí của chúng ta lại được vận dụng trong mọi thời gian. Thế nhưng giáo dục về tâm thức không có trong các môn học ở nhiều trường."
Vitoon là cha của ba đứa trẻ, tất cả đều đi học ở trường theo phương pháp Phật giáo. Được giáo dục ở Anh quốc, ông thừa nhận mình không phải là tín đồ Phật giáo và không thường đến chùa. Nhưng ông khâm phục các phương pháp giáo dục của Đức Phật.
"Ngay cả người phương Tây cũng quan tâm đến lời dạy của Đức Phật vì họ nhận ra tầm quan trọng của Tâm thức," Vitoon nói. "Giáo dục theo phương pháp Phật giáo dạy bạn cách hiểu và làm chủ tâm trí – điều mà nhiều người đã bỏ qua. Con trẻ trước tiên cần hiểu bản thân và biết cách kiểm soát cảm xúc bản thân trước khi hiểu những người khác. Những điều này nên được khắc sâu khi chúng còn nhỏ vì những vấn đề học thuật có thể được nghiên cứu vào bất cứ lúc nào sau này."
Giáo dục theo phương pháp Phật giáo không phải là hệ thống các bài giảng pháp khó hiểu và chậm buồn của các Tăng sĩ, nếu đó là điều bạn đang nghĩ.
"Mặc dù phương pháp giáo dục này xuất hiện hơn 2000 năm trước đây nhưng ngày nay nó vẫn có hiệu quả cao." Patchana Mahapan, Trưởng bộ phận phát triển giáo dục tổng thể của trường Thawsi nói.
"Nhiều người tin rằng giáo dục theo phương pháp Phật giáo chỉ là tụng kinh, thiền định hoặc đi kinh hành. Thậm chí một số người còn nghĩ học sinh của chúng tôi đang học ngôn ngữ Pali trong khi học sinh ở các trường khác học tiếng Anh và vi tính. Nhưng đó đơn giản là một ấn tượng thành kiến," Patchana nói.
Bà nói thêm rằng nguyên tắc cốt lõi của giáo dục theo phương pháp Phật giáo là hiểu cả thế giới bên ngoài (cuộc sống và khoa học) và thế giới bên trong (tâm trí con người). Và bởi vì người Thái Lan có thành ngữ, "Không có hiểu biết gì quan trọng bằng hiểu biết về tâm trí của riêng bạn", nên giáo dục Phật giáo sẽ giúp học sinh trở thành người thông minh và cập nhật nhất.
Học qua thực hành
Học bên ngoài lớp học là một trong những đặc điểm cơ bản của giáo dục theo phương pháp Phật giáo. Thay vì ngồi trong lớp với sách vở, hoặc trong phòng thí nghiệm với ống nghiệm, học sinh sẽ ra đồng lúa để thực sự cấy lúa. Một số người nghĩ phương pháp này chỉ như một hoạt động giải trí hơn là học tập thực sự, và cấy lúa là việc cổ lỗ trong thời đại kỹ thuật số ngày nay.
"Chúng ta có muốn ăn cơm trong tương lai? Chúng ta có thể ăn internet thay cơm? Tất nhiên là không," giáo sư Prapapat Niyom, người sáng tập và quản lý trường Roong Aroon, một trường học theo phương pháp Phật giáo khác nói.
"Gạo là nguồn lương thực quan trọng nhất của chúng ta, và chúng ta không thể sống thiếu nó. Việc biết cách cấy trồng lúa sẽ không bao giờ là lạc hậu khi chúng ta còn ăn cơm.
"Trồng lúa là một môn học đa chủ đề, giúp học sinh kết hợp khoa học, ngôn ngữ, sinh học, địa chất, địa lý và văn hóa xã hội. Đây không phải là hoạt động được chọn chỉ để giải trí mà là một quá trình học tập quan trọng có mục đích phát triển tâm thức."
Bupaswat từ trường Thawsi cũng nêu rõ rằng có một số hiểu lầm về phương pháp giáo dục Phật giáo. "Có một số người suy nghĩ việc giáo dục này chỉ là các chuyến đi đến và chơi trên cánh đồng. Nhưng sự thực là tại các trường học theo phương pháp Phật giáo, chúng tôi đảm bảo rằng giáo dục không chỉ diễn ra trên lớp học mà ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào. Vì thế trẻ sẽ có nhiều kiến thức thực tế. Thiên nhiên sẽ cuốn hút trẻ và chúng sẽ luôn muốn học."
"Khi còn nhỏ, chúng ta muốn học về tự nhiên – trái đất, nước và cây cối từ sách vở," Patchana từ trường Thawsi nói thêm. "Chúng ta học về tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và nghĩ rằng đó là môn học xa lạ và dầu không bao giờ cạn kiệt. Và bây giờ chúng ta đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nhiên liệu.
"Tại trường học theo phương pháp Phật giáo, chúng tôi dạy học sinh nhìn về mọi thứ như một thể thống nhất và giúp các em nhận ra chúng là một phần của tự nhiên, vì thế ngay cả một điều nhỏ nhất mà chúng làm cũng sẽ có ảnh hưởng toàn cầu."
Cố gắng được tuyển
Cũng như nhiều trường học thông thường nổi tiếng khác, học sinh không dễ được vào học ở trường theo phương pháp Phật giáo. Đối với các bậc cha mẹ muốn con em vào trường có danh tiếng cao, họ phải giúp con em chuẩn bị kỹ lưỡng để thi đầu vào và tính toán thu nhập để “tài trợ” cho trường. Tuy nhiên, đối với các bậc cha mẹ muốn cho con em vào trường học theo phương pháp Phật giáo, họ phải đối diện với loại thách thức khác.
"Hàng năm, nhiều cha mẹ quan tâm đến phương pháp của chúng tôi và muốn con em vào học, nhưng chúng tôi chỉ có thể nhận không quá 75 em" Prapapat từ trường Roong Aroon nói.
"Do vậy, thay vì ngồi phỏng vấn, chúng tôi tổ chức một khóa hội thảo hai ngày nơi cha mẹ và con cái có thể cùng tham gia vào các hoạt động khác nhau như tọa đàm chuyên đề, thể thao và nấu nướng. Bằng cách đó, chúng tôi có thể quan sát cha mẹ và con cái giao tiếp và tương tác với nhau."
Tại trường Thawsi, cuộc gặp tay đôi giữa cha mẹ và thầy cô giáo kéo dài 1 giờ sẽ giúp trường đảm bảo rằng họ hiểu nhau hơn. Không có kiểm tra hay thi đầu vào. Việc được chấp nhận vào trường tùy thuộc vào cuộc phỏng vấn cha mẹ, và trong hầu hết trường hợp, không cần xem đứa trẻ bởi vì trường học tin rằng cha mẹ là người có ảnh hưởng nhất đến cuộc sống của đứa trẻ.
Vậy kiểu gia đình – cha mẹ nào không phù hợp với hệ thống? Họ có cần là Phật tử?
Theo Bupaswat và Prapapat, bạn không cần là Phật tử khi muốn con em vào trường. Trong thực tế, tại trường Thawsi và Roong Aroon đều có học sinh theo Cơ đốc giáo, Hồi giáo và đạo Sikh. Tuy nhiên, bạn phải chứng tỏ sự “sẵn sàng”.
"Chúng tôi có tầm nhìn rõ ràng về phương pháp giáo dục này," Bupaswat nói. "Khi nói chuyện với cha mẹ, chúng tôi cố hiểu mong đợ của họ ở chúng tôi và liệu chúng tôi đáp ứng mong đợi đó không. Nếu họ muốn nhồi nhét kiến thức học thuật cho con em, trường chúng tôi không đáp ứng được. Chúng tôi cũng chỉ ra cho họ thấy chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của ngũ giới và muốn cha mẹ làm thế," Bupaswat giải thích.
Roong Aroon cũng có cùng nguyên tắc. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn phải là tín đồ Phật giáo thuần thành hoặc mặc các trang phục Phật giáo để phù hợp với hệ thống giáo dục này. Ở trường Roong Aroon và Thawsi, đặc điểm của các bậc cha mẹ rất khác nhau.
"Một số cha mẹ là doanh nhân, một số khác trông rất thời trang nhưng tất cả chúng tôi đều tôn trọng cùng triết lý đạo đức và sống cùng nhau mà không cảm thấy lạc lõng. Tôi nghĩ bản chất của con người là mong mỏi quan hệ nồng ấm và ý thức thuộc về nhau. Tại trường Roong Aroon, chúng tôi không chỉ quan hệ dưới tư cách xã hội mà còn thuộc một gia đình, nơi khoan dung là một môn thực tập chung," Prapapat nói.
"Đặc điểm của cha mẹ có con học ở trường theo phương pháp Phật giáo là họ cần biết chú ý, tỉnh thức và hạnh phúc và quan trọng nhất là luôn sẵn sàng cùng học và tiến bộ với con trẻ," Bupaswat từ trường Thawsi kết luận.
TVHS