Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Hòa thượng Thích Thanh Tứ: Phật giáo Việt Nam Phát huy truyền thống hộ quốc an dân

Phó Chủ tịch kiêm TTK UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim chúc mừng Hòa thượng Thích Thanh Tứ trong lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 – 7/11/2011), Báo Đại đoàn kết đã có cuộc trò chuyện cùng Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, về những thành tựu mà Giáo hội đã đạt được trong công tác Phật sự và vun đắp cho khối đại đoàn kết dân tộc.
Xin Hòa thượng cho biết ý nghĩa, mục đích của sự kiện thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam cách đây 30 năm?
Trước hết tôi phải khẳng định rằng: Sự thành công của Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981 thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Phật sự quan trọng, khách quan nhằm đáp lại nguyện vọng chính đáng của tăng ni, phật tử thuộc 9 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước, chứ không phải ý muốn chủ quan và đơn phương của một cá nhân nào.
Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 là kết quả của quá trình vận động thống nhất Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1980, được trải nghiệm qua các cuộc vận động thống nhất Phật giáo 1951, 1960, 1964 và 1980. Thông qua đó đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của tăng ni, phật tử các tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam suốt chiều dài lịch sử 2000 năm hiện diện và đồng hành với dân tộc và Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa lịch sử truyền thống đó.
Lịch sử 30 năm qua đã để lại những dấu ấn đặc biệt gì trong đời sống tăng ni, phật tử Việt Nam nói riêng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, thưa Hòa thượng?
Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam đến nay đã trải qua 2000 năm lịch sử. Lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng đã khẳng định truyền thống gắn bó, đồng hành với dân tộc, hộ quốc an dân, đoàn kết, hoà hợp, vì sự ổn định và phát triển của quốc gia là mục tiêu, lý tưởng chung của Phật giáo Việt Nam.
30 năm xây dựng và phát triển của Phật giáo Việt Nam luôn dựa trên nền tảng của giáo lý đức Phật và truyền thống của dân tộc, của Phật giáo. Với tư tưởng, quan điểm nhất quán được tôn trọng và bảo đảm trong suốt quá trình vận động thống nhất Phật giáo và đến nay là: "Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp”. Đây chính là cơ sở để cho phép khẳng định sự đoàn kết, hoà hợp trong tăng ni, Phật tử các hệ phái Phật giáo hiện tại ở Việt Nam. Đó cũng là sự đa dạng, phong phú, đặc trưng của nhiều mầu sắc Phật giáo Việt Nam mà nhiều nước không có được. Đó là thành tựu lớn nhất để dẫn đến những kết quả Phật sự khác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt 30 năm qua.
Là thành viên tích cực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng ni, phật tử cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động Phật sự ích đời lợi đạo và thể hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị-xã hội. Đặc biệt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng chùa tinh tiến, nối vòng tay lớn, cả nước chăm lo đời sống tinh thần vật chất cho người nghèo, tổ chức các trung tâm nuôi dạy trẻ em mồ côi, nạn nhân di chứng chiến tranh, tổ chức giúp đỡ các hoạt động nhân đạo từ thiện xã hội giúp đỡ nhân dân vùng bị thiên tai... Nhiều vị tăng ni, phật tử được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, uỷ viên Uỷ ban Mặt trận các cấp...Những hoạt động Phật sự đó đã góp phần to lớn trong việc phát huy truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam, thông qua đó để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao.
Trong công tác Phật sự hiện nay và những năm tiếp theo, Giáo hội đặt ra những mục tiêu quan trọng nào? Công tác đoàn kết tăng ni, phật tử trong và ngoài nước có phải một trong những mục tiêu quan trọng này không thưa Hòa thượng?
- Trong công tác Phật sự hiện nay và những năm tiếp theo Giáo hội tiếp tục kiện toàn tổ chức Giáo hội và nâng cao hiệu quả các hoạt động Phật sự chuyên ngành ngày một đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội. Giáo hội tiếp tục quan tâm và động viên tăng ni, phật tử còn thiếu, còn yếu ở một số địa phương, để tiến tới xúc tiến thành lập tổ chức Giáo hội. (05 tỉnh chưa có tổ chức Giáo hội: Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu), để làm cơ sở cho việc tuyên truyền chính pháp đến với đồng bào tín đồ các dân tộc thiểu số. Thông qua đó để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày một sâu rộng hơn.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động từ thiện nhân đạo xã hội, tổ chức cứu trợ các vùng bị thiên tai. Tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân đối với tăng ni, phật tử kiều bào hiện đang sinh hoạt tại các cơ sở tự viện ở nước ngoài, tạo cầu nối gắn bó thân thiết với đất nước, với Giáo hội.
Để thực hiện tốt các chương trình hoạt động Phật sự đó, Giáo hội đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông Phật sự trong giai đoạn hiện tại và sau này. Trong các ban ngành chuyên môn của Giáo hội, thì Ban Truyền thông mới được thành lập theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Giáo hội năm 2010. Đây là công việc mới mẻ, nhưng không thể không làm vì sự phát triển chung của xã hội và nhu cầu của các tầng lớp nhân dân và sự xương minh của đạo pháp trong lòng dân tộc. Chúng tôi coi đây là những cơ sở vững chắc để xây dựng phát triển Giáo hội, thông qua đó để có những đóng góp hữu hiệu hơn đối với đất nước trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng!
Theo: Đại đoàn kết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét