Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

ĐỨC TÍNH TỪ BÌ, BÌNH ĐẰNG VÀ TRÍ TUỆ

1. Đức tính trí tuệ:
Giác dĩ trí vi môn
Ngộ dĩ tâm vi diệu.
Đức Phật là hiện thân của sự giác ngộ. Ngài dạy chúng ta nguồn gốc của luân hồi sinh tử là do vô minh, ái dục. Muốn phá vô minh, phá chấp thủ phải có trí tuệ. Có trí tuệ lớn mới đến bờ giải thoát (Ma ha bát nhã ba la mật). Nên đạo Phật không chủ trương nhồi sọ Phật tử để có đức tin mù quáng. Giáo pháp của Ngài không xây dựng trên thần quyền, cuồng tín, sùng bái mà xây dựng trên sự hiểu biết và thực nghiệm của con người trên những sự kiện mà ai cũng có thể xét đoán và thực hành được. Đức Phật luôn luôn thực hành những điều Ngài đã dạy và chỉ dạy những điều Ngài thực hành. Vì vậy không có sự cưỡng bách tín ngưỡng, ngược đãi hay cuồng tín trong Phật giáo.
Cho nên đạo Phật là hiện thân của đạo trí tuệ.
2. Đức tính bình đẳng:
Xã hội ngày hôm nay chúng ta nói đến bình đẳng là chuyện bình thường, chứ vào thời đức Phật, nhằm vào thời kỳ chế độ nô lệ, vua chúa mà nói đến bình đẳng chẳng khác nào tuyên chiến với đương quyền và một số tôn giáo, giai cấp thời đó. Nên đức Thế tôn là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã phá bỏ chế độ giai cấp bất công trong lịch sử xã hội loài người. Ngài đã mạnh mẽ lên án hệ thống đẳng cấp có tính cách xúc phạm phẩm cách của con người. Đồng thời xây dựng một nền luân lý cao thượng mà mọi người sống trong bình đẳng, trong tình huynh đệ.
Vì vậy, theo tinh thần Phật giáo không bao giờ có sự khinh miệt hạng người này và tôn sùng hạng người khác. Giáo hội Phật giáo thu nhận tất cả mọi người dù ở chủng tộc nào, đẳng cấp nào, nghề nghiệp nào. Họ cũng có thể trở nên người trong sạch và chứng được Thánh quả, thể hiện giáo lý: Hồi đầu thị ngạn hoặc Buông dao đồ tể lập hạnh thành Phật.
Cho nên đạo Phật là đạo bình đẳng.
3. Đức tính Từ bi:
Từ bi hỷ xả
Vô ngã vị tha.
Từ bi là đức tính cao thượng trong đạo Phật.
Từ là mang lại niềm vui cho người.
Bi là cứu vớt nỗi khổ cho người.
Đức tính Từ bi của đạo Phật khác với lòng thương yêu trìu mến thường tình của con người.
Tâm từ của một Phật tử đối với tha nhân không phải là tình thương ích kỷ của một bà mẹ đối với đứa con.
Tâm bi của Phật tử đối với tha nhân không phải là sự sầu muộn khóc than của bà mẹ khi thấy con mình bị hoạn nạn. Tâm từ bi theo Phật giáo phải là tâm tích cực còn thể hiện bằng hành động để đem lại an vui hạnh phúc cho mọi người và giúp chấm dứt hay ít ra là làm giảm những nỗi thống khổ hoạn nạn cho tha nhân.
Đức tính từ bi này thật êm dịu và có sức tác dụng thật vô biên, không những trải rộng lòng từ bi trong nhân loại mà còn vượt xa hơn nữa đến tận các loài chúng sanh khác.
Chính nhờ tâm từ bi này mà Thái tử Tất Đạt Đa đã hy sinh cuộc sống cung vàng điện ngọc, dứt bỏ luyến ái vợ con, xuất gia tìm đường giải thoát. Sau khi đắc đạo, Ngài không nhập Niết bàn mà đi hoằng hóa độ sinh 49 năm và lưu truyền đạo pháp đến mãi hôm nay và mãi mãi.
4. Đức tính giải thoát:
Giải thoát chính là cứu cánh cũng như mục đích tối thượng của Phật giáo. Tất cả pháp môn Phật dạy đều đi đến con đường giải thoát khổ đau, thoát khỏi lục đạo luân hồi.
Pháp môn niệm Phật trong Tịnh độ tông cũng nhằm đưa đến nhất tâm bất loạn, vãng sanh Tây phương Cực lạc về với đức Phật A Di Đà cũng là giải thoát.
Thiền tông giúp ta buông xả để được định tâm, định tâm kiến tánh là giải thoát…
Con đường giải thoát là đường cứu cánh trong Phật giáo mà chư Phật, chư Tổ, quý Thầy thường nhắc nhở chúng ta phải luôn tâm niệm, khắc cốt tu hành. Nên đạo Phật là đạo giải thoát.
                              Ánh Sáng Trí Tuệ và Từ Bi

         Đức Thế Tôn nói: "lúc lâm chung nếu tâm của chúng sanh có 5/10 phần tình (vọng tưởng, vô minh, phiền não, sân giận...) và 5/10 phần tưởng (thanh tịnh, sáng suốt, hoan hỷ, từ bi...), thì sẽ tái sanh vào cõi Người. Nếu phần tình nhiều hơn phần tưởng sẽ bị rơi vào ba đường ác đạo; và ngược lại nếu phần tình ít hơn phần tưởng thì sẽ được sanh vào cõi phước báo cao hơn như: A-tu-la, Trời, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát hay Phật".

Cõi Người mà chúng ta đang sống, giống như một ranh giới đứng giữa bóng tối và ánh sáng. Bóng tối là vô minh, tội lỗi, sân giận và phiền não; còn ánh sáng là trí tuệ và từ bi. Hằng mỗi sát na trong cuộc sống ở thế gian này, chúng ta đều đang chịu ảnh hưởng bởi thế lực trái nghịch của hai năng lượng này.

Mục đích chánh yếu của sự rèn luyện và tu tập trong đạo Phật là kết tập năng lượng thanh tịnh và từ bi ở trong nội tâm của chính mình, để phát triển phần tưởng vượt cao hơn phần tình, xa lìa bóng tối vô minh, và tiến sâu hơn vào trong ánh sáng của trí tuệ và từ bi. Khi đã được sống trong ánh sáng của trí tuệ từ bi rồi thì phải duy trì và phát khởi tác dụng quy lực của ánh sáng năng lượng vô biên này, trước là vì tự lợi sau là lợi tha.
“Phát tâm Bồ Đề, nhất tâm niệm Phật” là phát huy năng lượng ánh sáng trí tuệ và từ bi ở trong nội tâm, và cũng là duy trì và khởi tác dụng của năng lượng của ánh sáng này đến khắp quần sanh. Câu Phật hiệu A Di Đà có năng lực phá tan bóng tối của màn đêm ưu não, và làm cho không gian xung quanh xán lạn thơm ngát. Những chúng sanh hữu tình hay vô tình nào lọt vào khoảng không gian này, nghe đặng âm thanh, ngửi được hương thơm thảy đều an lạc mà phát khởi tâm từ hành thiện. Người niệm Phật phát tâm Bồ Đề, từ bi, thanh tịnh, chánh trực và bình đẳng càng rộng xa bao nhiêu, thời không gian ảnh hưởng của ánh sáng trí tuệ từ bi này lại càng to lớn bấy nhiêu. Đấy cũng là nguyên nhân tại sao mà ánh sáng quang minh của Đức Phật A Di Đà lại được Phật Thích Ca Mâu Ni và mười phương chư Phật, xưng dương tán thán là “Quang Trung Cực Tôn. Phật Trung Chi Vương!”
Thường ngày trong cuộc sống, chúng ta đã và đang lãng phí rất nhiều năng lượng với những duyên trần và làm tay sai cho nó, chẳng hạn như những vọng niệm, tham muốn, tức giận, bất mãn... Tham lam và tức giận là trạng thái của nội tâm không được hài hòa ngay với chính mình và thế giới bên ngoài, tạo ra năng lượng bóng tối, tự gây khó khăn và chướng ngại duyên Phật của mình. Nên người niệm Phật phải luôn hoan hỷ và tự tại đối với tất cả các pháp, xem mọi ngoại cảnh thuận hay nghịch chỉ là sự thử nghiệm sức ‘định huệ’ của mình.
Nếu bạn không thể buông xả và tha thứ, mà lại tìm kiếm bất kỳ hình thức nào đó để trả thù hay chống trái lại đối phương (người gây phiền não cho bạn), thì bạn và họ đều như nhau. Vì nếu bạn tự nhận là nạn nhân của họ, tức bạn và họ sẽ cùng nhau liên kết hình thành ra năng lượng xấu ác, tạo ra màn bóng tối sân giận bao trùm cái không gian sinh hoạt nhỏ hẹp của bạn và những người cùng liên kết tạo nghiệp ấy. Họ có thể không xứng đáng được nhiều thiện cảm từ nơi bạn bởi những ý nghĩ, lời nói và hành động tàn ác của họ đối với bạn. Nhưng nếu bạn có trí tuệ và lòng từ bi, bạn sẽ hiểu mà không cùng họ liên kết tạo nghiệp, không tạo cơ hội cho bóng tối thêm phần dầy đặc. Muốn vậy bạn thường nên tư duy rằng: “Ta là một Phật tử (con Phật), và sẽ là một vị Phật trưởng thành trong tương lai. Do đó, ta phải học tập và vận dụng khả năng đang có để phát huy năng lượng của ánh sáng trí tuệ và từ bi để phá tan màn đêm u tối cho chính mình và mọi loài. Sự thành tựu này có được là do ở công phu buông xả và sự tu tập nghiêm mật để thành tựu sức ‘định huệ’.”
Có những người, tuy có kinh nghiệm tu tập, thông rõ các pháp học và hành của Phật giáo, nhưng vì tập khí vô minh hiện hữu từ vô thỉ vẫn chưa hết sạch, nên đôi khi có những hành động ngược với ‘tự tánh’ để bị rơi vào trong bóng tối. Nhưng nhờ vào sự huân tập hằng ngày nên họ có khả năng đảm lãnh nhanh chóng nhận biết về sự sai lạc, liền tự quay trở về với ánh sáng. Do sự giác ngộ nhanh chóng này, ác nghiệp chưa đủ duyên để thành hình, xem như họ vượt qua được những thách thức. Nên việc tu tập thường ngày như phụng kinh, trì giới, niệm Phật hay thiền định v.v... đều là những phương pháp do Phật và chư Tổ khuyên dạy, nhằm giúp chúng ta duy trì chánh kiến và sức định huệ, để luôn hiện hữu trong ánh sáng của trí tuệ từ bi.

Hòa Thượng Tịnh Không nói: “Thỉnh Phật trụ thế,” trong Phổ Hiền Thập Đại Nguyện Vương, cũng có nghĩa là phát khởi Phật tánh của chính mình ngay ở trong thế gian này. Nói cách khác, nếu chúng ta có thể thân chứng và phát khởi được Phật tánh trong thế giới ô trược này thì coi như đồng nghĩa với việc làm “thỉnh Phật trụ thế.” Cho nên, ‘thỉnh Phật trụ thế,’ không hẳn phải là thỉnh một vị Phật nào khác ở bên ngoài, mà nó bao gồm luôn cả vị Phật trong tự tánh của chính mình. Để thỉnh được vị Phật trong tự tánh của mình trụ thế, chúng ta phải tu chứng pháp Tam Muội (Chánh Định).
Trong kinh “Ðại Phương Ðẳng Như Lai Bất Tư Nghì Cảnh Giới”, Ngài Đức Tạng bạch với Ngài Phổ Hiền Đại Sĩ rằng: “Nếu có người muốn chứng tam muội cần phải tu phước đức bố thí, trì giới, trí huệ ra làm sao? Cúi xin ngài dạy bảo!”
Phổ Hiền Bồ Tát, là bậc hiện thân thành Chánh Giác giáo hóa chúng sanh khắp các thế giới thanh tịnh trong mười phương, bảo với ngài Đức Tạng rằng: “Nầy Phật tử! Nếu có người nào muốn chứng tam muội nầy trước tiên hết nên tu phước tích chứa căn lành là nên hằng thường cúng dường Phật, Pháp, Tăng và cha mẹ, luôn luôn chở che săn sóc cho tất cả kẻ nghèo cùng khổ sở không được ai cứu giúp không nơi nương tựa rất đáng thương xót, chính ngay thân thể mình cũng không tiếc rẻ. Tại sao? Vì cúng dường Phật được phước đức vĩ đại mau thành tựu trí giác vô thượng và cũng được năng lực làm cho chúng sanh đều được an lạc. Cúng dường pháp được báo trí huệ tăng trưởng chứng pháp tự tại có khả năng thấu rõ thật tánh của tất cả pháp. Cúng dường chư Tăng được tăng trưởng vô lượng tài sản phước đức trí huệ thành tựu được Phật đạo. Cúng dường cha mẹ, hòa thượng, tôn sư và các vị mà mình nhờ cậy, đó là những bậc có công ơn lớn nên phải thường nhớ đến thâm ơn, luôn nghĩ các báo đáp lại bội phần. Tại sao? Vì kẻ biết ơn dù ở trong sanh tử nhưng căn lành không bao giờ hư hoại, còn kẻ không biết ơn căn lành diệt mất sẽ tạo tác nghiệp ác, vì thế đức Như Lai ca ngợi kẻ biết ơn chỉ trích người vong ơn. Lại còn thường thương xót cứu giúp các chúng sanh khổ sở, Bồ Tát do căn lành rộng lớn nầy, không bao giờ thối thất nơi trí giác vô thượng.”

Nếu bây giờ bạn thật sự có cảm nhận tất cả chúng sanh muôn loài (vô tình và hữu tình) đều là Phật, đều là các bậc đáng được bạn cung kính cúng dường, là bạn đã đạt đến mức độ làm chủ của ánh sáng vô lượng, dầu ở bất cứ cảnh giới nào đi hay ở thì cảnh báo tuyệt vời, hương thơm và những ánh sáng vẫn luôn tỏa khắp. Lại nữa, nếu bạn còn có chủ ý đánh thức chúng sanh mau giác ngộ để cùng được giải thoát, tức bạn đang duy trì vững chắc trên con đường nhất định, đó là con đường thẳng tắp bảo đảm tiến tới thành Phật.

Nhờ vào Chánh Kiến, sức Định Huệ và lòng Từ Bi vô hạn của bạn, trong bất kỳ tình huống nào xảy ra, trực tiếp hoặc gián tiếp, bạn sẽ luôn giải quyết mọi việc một cách mạnh mẽ nhanh chóng, vì bạn đã quẳng lại sau lưng các nguồn năng lượng thấp kém của bóng tối, nên bạn rất vững chắc và rõ ràng trên con đường thẳng tiến tới thành Phật.
Thực tế, nhiều bạn cũng mong muốn đạt tới cảnh giới thuần thiện tinh khiết, nhưng nó lại là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa bạn với gia đình, người thân thuộc và bè bạn. Do điều kiện của bạn trong cuộc sống hiện tại trên trái đất này, làm những mối quan hệ gần gũi của bạn đối với những người thân yêu bị hạn chế – đặc biệt là khi bạn có xu hướng muốn nhập thể cùng với một nhóm hữu tình thiện-trí-thức – tất bạn sẽ gặp phải sự mâu thuẫn và nhiều khó khăn. Trong thực tế, những mối quan hệ tương quan thương ghét, thân thù… đều được hình thành do nghiệp nhân quả báo mà bạn cùng với những người thân thuộc đã cùng nhau kết tập từ trong thời gian rất dài ở quá khứ, có thể nói là từ nhiều đời nhiều kiếp trước.

Nhưng không thể vì những khó khăn này mà bạn đầu hàng, bạn phải có lòng tin mãnh liệt thuận theo cái sở nguyện riêng của chính mình để tiến đến mục tiêu vãng sanh thành Phật. Trong thời gian tự lực để thực hành đạo giải thoát, bạn sẽ tìm kiếm ra những người bạn thật sự (thiện trí thức) giúp bạn không bị lôi kéo bởi những ý kiến ​​của người không cùng chung chí hướng. Và sự cần thiết để giúp thăng hoa con đường đi của bạn là thường xuyên thúc liễm thân tâm bạn, cũng như giúp đỡ những người khác cùng thực hành như vậy. Bạn nên tôn trọng cũng như tuân theo trực giác của chúng sanh quanh bạn hầu giúp đỡ họ, chính nhờ vào sự liên kết tình yêu với lòng từ bi rộng lớn ấy sẽ giúp cho mọi việc dễ thành tựu. “Từ bi biến pháp giới, thiện ý khắp nhân gian,” vì vậy mà Ngài Phổ Hiền Đại Sĩ đã dạy chúng ta nên “hằng thuận chúng sanh”.

Trong tương lai nếu bạn thành đạo, với ‘túc mạng thông’ bạn sẽ hiểu ra rằng: người bạn thù oán nhất lại chính là người mà bạn đã từng thân thiết nhất trong những đời trước. Có ‘tha tâm thông’ thì những người thân yêu của bạn, dầu ở trong bất cứ cảnh giới nào, cũng sẽ không bao giờ rời xa tầm mắt của bạn. Hơn thế nữa, lòng bàn tay của bạn có thể nắm trọn cả ‘tam thiên đại thiên thế giới,’ không có một tâm ý nào của chúng sanh mà bạn chẳng biết đến, không có một pháp nào để giáo hóa chúng sanh mà bạn chẳng thông rõ.
Khi bạn phát khởi được tâm tứ vô lượng (từ, bi, hỷ, xả), bạn có thể bắt đầu cảm nhận thấy được nhiều điều tốt hơn về cuộc sống. Niềm vui và hạnh phúc của bạn là luôn biết tri ân, cung kính và thương yêu. Bạn sẽ có năng lượng ánh sáng với tầm thước cao hơn, đó là hạnh phúc chân thiện mỹ. Bạn cũng sẽ cảm thấy yêu tất cả mọi thứ xung quanh bạn, đó là sự phấn khởi và yên bình, cho dù bạn rời bỏ để đi đến nơi nào khác, bạn vẫn hiện hữu trong ánh sáng đó mãi mãi.
Ánh sáng của trí tuệ và từ bi là nguồn năng lượng tạo ra hòa bình và sự hòa hợp tồn tại ở khắp mọi nơi. Nó tương tự như kinh nghiệm của một số bạn khi ra khỏi cơ thể và nhập vào các khu vực rộng lớn đầy ánh sáng, rời xa những cảnh ngục tù u tối. Với năng lực của ánh sáng vô tận này, bạn có thể cứu độ muôn loài chúng sanh hữu tình hay vô tình bằng cách khôi phục lại sự cân bằng giữa họ với thiên nhiên, và cùng hòa hợp với tất cả các dạng sống khác trong đại vũ trụ không cùng tận bao la.
Tôi tin tưởng rằng Phật tử chúng ta, theo sự giáo hóa của Phật đà, đã và đang nâng cao trái tim và trí tuệ của mình. Do đó, khi chúng ta giúp đỡ hữu tình với lòng từ bi không điều kiện, chúng ta luôn mong muốn họ nhận được những gì tốt đẹp nhất, đó là ánh sáng của ‘Trí Tuệ và Từ Bi’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét