Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Tiền Giang: Những nhà sư trọn đời vì dân tộc và đạo pháp

* NHÀ SƯ THÍCH PHÁP TRÀNG:
Nhà sư có tên thật là Đồng Ngọc Tự sinh năm 1898 tại xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình nhà Nho và theo đạo Phật.
Năm 1918, nhà sư xuất gia và tu tại chùa Khánh Quới (Tân Bình, huyện Cai Lậy) với pháp danh là Thích Pháp Tràng. Do có đạo hạnh tốt, đạo pháp uyên thâm và thành tích xuất sắc trong việc chấn hưng Phật giáo; năm 1939, nhà sư được tấn phong Hòa thượng, trụ trì chùa Khánh Long (Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy). Cũng trong năm này, nhà sư giác ngộ chủ nghĩa cộng sản và lý tưởng đấu trang giải phóng dân tộc.
Tháng 11 1940, nhà sư tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Cai Lậy. Cuộc khởi nghĩa bị thất bại, nhà sư lánh sang xã Ân Lợi (huyện Long Mỹ - tỉnh Cần Thơ) trụ trì chùa Phước Long. Tại đó, bên cạnh việc thuyết giảng đạo pháp, nhà sư còn giáo dục lòng yêu nước và tuyên truyền cách mạng cho tăng ni và quần chúng Phật tử.
Sau Cách mạng tháng Tám (1945), nhà sư trở về Cái Bè và hoạt động tại xã An Thái Đông. Năm 1947, nhà sư được bầu làm Ủy viên Hội Phật giáo Cứu quốc huyện Cái Bè. Năm 1948, nhà sư công tác trong Ban Chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Mỹ Tho và là Ủy viên của Mặt trận Việt Minh tỉnh. Lúc bấy giờ, nhà sư đi khắp nơi, giáo dục tinh thần yêu nước cho giới tăng ni, Phật tử và vận động họ đóng góp công sức, tiền của, phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc.
Năm 1952, trên đường đi công tác từ Mỹ Tho về Cai Lậy, nhà sư bị địch bắt. Chính quyền thực dân vừa bày trò mua chuộc, dụ dỗ; vừa tra tấn hết sức dã man; nhưng vẫn không khuất phục được nhà sư. Cuối cùng, bọn chúng đày nhà sư lên Lộc Ninh. Đầu năm 1953, nhà sư được trả tự do và trở về Mỹ Tho tiếp tục hoạt động.
Sau hiệp định Genève (1954), nhà sư được tổ chức phân công ở lại miền Nam hoạt động. Được sự ủng hộ và giúp sức của nhiều tăng ni tiến bộ, nhà sư thành lập Tỉnh hội Phật giáo Lục hòa tăng, hoạt động công khai và hướng dẫn giới tăng ni và đồng bào Phật tử đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, chống gom dân lập Khu trù mật, chống bắt lính, chống trả thù cán bộ kháng chiến, đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Nhà sư còn tổ chức các đoàn cứu trợ, nhân các ngày rằm lớn, yêu cầu chính quyền địch cho vào khám Mỹ Tho để thăm hỏi và ủy lạo tù chính trị.
Cuối năm 1957, biết nhà sư còn hoạt động cách mạng, nên Nguyễn Trung Long, quận trưởng quận Châu Thành, cho lính bao vây chùa Bửu Long để bắt. Nhưng hôm đó, nhà sư đi vắng, thoát được. Sau đó, nhà sư lánh sang chùa xã Phú Đức, tỉnh Bến Tre tiếp tục hoạt động.
Đầu năm 1960, nhà sư vào vùng căn cứ của Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 1 1961, tại Đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Mỹ Tho, nhà sư được bầu làm Ủy viên của Mặt trận. Lúc này, tuy đã 63 tuổi, nhưng nhà sư vẫn hăng hái hoạt động và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần vào thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam.
Năm 1976, nhà sư là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang. Năm 1981, tại Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam, nhà sư được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Năm 1984, nhà sư viên tịch tại quê nhà. Hiện nay, bảo tháp của ông tọa lạc tại chùa Vĩnh Tràng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang).
* NI SƯ HUỲNH LIÊN:
Ni sư tên thật là Nguyễn Thị Trừ, sinh năm 1923 tại xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình nông dân.
Năm 1945, ni sư xuất gia, tu ở chùa Linh Bảo (Mỹ Tho). Năm 1947, ni sư xuất gia thọ giáo với sư Minh Đăng Quang người sáng lập ra hệ phái Khất sĩ ở Việt Nam và trở thành một trong những ni giới đầu tiên của hệ phái này.
Sau năm 1954, sư Minh Đăng Quang mất, với tư cách là Trưởng tử ni của Tổ sư, ni sư đã đứng ra kế tục sự nghiệp 'hoằng dương đạo pháp', lãnh đạo chúng ni ở miền Nam. Năm 1958, ni sư thành lập tịnh xá Ngọc Phương (nay thuộc quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) và nơi đây được xem là trung tâm của hệ phái Ni giới Khất sĩ ở miền Nam, do ni sư làm Ni trưởng.
Với sự tổ chức và điều hành tài giỏi, ni sư đã có công lao to lớn trong việc phát triển lực lượng ni giới thuộc hệ phái Khất sĩ. Đến năm 1984, ở toàn miền Nam đã có 72 tịnh xá ni và khoảng 500 ni chúng.
Đồng thời, ni sư cũng là người lãnh đạo các cuộc đấu tranh của ni chúng và đồng bào Phật tử trong việc chống chính quyền tay sai Mỹ ở miền Nam; điển hình là các phong trào 'Phật giáo chống chính quyền Diệm'(1963), 'Xuống tóc vì hòa bình' (1970), 'Lên án chiến tranh, vận động cho hòa bình', 'Nhân dân đòi cơm áo, Phật giáo đòi hòa bình' (1971), v.v...
Năm 1971, ni sư còn làm cố vấn cho 'Phong trào đòi quyền sống của phụ nữ' và 'Mặt trận nhân dân tranh thủ dân chủ và hòa bình' ở miền Nam. Tịnh xá Ngọc Phương là nơi xuất phát nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân và đồng bào Phật tử; đồng thời, là cơ sở nuôi chứa, hội họp, hậu cần, v.v. của các tổ chức cách mạng ở Sài Gòn-Gia Định và nhiều nơi khác từ năm 1965-1975.
Bên cạnh đó, ni sư rất quan tâm đến hoạt động từ thiện và xã hội. Tịnh xá Ngọc Phương là nơi nuôi nấng, dạy dỗ nhiều trẻ em mồ côi. Ni sư đã thành lập cô nhi viện ở nhiều nơi. Cô nhi viện Nhất Chi Mai (nay thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là cơ sở từ thiện trung ương của Ni giới khất sĩ. Ni sư cũng mở nhiều cuộc vận động quyên góp tiền bạc để xây dựng trường học và giúp đỡ người nghèo.
Ni sư chủ trương dân tộc hóa các kinh sách Phật giáo bằng cách dịch các kinh sách này ra tiếng Việt theo thể văn vần, để người tu hành và tín đồ có điều kiện thuận lợi trong việc nghiên cứu Phật pháp. Riêng bản thân ni sư đã sáng tác và dịch trên 200 bài thơ và bài kệ.
Sau ngày đất nước thống nhất (1975), ni sư càng tích cực phục vụ đạo pháp và dân tộc. Ni sư là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Kiểm soát Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Năm 1987, ni sư mất, thọ 64 tuổi. Phần mộ của bà tọa lạc trong khuôn viên tịnh xá Ngọc Phương.
* YẾT MA NGUYỄN VĂN THÂN:
Yết ma Nguyễn Văn Thân chưa rõ năm sinh, người huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Yết ma sớm xuất gia, tu học theo đạo Phật và trụ trì chùa Khánh Sơn ở làng Mỹ Trang, nay thuộc thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy.
Là một chức sắc tôn giáo chân chính, yết ma có tinh thần dân tộc sâu đậm và lòng yêu nước thiết tha. Năm 1928, yết ma đã đóng góp một số tiền lớn là 300 đồng tiền Đông Dương để giúp ba thanh niên yêu nước là Phan Văn Kiêu, Trần Văn An và Lê Văn Mãn đi sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện cán bộ do Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) chủ trì. Ngoài ra, bất chấp mối nguy hiểm và sự đe dọa, khủng bố của chính quyền thực dân, tại chùa, yết ma đã âm thầm che giấu, nuôi dưỡng nhiều cán bộ cách mạng của huyện Cai Lậy.
Vào tháng 5-1931, yết ma đã tạo điều kiện để các đảng viên Cộng sản của các xã Mỹ Hạnh Đông, Tân Phú, Nhị Mỹ, Thanh Hòa, Long Khánh, Nhị Quý và chợ Cai Lậy tiến hành hội nghị thành lập Huyện ủy Cai Lậy ở trong khuôn viên của chùa Khánh Sơn.
Đồng thời, yết ma còn tích cực vận động, quyên góp tiền bạc của tín đồ để cung cấp cho cách mạng trong nhiều năm liền, góp phần quan trọng cho sự hoạt động của Huyện ủy.
Tháng 8-1940, trong không khí sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa của toàn huyện, thực hiện chủ trương của Huyện ủy, yết ma bí mật tích trữ lương thực, thực phẩm để cung cấp cho nghĩa quân khi cuộc khởi nghĩa nổ ra.
Đánh hơi được mối nguy sắp đến, quận trưởng Cai Lậy là Nguyễn Văn Tâm đã bắt quản thúc yết ma. Quyết không để địch làm nhục, đêm 11-10-1940, yết ma tự thiêu ở tại chùa.
Sự hy sinh vì dân tộc và chánh pháp của yết ma-một nhà sư chân chính-đã làm cho quần chúng càng thêm căm thù thực dân Pháp và bọn tay sai cũng như càng quyết tâm hơn trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù./.
NGUYỄN PHÚC NGHIỆP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét