Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Đến với Phật bằng tâm hồn nghệ sĩ Tác giả: Khánh Linh Bài đã được xuất bản.: 18/05/2010 09:53

Đạo Phật là đạo sống, ít mang màu sắc tôn giáo. Sống sao để chính mình bình an và mang bình an đến cho người khác.
Đến với tọa đàm "Phật giáo với tuổi trẻ" (tối 17/5) trong Tuần văn hóa Phật giáo 2010, các bạn trẻ Huế đã thật sự "bình đẳng" cùng các bậc cha chú khi chia sẻ những băn khoăn không chỉ về vai trò của Phật giáo trong việc dẫn dắt lớp trẻ. Cùng chủ trì tọa đàm với GS Thái Kim Lan, nhà văn Bửu Ý và nhạc sĩ Miên Đức Thắng là 2 bạn trẻ Hồ Ngọc Hân (Trưởng phòng tài nguyên thông tin, Trung tâm học liệu của ĐH Huế) và Tôn Thất Kỳ Văn, huynh trưởng của Gia đình Phật tử An Hòa.
Khao khát một điểm tựa tinh thần
Mở đầu cuộc tọa đàm, GS Thái Kim Lan hồi nhớ về câu chuyện từ hơn 40 năm trước,  thế hệ của bà đã từng thao thức, tranh luận cũng về chủ đề này. Những người tham dự hồi đó cũng rất trẻ, họ bàn cãi sôi nổi, đưa ra nhiều nhiều lý lẽ nhưng cũng dừng lại ở việc mỗi người chỉ tìm được con đường cá nhân, mà chưa tìm được hướng đi chung. Từ kinh nghiệm bản thân, GS Thái Kim Lan nêu vấn đề: "Di sản Phật giáo phải được "xử lý" thế nào cho thích hợp với tuổi trẻ hôm nay? Phải trở về với những giá trị tinh hoa, xóa bỏ những định kiến sai lầm về đạo Phật khiến tuổi trẻ hoài nghi như: Phật giáo có vẻ không năng động, yếm thế, bi quan... ".
Giải thích sâu hơn một chút về những điểm nêu trên, GS Thái Kim Lan cho rằng "tu học không phải là trốn đời mà là nhân cách của người trẻ, khám phá ra tất cả những suối nguồn năng động của người trẻ", hay "giác ngộ không cần phải là giải thoát, là đạt đến cõi niết bàn, mà có thể hiểu giác ngộ là đạt đến trạng thái giải phóng, tự do, mỗi người trẻ tự khám phá, sáng tạo".
GS Thái Kim Lan (ngồi giữa) chủ trì tọa đàm "Phật giáo với tuổi trẻ" (Ảnh: Khánh Linh)
Điểm dễ nhận thấy là nhiều bạn sinh viên đến với tọa đàm trong tâm trạng khá "chông chênh" và họ mong muốn tìm được một điểm tựa tinh thần từ Phật giáo, một sự dẫn dắt của những bậc cao niên trong các tăng đoàn. Hồ Ngọc Hân băn khoăn nêu trúng những điểm băn khoăn của giới trẻ hôm nay: "Tiếp cận vói Phật giáo có giúp con người hướng thiện, cuộc sống an lành hơn không? Dường như giới trẻ chúng con mải đuổi theo sự nghiệp nên đánh mất nhiều quá, như con thấy gia đình giống nơi tạm bợ để về".
Một sinh viên cũng còn rất trẻ, mới học năm thứ nhất đưa ra lời đề nghị tha thiết "Liệu có con đường nào đến với Phật giáo dễ dàng hơn không? Nên chăng các sư thầy, sư cô sẽ mở lớp dạy về phong cách sống, phong cách ứng xử, những việc mà chúng con chưa được dạy ở gia đình và nhà trường, chúng con chưa được dạy phải xin lỗi ra sao, phải thương người thế nào? Đó sẽ là con đường đến với Phật giáo cho nhiều thanh thiếu niên, đừng để các bạn chỉ biết lên chùa thắp hương vái lạy rồi về, hay buột ra những lời nói vô tình kiểu "Phật giáo đang mất tín đồ rất nhiều nên mới tổ chức hoạt động để tìm cách lôi kéo".
Những câu hỏi không dễ trả lời
Hỏi về đạo Phật đấy, mà dường như nhiều bạn sinh viên vẫn đang hoang mang tự hỏi phải sống thế nào cho đúng, khi giáo dục bây giờ chỉ chú trọng về kiến thức? Chia sẻ về triết lý từ bi, bác ái của đạo Phật cũng là khi sư thầy trăn trở về "tiền bạo lực" trong xã hội, khi con người sẵn sàng chà đạp lên cái đẹp, ngồi tránh nắng dưới bóng cây rồi lại bẻ cành, đến một dòng sông trong xanh mát nhưng sẵn sàng vứt rác bẩn. Từ những câu hỏi thật cụ thể nhưng không dễ trả lời trong phút chốc, như "làm thế nào để trở thành người khoan dung", hay "Phật giáo có giúp tuổi trẻ phát triển trí tuệ không?", đến những vấn đề to tát như "Phật giáo ít tín đồ hơn Thiên chúa giáo, có phải vì thiếu một quyển kinh chung? vì tăng ni phật tử ít năng động?..." đều được các bạn trẻ thẳng thắn đưa ra trao đổi.
Hình ảnh trong buổi tọa đàm "Phật giáo và tuổi trẻ" tại Tuần lễ Văn hóa Phật giáo Huế 2010       (Ảnh: Khánh Linh)
Trong khi các bạn trẻ luôn mong được dẫn dắt, thì những người từng trải lại thật lòng chia sẻ rằng đường đến Phật giáo là tùy duyên của mỗi người nên rất cần sự tự tin, mỗi bạn trẻ phải tự chuẩn bị không chỉ tri thức mà cả lòng dũng cảm, mạnh mẽ sống và chiêm nghiệm bản thân mỗi ngày" như kinh nghiệm của PGS TS Y khoa Diệp, PGĐ Bệnh viện trường ĐH Y. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì cho rằng "tu là bổ sung cho mình cái thiếu, chưa biết buông bỏ thì tu xong biết buông bỏ". Dù vậy, các bạn trẻ cũng cảm thấy tự tin hơn khi nghe những chia sẻ chân thành của Huynh trưởng Tôn Thất Kỳ Văn, rằng "ngũ giới" có thể nhìn nhận là những điều không nên làm, chứ không nghiêm ngặt là cấm, như không nên sát sanh không có nghĩa là muốn đi tu thì phải tuyệt đối ăn chay, có thể ăn chay 2 ngày, hoặc 4 ngày trong tháng.
GS Thái Kim Lan còn nhấn mạnh hơn, với Phật giáo, không có thế lực bên ngoài nào ép buộc một người đi tu phải làm điều này điều kia, nếu không làm thì không được cứu rỗi, mà chỉ tự mình theo dõi chính mình.
Đạo phật là đạo sống
Trước câu hỏi "Thương trường là chiến trường, khi cạnh tranh để phát triển sẽ phải làm tổn hại đau thương đến nhiều người. Đức Phật lại dạy phải từ bi khoan dung, như vậy có làm kìm hãm nền kinh tế không?", Phật tử "trẻ" Tạ Thị Ngọc Thảo khẳng định đã qua rồi thời thương trường là chiến trường, cạnh tranh theo kiểu anh sống tôi chết sẽ không bền vững, bây giờ cạnh tranh phải bằng những ý tưởng đột phá, lấy khách hàng làm mục tiêu trung tâm, nên sẽ hoàn toàn không mâu thuẫn với triết lý Phật giáo".
Theo Nhà văn Bửu Ý, chính các bạn trẻ sẽ phải dùng trí lực để chọn lựa những gì mình muốn học, không thể thụ động phụ thuộc những cái mình được dạy. Theo ông, bàn thờ trong mỗi gia đình là nơi dạy ta bài học của sự khiêm tốn, lễ độ với tiền nhân, chính qua những việc tưởng nhỏ như thắp cây hương. Đạo Phật, trong suy nghĩ của ông, là đạo sống chứ ít mang màu sắc tôn giáo, sống sao để chính mình bình an và mang bình an đến cho người khác. GS Thái Kim Lan thì nhắn nhủ lớp trẻ rằng: "đừng đến với Phật giáo với tâm hồn khô khan, mà Phật tử hãy là nghệ sĩ, là những người sáng tạo của đời sống".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét