Hiện diện trong pháp hội có chư tôn đức: Đại lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, HT Thích Giác Nguyên, Đại Đức Thích Giác Ngôn, Thích Giác Niệm, các Ni sư Thích Nữ Đinh Liên, Thích Nữ Như Nguyên, Thích Nữ Vân Liên, các Sư Cô Viên Quang, SC Tường Liên, SC Thùy liên, SC Thiện Liên, SC Thúy Liên, SC Bình Liên, SC Thành Tín và Ni Sư Thích Nữ Tiến Liên-Trưởng ban Tổ Chức.
Ngoài ra còn có đại diện các miền Hải Nhuận và Phật tử đồng hương.
Bắt đầu với bài thuyết pháp của HT Thích Giác Nguyên nói về công hạnh tu hành, đức hiều.
Sau đó đúng 11:00 am Chư Phật tử cùng đón rước tăng đoàn từ chánh điện vân tập tập lễ đài. HT Thích Giác Nhiên đang đau bịnh vẫn có mặt trong Tăng Ni Đoàn cùng đến lễ đài.
Sau nghi thức chào cờ và phút nhập Từ Bi Quán do phật tử Nguyễn Hồng Dũng điều khiền. Chư tôn đức tăng ni và Phậttử an tọa.
NS Thích Nữ Tiến Liên tuyên đọc tiểu sử của Đức Minh Đăng Quang, vị sáng lập Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam.
Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang – vị Tổ Sư khai sáng Giáo Hội Tăng Già – Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Huờn, sinh ngày 26 tháng 9 năm Quí Hợi (nhằm 04 tháng 11 năm 1923) tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long .
Ngài xuất thân từ gia đình có truyền thống trọng Nho kính Phật. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu. Thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Tỵ (tự Nhàn). Khi Thành Đạt tròn mười tháng tuổi, cụ bà lâm trọng bệnh và lìa đời, được người cô và bà nội, sau đến kế mẫu Hà Thị Song giáo dưỡng cho ăn học đến lúc trưởng thành. Đến năm 15 tuổi, bấy giờ tư tưởng “Cứu nhân độ thế” luôn thôi thúc tâm Người. Người quyết định xin phép gia đình sang Cao Miên cầu học pháp mầu.
Đầu năm 1944, Người từ biệt gia đình để chuẩn bị một sứ mạng thiêng liêng vô bờ bến, Người bày tỏ sự chứng ngộ ban đầu và chí nguyện tầm cầu Chơn Lý toàn hảo để hoằng hóa độ sanh của mình, rồi cáo từ gia đình ra đi, đến vùng núi Trà Lơn Thất Sơn bên kia biên giới Cao Miên để ẩn tu, tầm Chơn Sư tham vấn đạo lý. Từ những trải nghiệm nghiên tầm kinh sử và tham vấn đạo lý đó đây, tu sĩ Thành Đạt quyết định đi sâu vào ẩn cư an định thiền tư, quán niệm ôn xét nhơn duyên và sau cùng đạt thành Chân Lý toàn hảo, Lý Sự viên dung. Người đã tỏ sáng dấu chân Chánh Pháp của ba đời, mười phương chư Phật là “Thánh Giới - Thánh Định – Thánh Huệ và Thánh Giải Thoát” .
Tu sĩ Thành Đạt trang nghiêm Tam Bảo điện, tôn trí GIỚI PHÁP CỤ TÚC, TỨ PHẦN LUẬT TẠNG cùng các tư cụ Y BÁT … nơi chỗ tôn quý. Thành tâm phát đại nguyện Quy Y Tam Bảo thọ trì GIỚI PHÁP.
Ngài đã xác chứng Chánh Pháp Phật Đà và phát nguyện “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp”. Từ đó trở thành Tổ Sư khai sáng “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam” với pháp hiệu Minh Đăng Quang.
Sau khi phát Đại Nguyện Quy Y Tam Bảo và thọ trì Giới Pháp. Trong những tháng đầu năm 1947, Ngài đã nhiếp độ đầy đủ cả hai chúng Nam Nữ cư sĩ và hai chúng xuất gia Tăng Ni Khất Sĩ. Với phương tiện khất thực hóa duyên và thuyết giảng Kinh Pháp khuyến tu nêu trên, Đoàn Du Tăng Khất sĩ do Ngài hướng dẫn đã ảnh hưởng sâu rộng quần chúng trong vùng. Hội Đình Phú Lâm - Cây Gõ đã phát tâm hiến cơ sở cho Ngài thành lập Tịnh Xá Ngọc Lâm. Thứ đến Hội Chùa Kỳ Viên Bàn Cờ cũng thỉnh cầu như vậy, để cho Đoàn có nơi nương ở tu hoc và mở đạo.
Trong thời gian kể từ ngày Đức Tổ Sư xuất gia tầm Chơn Lý đầu năm1944 đến ngày Đức Tổ vắng bóng 01/02 Giáp Ngọ 1954, tính ra vừa tròn 10 năm. Trong đó 3 năm đầu dấn thân nơi núi rừng, vườn vùng Thất Sơn Việt Miên và cuối cùng làng Phú Mỹ – Mỹ Tho để tầm cầu Chơn Lý Chánh Pháp Phật Đà, ẩn tu chiêm nghiệm và sau cùng chứng ngộ Chơn Lý toàn hảo. Bảy năm còn lại Ngài thực hiện tâm nguyện hành trì Bồ Tát hạnh Y Bát khất thực hoá duyên theo Trung Đạo Tứ Y Chánh Pháp như Phật Tăng xưa. Suốt 7 năm ròng rã Đức Tổ Sư đã gầy dựng một Tăng Thân tốt đẹp lớn mạnh có hơn 100 vị. Ngài đã mở mang và thành lập Đạo Tràng Tịnh Xá khắp các tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và miền Đông Nam Việt có trên 30 ngôi. …
Sau bài tuyên đọc tiểu sử vị Tổ Sư của Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam, đại chúng được nghe bài thuyết giảng của HT Thích Giác Nhiên. HT cho biết Đức Tổ Sư đã lưu lại nhiều lời dạy quý giá qua nhiều hình thức. Đặc biệt và nỗi bật nhất là 69 đề tài Pháp Chơn Lý mà Đức Tổ đã tuyên thuyết khắp nơi và cô đọng lại thành văn bản được in ấn phổ biến. 69 đề tài Pháp Chơn Lý do Đức Tổ Sư thuyết giảng đã đầy đủ từ tư tưởng nhận thức, đến thực tế cuộc sống lợi mình lợi người một cách rõ ràng khế hợp giáo lý chơn truyền của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Xác định pháp môn tu học lợi mình lợi người là : “Người Khất Sĩ chỉ có ba pháp tu vắn tắt là Giới Định Huệ” để hướng đến giải thoát chấm dứt toàn bộ khổ đau.
HT Giác Nhiên cũng kể qua sự kiện vắng bóng của Tổ Sư Minh Đăng Quang: Một hôm sau khi viếng thăm các tỉnh vùng tiếp giáp biên giới Cao Miên tại Châu Đốc, Long Xuyên, Ngài quay về Tịnh Xá Ngọc Quang – Sa Đéc. Nhân ngày cúng hội 30 tháng Giêng, Ngài tập hợp Tỳ Kheo hành lễ bố tát tụng giới bổn và chứng minh cúng hội, thuyết pháp khuyến tu như thường lệ. Xế chiều Ngài tập hợp các đệ tử để nhắc nhỡ dặn dò những điều tâm quyết về chuyến đi tu tịnh của Ngài tại “Núi Lửa”. Sáng sớm ngày 01 tháng 02 năm Giáp Ngọ (1954) Ngài cùng 3 đệ tử Giác Thủy, Huệ Giác Pháp và Giác Nghĩa lên xe thẳng tiến về Tịnh Xá Ngọc Viên – Vĩnh Long, đến nơi Ngài dạy đệ tử và thăm hỏi sách tấn vài Phật Tử cư sĩ thâm tín, rồi lên đường. Xe đến bến phà Cái Vồn – Bình Minh thì có lệnh tướng Trần Văn Soái (tức Năm Lửa) cho thuộc hạ mời Ngài và đoàn xe về Tổng Hành Dinh và từ đó biệt tích đến nay. Năm ấy Ngài vừa tròn 32 tuổi. Bấy giờ đệ tử mới hay lời nói của Ngài đi tu tịnh ở “Núi Lửa” đó là lời cảm nhận mầu nhiệm.
Sự ra đi đột ngột của Đức Tổ Sư đã để lại trong lòng đệ tử xuất gia Tăng Ni và Nam Nữ cư sĩ chịu ơn đức dẫn dắt của Ngài một cảm xúc đau buồn vô hạn.
Sau bài thuyết giảng, chư Tăng Ni hướng về bàn thờ Phật Thích Ca dâng lễ trì tụng dâng hương cử hành lễ Tưởng Niệm.
Cuối cùng là phần thọ trai và chúng đệ tử viếng thăm HT Giác Nhiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét