Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Thần thông và phương tiện hiện đại, Phan Minh Đức

image
Thần thông diệu dụng là những giá trị lợi ích đặc thù của người tu tập theo những pháp môn nhất định. Ngày xưa, Đức Phật và những vị thánh đệ tử của Ngài đều có được sáu loại thần thông, gọi là Lục thông.
Những nhà ngoại đạo tu tiên cũng có thể đạt tới năm loại thần thông trong số sáu thần thông mà Phật đã chứng đắc, gọi là Ngũ thông. Tuy chỉ có năm hay sáu thần thông, nhưng kỳ thực, những thần thông ấy có vô số diệu dụng không thể nghĩ bàn.
Về sáu loại thần thông của Phật pháp gồm có:
1.Thiên nhãn thông, là năng lực nhìn không bị chướng ngại, không bị giới hạn bởi không gian, không bị giới hạn bởi kích thước của vật thể, có khả năng thấy được những sự vật hiện tượng mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
2.Thiên nhĩ thông, là năng lực nghe không bị chướng ngại, không bị giới hạn bởi không gian và cường độ của âm thanh, có thể nghe được những âm thanh mà khả năng con người không nghe thấy được;
3.Tha tâm thông, là năng lực hiểu được suy nghĩ người khác;
4.Thần túc thông, là năng lực tới lui vô ngại, có thể bay trên không trung, du hành dưới nước, đi trong lòng đất, xuyên qua núi non, biến hóa ra thiên hình vạn trạng…;
5.Túc mạng thông, là năng lực thấy rõ quá khứ nhiều đời nhiều kiếp; và
6.Lậu tận thông, là năng lực siêu xuất Tam giới, tự tại giải thoát, không bị khổ đau chi phối, hiểu rõ bản chất của đời sống, quy luật của vũ trụ…
Tuy nhiên, thần thông cũng có những giới hạn nhất định. Đức Phật không khuyến khích các đệ tử tu luyện thần thông; đôi khi, Ngài còn khiển trách những ai tùy tiện sử dụng thần thông khi không cần thiết. Thần thông là kết quả tự nhiên sau một quá trình dụng công tu tập, nhưng thần công, trừ Lậu tận thông, không đưa ai an lạc giải thoát. Có được năm thần thông trước là có những khả năng phi thường mà con người bình thường không có được; nhưng nếu còn vô minh thì vẫn bị phiền não tác động và vẫn còn khổ đau, vẫn còn luân hồi trong sinh tử. Chỉ có trí tuệ mới giúp con người thoát khỏi phiền não khổ đau; vì thế, cần phải tu tập để giác ngộ, khổ, tu tập vì sự nghiệp trí tuệ. Trong quá trình tu tập, đôi khi thần thông gây trở ngại cho sự giác ngộ giải thoát; và nếu không khéo tu tập mà còn tham đắm chấp trước thì thần thông trở thành một trong những pháp chướng đạo. Trong những loại thần thông kể trên thì Lậu tận thông là thần thông cao bậc; chỉ có Phật và các bậc Thánh đã chứng A-la-hán quả mới đạt được. Và đây chính là thần thông cần thiết cho người cầu giác ngộ, giải thoát.
Có lần một tu sĩ ngoại đạo biểu diển thần thông đi trên mặt nước và thách thức Đức Phật thi triển thần thông như ông ta. Đức Phật ôn tồn hỏi, “Ông tu luyện bao lâu mới có được thần thông ấy?”.Vị tu sĩ ngoại đạo kiêu hãnh trã lời, “Mất ba mươi năm”. Đức Phật mỉm cười, “Ta chỉ cần có ba xu tiền đi đò là có thể qua được bờ bên kia”.
Đức Phật dạy các đệ tử, nên dùng “Giáo hóa thần thông”, nghĩa là lấy thần giáo và khẩu giáo, lấy hành động làm tấm gương sáng về đạo đức và những lời thuyết pháp, để hóa chúng sinh, mà không nên dùng các loại thần thông khác; vì chỉ có Giáo hóa thần thông mới đưa đến con đường an lạc giải thoát. Năm loại thần thông đầu, gồm Thiên nhãn thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thiên nhĩ thông, Thần túc thông, thường mê hoặc con người, khiến cho con người chấp trước, tham cầu, mê đắm và dễ sa chân vào con đường bất chánh. Đặc biệt, những kẻ còn  vô minh, bị dẫn dắt bởi nghiệp lực và phiền não lậu hoặc, sẽ sử dụng thần thông phục vụ mục đích xấu. Trong lịch sử, chỉ một số rất ít trường hợp Đức Phật cho phép sử dụng thần thông, đó là khi nào phải đối phó với ngoại đạo có sử dụng thần thông; ví dụ như trường hợp Đức đạo có sử dụng thần thông hàng phục ông Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (Uruvela Kassapa) và con độc long. Nhưng sau đó, Đức Phật chỉ dùng Giáo hóa thần thông để độ họ.
Ngày nay, những thành tựu khoa học kỹ thuật cũng giống như phép màu mang lại cho con người những điều kỳ diệu. Ngồi một chổ không cần phải đi đâu, con người cũng có thể nhìn thấy hình ảnh, nghe được âm thanh khắp nơi trên thế giới, có thể giao tiếp với nhau dù đang ở hai nơi xa xôi bất kỳ trên trái đất. Con người có thể bay lên không trung, bay vào vũ trụ, đi trong lòng đất, du hành dưới đáy biển, trong lòng đại dương. Con người không phải mất nhiều thời gian để đi lại từ nơi này đến nơi khác… Tuy nhiên, cũng như thần thông không mang lại giá trị an lạc hạnh phúc, giải thoát những khổ đau khi con người còn chưa dứt trừ vô mình, còn bị lôi kéo bởi phiền não lậu hoặc; những phương tiện hiện đại, những tiện nghi của đời sống cũng không mang lại hạnh phúc cho con người khi con người còn quá nhiều ham muốn, dục vọng, còn sân hận si mê… nói chung là vô minh phiền não lậu hoặc. Hễ còn vô mình phiền não lậu hoặc thì vẫn còn khổ đau. Với ngã ái, chấp thủ, càng đạt được nhiều thành tựu trong khoa học, trong đời sống, con người càng kiêu căng tự phụ, bản ngã càng to lớn, và những thành tựu đó vô tình nuôi dưỡng, thúc đẩy tham vọng của con người ngày một phát triền thêm. Con người luôn muốn thỏa mãn cái tôi ích kỷ, thỏa mãn tham vọng mà tự tao cái khổ cho mình và cho chúng sinh khác. Chưa bao giờ thế giới vắng bóng chiến tranh, chưa bao giờ có một nên hòa bình toàn cầu; con người luôn sống trong mâu thuẫn, xung đột, luôn sống trong hận thù nghi kỵ; luôn mang tham vọng bành trướng; luôn tìm cách chiếm đoạt, sở hữu để dung dưỡng cái tôi ích kỷ; con người luôn bị dẫn dắt bởi ngã và ngã sở, tôi và cái của tôi, bản thân tôi, gia đình tôi, tài sản tôi, sự nghiệp tôi, dân tộc tôi, quốc gia tôi, quan điểm của tôi, học thuyết của tôi, chủ nghĩa của tôi…
Con người say mê những thành tựu khoa học kỹ thuật và sử dụng chúng để phục vụ cho bản ngã, phục vụ cho những tham muốn, dục vọng của mình, và từ đó, con người hủy hoại hạnh phúc của mình và của nhân loại. Hoàn cảnh thế giới hiên tại  đã chứng minh điều đó. Nhân loại luôn sống trong bất an, lo sợ, luôn phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng; sự biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, thiếu lương thực, nước uống, chiến tranh thế giới, nguy cơ bị hủy diệt vì hạt nhân…đang là những nỗi ám ảnh thường trực của loài người.
Con người quay cuồng với đời sống vật dục, say mê với các tiện nghi vật chất đến độ không biết đường đi lối về; mải chạy kiếm tìm những thứ có thể phục vụ cho ham muốn, dục vọng không tận cùng của mình; nhưng kết quả như người khác uống nước mặn không thể giải khát mà càng khát hơn; con người càng đắm chìm trong phiền não, khổ đau không cùng tận. Hàng ngày, những thông tin quảng cáo khơi gợi lòng ham muốn hưỡng thụ, kích thích đam mê, khiến cho người ta không thể đánh giá đâu là nhu cầu thực sự, cứ mãi chạy theo lối sống đua đòi. Sự thúc dục phải kiếm cho được nhiều tiền để thỏa mãn những nhu cầu ảo, những tham muốn thụ hưởng, đã khiến cho con người lao tâm khổ trí, vất vả tấm thân, và tạo nên nhiều tội nghiệp. Đời sống quay cuồng khiến cho con người khổ não bất an trên nhiều phương tiện vật chất, càng nhiều tiện nghi trong sinh hoạt, đời sống con người sẽ có được sự thoải mái cả về vật chất lẫn tinh thần, mang lại niềm vui và hạnh phúc. Con người không thấy rằng chính những tham vọng vật chất đó đã làm con người đã bị trói buộc lại càng bị trói buộc hơn, niềm vui và hạnh phúc ngày càng xa vời hơn.
Vấn đề chổ này có nhiều hay ít phương tiện vật chất thì đời sống con người có hạnh phúc hơn. Vấn đề là thái độ sống của con người như thế nào, con người làm chủ hay bị lệ thuộc vào nhưng phương tiện và tiện nghi đó; con người có biết cách ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, những phương tiện vật chất, những tiện nghi của đời sống hiện đại vào mục đích mang lại an lạc, hạnh phúc cho mình hay không? Đó mới là điều quan trọng.
Theo: Văn hóa Phật giáo

Giải thích mười bốn bước

1. Trú nhập thiền Jhana thuộc mười Kasiṇa tương ứng. Điều này nghĩa là: Người thiền sinh (Aspirant) phải trú nhập thiền Jhana bằng cách nhìn chăm vào đất, rồi xuất khỏi thiền đó. Sau khi đã xuất khỏi thiền lại trú nhập thiền Jhana một lần nữa bằng cách nhìn chăm vào nước, trước khi xuất ra để rồi lại rút vào nhập thiền Jhana thông qua nhìn chăm vào lửa. Qui trình này được tiến hành cho đến khi hết cả mười Kasiṇa được bao trùm hết. Qui trình này có thể được nhắc lại cả trăm lần thậm chí cả ngàn lần trước khi có thể đạt được thuần thục đáng tin cậy. Và bằng cách rút nhập thiền Jhana có nghĩa là toàn bộ các Jhana tuần tự bậc một đến bậc bốn đều được thông qua một cách tuần tự.
Những giải thích thêm cũng được đưa ra để mang lại hậu quả rằng, đang khi trú nhập thiền Jhana, thiền chỉ, thí dụ như, trái đất sẽ xuất hiện sinh động trước con mắt tâm, được mở ra cho Āpokasiṇa, tức nhìn chăm vào nước, nước tức khắc lại xuất hiện một cách sinh động. Nói tóm lại, trong bất kỳ thiền chỉ nào thì tâm cũng được dừng lại, đối tượng của thiền chỉ đó lập tức xuất hiện trong tâm nhãn. Trong những giây phút như vậy, tâm đã được dừng lại trong mức thiền Jhana đó. Có thể là ở bất kỳ bậc thiền nào trong bốn bậc thiền đó, điều này tùy thuộc vào ý chí của thiền sinh.

Cũng nên hiểu một điều là theo Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) thiền sinh với cùng một mục tiêu như vậy cũng phải đạt đến thành tích bốn bậc thiền Jhana cao hơn. Bậc thiền Jhana vô sắc gíới chẳng hạn, bậc đầu tiên đặt cơ sở trên hư không (Ākāsānañcāyatanā) bậc hai dựa trên thức (Viññā-ṇañcayatana) bậc ba dựa trên vô sở hữu (ākiñ-cảngññāyatana) và bậc bốn dựa trên phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasanna- Nasannayatana). Chính vì thế, trước khi trú nhập thiền Jhana vô sắc giới, Yogi (thiền sinh) phải rút vào các thiền Kasiṇa và thực hiện quyết tâm để có thể làm cho Thiền chỉ tan biến đi hay là có thể đặt trọng tâm chú ý vào thiền chỉ đó và cả tâm nữa cũng nằm trong đó thay vì lông bông bên ngoài không gian. Trước tiên, thiền sinh phải niệm “Ananto Akaso”: hư không bao la và vô tận, cho đến khi nhập vào được thiền Jhana vô sắc giới của thiền chỉ đó có nghĩa là Ākāsānañcāyatana. Sau khi đã chắc chắn đạt đến năm phép thuần thục, khi chú ý đã quay trở về với không gian thì không gian sẽ cùng lúc xuất hiện trong tâm thay vào chỗ thiền chỉ Kasiṇa hay bất kỳ hình ảnh nào khác,o chính sự thay thế này có nghĩa là từ “to drop the Kasiṇa ” cũng phải được thực hiện với toàn bộ các loại Kasiṇa khác. Như vậy bốn bước thiền Jhana sắc giới hay vô sắc giới có thể đạt đến được bằng cách nhìn chăm chú vào tám thiền chỉ Kasiṇa.

2. Trú nhập thiền Jhana mười Kasiṇa ngược lại từ dưới lên trên. Điều này ám chỉ khả năng hay thuần thục của thiền sinh có thể trú nhập thiền Jhana dựa trên mười Kasiṇa bằng cách theo một quy trình ngược lại từ dưới lên trên. Bắt đầu với loại cuối cùng của tám loại Kasiṇa kể đến ở trên từ Odāta: nhìn chăm vào màu trắng, rồi Lohita: màu đỏ, và rồi tiếp tục cho đến khi đạt đến Kasiṇa đầu tiên có nghĩa là Paṭhavī, tức là đất.

3. Trú nhập thiền Jhana trong mười Kasiṇa cả theo cách bình thường và theo cách ngược lại từ dưới lên trên. Điều này chính là kết hợp cả hai phương pháp từ một đến mười và rồi quay trở lại từ mười đến một. Có thể nhắc lại điều này như trước đó, một trăm lần hay ngay cả một ngàn lần để có thể đạt được năm thuần thục từ đó mà ra.

4. Trú các bậc thiền liên tiếp một cách tuần tự. Theo phương pháp này thiền sinh rút vào nhập thiền Jhana bậc thứ nhất và rồi xuất khỏi bậc đó và lại nhập vào giai đoạn hai. Rồi lại xuất ra để nhập vào giai đoạn thiền Jhana thứ ba. Qui trình này tiếp tục cho đến khi đạt đến bậc cuối cùng có nghĩa là phi tưởng, phi phi tưởng xứ (Nevasanna-Nasan-nayatana): tình trạng phi tưởng cũng như phi phi tưởng xứ.

5. Trú nhập vào các bậc thiền Jhana ngược lại từ dưới lên trên. Như trên ám chỉ, thiền sinh trú nhập thiền Jhana bậc cuối cùng có nghĩa là bậc phi tưởng phi phi tưởng xứ đầu tiên. Rồi thầy lại xuất ra để nhập vào các bậc trước các giai đoạn đó. Qui trình này tiếp tục ngược lại cho đến khi đạt đến được thiền Jhana bậc đầu tiên.

6. Rút nhập vào các bậc thiền Jhana cả các bậc bình thường và các bậc ngược lại từ dưới lên trên. Giống như bậc thứ ba ở trên, đây là qui trình thứ bốn và thứ năm kết hợp với nhau. Điều này có thể được nhắc lại, như bình thường một trăm lần hay cả một ngàn lần để có thể từ đó đạt đến năm điều thuần thục.

7. Trú nhập thiền Jhana bằng cách bỏ qua hay dùng phương pháp xen kẻ. Loại bỏ tất cả mọi thiền chỉ khác. Bằng phương pháp này thiền sinh trú thiền Jhana bậc một thông qua nhìn chăm vào đất. Rồi xuất ra khỏi và lại rút nhập vào bậc thiền Jhana thứ ba dựa trên cùng một loại thiền chỉ. Ngài thực hiện bậc này cho đến khi có thể “bỏ qua” Kasiṇa đất và nhập thiền Jhana Vô Sắc Giới bậc một trước khi nhập lại vào thiền Jhana vô sắc giới bậc ba. Điều này có nghĩa là chỉ có bậc thiền Jhana bị lướt qua hay bỏ qua. Nhưng đề mục Kasiṇa vẫn không thay đổi.

8. Trú thiền Jhana bằng cách bỏ qua hay xen kẽ, bỏ qua cả các bậc thiền Jhana và các loại thiền chỉ Kasiṇa. Qua phương pháp này ta có thể bắt đầu với bất kỳ loại đề mục Kasiṇa nào cũng được không nhất thiết phải bắt đầu với Kasiṇa đất. Chỉ bỏ qua phương pháp được duy trì ở đây mà thôi. Việc trú nhập thiền Jhana được thực hiện tuần tự, mà không vượt qua hay bỏ đi bất kỳ điều gì.

9. Để Trú bằng phương pháp bỏ qua, bỏ cả các bậc thiền Jhana và các loại đề mục Kasiṇa. Đối với những ai đã có thuần thục đáng tin cậy và có nhiều kinh nghiệm có thể khởi động với bất kỳ mức thiền Jhana nào tuỳ ý; cũng vậy có thể dùng bất kỳ đề mục Kasiṇa nào. Nhiều chi tiết được giải thích thêm trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) sau đây:

Thiền sinh trú nhập thiền Jhana bậc nhất dựa trên đề mục Kasiṇa đất. Rồi ngài tiếp tục nhập vào bậc thiền Jhana thứ ba (bỏ qua bậc thứ nhì) trong đề mục Kasiṇa Lửa (bỏ qua Kasina nước) bỏ qua tức là lướt qua đề mục Kasiṇa Nīla. Ngài nhập vào thiền Jhana Vô sắc giới rồi tiến xa hơn nữa đến bậc thiền Jhana vô sắc giới, Akiñcaññā - vô sở hữu dựa trên màu đỏ, có nghĩa là đề mục Kasiṇa Lohita. Phương pháp này được gọi là lướt qua hay bỏ qua cả thiền, lẫn thiền chỉ Kasina (Jhana kasi ṇukkantakaṃ).

Qui trình này chính vì thế được sắp xếp được với lợi khẩu cả về bậc thiền Jhana lẫn các đề mục Kasiṇa . Ở đây thuần thục là điều thiết yếu để thể hiện được các phép thần thông, có nghĩa là việc thực hiện các phép lạ (thần thông). Điều này ám chỉ việc trú và thoát ra khỏi bất kỳ bậc thiền Jhana nào hay bất kỳ đề mục Kasiṇa nào ngay lập tức theo ý muốn.

10. Để lướt qua những thành tố thiền Jhana. Như đã mô tả ở trên, có năm chi hay nhân tố làm thành thiền Jhana bậc một đó là. Tầm(Vitakka), tứ (Vicāra) hỷ (Pīti) lạc(Sukha) và nhất tâm (Ekaggatā). Thiền Jhana bậc hai gồm có ba chi đó là: hỷ , lạc và nhất tâm. Trong khi đó thiền Jhana bậc ba chỉ gồm có hai chi đó là lạc và nhất tâm và thiền bậc bốn cũng chỉ có hai chi nhưng lại khác một chút đó là xả (Upekkha) và nhất tâm.

Nhờ phương pháp này thiền sinh trú nhập thiền dựa trên đề mục đất. (earth Kasiṇa) rồi tiến dần lần lượt vào thiền Jhana bậc hai, bậc ba và bậc bốn. Không cần phải thay đổi đề mục (Kasiṇa) từ Pali chỉ tình trạng này gọi là Añgasañkantikaṃ. Ta cũng cần lưu ý là phương pháp này chỉ có thể được áp dụng trong loại thiền Jhana Sắc Giới (Rūpa Jhāna) mà thôi. Chứ không thể được áp dụng cho loại thiền Jhana vô sắc giới (Arūpa Jhāna). Đó chính là toàn bộ các loại Thiền vô Sắc Giới chỉ có khác nhau về đề mục mà thôi. Nhưng lại giống nhau ở chi thiền, có nghĩa là xả (Upekkhā) và nhất tâm (Ekaggatā)

11. Để lướt qua các đề mục thiền Jhana đa dạng. ‘Đề mục thuộc nhiều loại thiền khác nhau’ ở đây được hiểu là có tám loại đề mục (Kasiṇa) như đã nói ở trên, cùng với bốn đề mục thuộc Thiền Jhana Vô Sắc Giới như, Hư không, thức, vô sở hữu và phi phi tưởng. (Etam Santam) bằng phương pháp này thiền sinh phải trú mỗi loại thiền dựa trên cùng một đề mục (Kasiṇa) thí dụ như ngài rút vào nhập thiền Jhana bậc một dựa trên đề mục (Kasiṇa) đất, rồi cùng một bậc thiền Jhana dựa trên thiền chỉ (Kasiṇa) nước rồi cùng một bậc thiền Jhana dựa trên đề mục (Kasiṇa) gió v.v… cho đến khi ngài tới được đề mục (Kasiṇa) Odāta, là đề mục cuối cùng, từ Pali cho giai đoạn này gọi là Ārammaṇasaṇkantikaṃ

12. Để lướt qua cả các chi thiền Jhana và các đề mục. Đây chính là hai phương pháp đã đề cập đến ở trên (mục số 10 và 11) gộp chung lại. Thí dụ thiền sinh trú nhập thiền Jhana dựa trên đề mục (Kasiṇa) đất, rồi bậc thiền Jhana thứ nhì dựa trên đề mục (Kasiṇa) nước, rồi bậc thiền thứ ba dựa trên đề mục Kasiṇa lửa, rồi đến bậc thiền Jhana bậc bốn dựa trên thiền chỉ (Kasiṇa) gió. Bỏ qua đề mục (Kasiṇa) màu xanh, ngài rút vào nhập thiền Vô sắc giới với thiền chỉ không gian rồi nhập thiền Vô Sắc Giới với thiền chỉ tâm thức từ đề mục Kasiṇa màu vàng, thiền Vô Sắc Giới với đề mục vô sở hữu xứ từ đề mục Kasiṇa màu vàng và rồi thiền chỉ vô tưởng hoặc phi phi tưởng từ thiền chỉ Kasiṇa màu trắng. Từ Pali cho loại thiền này là Añgārammaṇassañkantikaṃ.

13. & 14. Để xác định những chi thiền và các đề mục. Nhờ phương pháp này thiền sinh phải nắm được các chi thiền là gì và có bao nhiêu chi trong mỗi bậc thiền Jhana. Thiền sinh có thể xác định được rõ ràng những chi này từ ngay tuệ giác của mình. Các chi thiền Jhana và các đề mục tức là có tám thiền chỉ Kasiṇa và bốn đề mục thuộc thiền Jhana Vô Sắc Giới như đã được mô tả trước đó. Từ Pali để xác định các chi Thiền Jhana là Añgavaṭṭhapanaṃ. Còn từ dùng để xác định các đề mục lại là Ānrammaṇavavaṭṭhāpana.

TÌM HIỂU PHẬT PHÁP

1/ Phật là người mà không phải là thần
Nhìn chung các tôn giáo trên thế giới, ngoài Phật giáo ra, giáo chủ của các tôn giáo đều tự cho mình là “thần” cách siêu nhân. Thần ấy có thể hô phong hoán vũ, điểm đá thành vàng. Ngài là chúa tể ban phước giáng họa cho nhân loại. Ngài điều khiển mọi vinh nhục sống chết của vạn vật. Loài người chỉ có phủ phục trước mặt ngài, ca ngợi và xưng tán, đem tất cả thành tựu vinh quang quy về cho thần vạn năng cả. Ai tin tưởng vào tài năng của thần thì được lên Thiên đường, phản đối lại sẽ bị đọa vào địa ngục đời đời.
Giáo chủ của Phật giáo - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, câu nói đầu tiên của Ngài lúc đến nhân gian này là : “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Chúng ta nên chú ý chữ ngã trong câu duy ngã độc tôn, không phải chỉ riêng bản thân Thích Ca Mâu Ni, mà là chỉ cho toàn thể nhân loại. 
Giải thích chính xác câu ấy là : Người ta ở trong vũ trụ đầu đội trời chân đạp đất, mỗi người đều là chúa tể của chính mình, quyết định vận mạng của chính mình, mà không phải nghe theo mệnh lệnh của ai hoặc vị thần siêu nhân nào khác.
Đức Thích Ca Mâu Ni nói là sự giác ngộ, và thành tựu của Ngài, hoàn toàn đều do công phu nỗ lực và tài trí của chính mình.
Đức Thích Ca Mâu Ni cho rằng, điều cát hung họa phước, thành bại vinh nhục của một cá nhân quyết định ở hành vi thiện ác và nỗ lực của chính bản thân họ. Không ai có thể đề bạt ta lên thiên đường, cũng không người nào có thể đem ta đẩy xuống địa ngục. Ca ngợi và tán thán không thể lìa khổ được vui, chỉ có thực hành tu tâm sửa tính mới có thể khiến cho nhân cách của mình tịnh hóa thăng hoa, khiến cho mình hưởng thọ khoái lạc tâm an lý đắc.
Đức Thích Ca Mâu Ni cũng không có phép chỉ đá hóa vàng được. Ngài chủ trương “Người ta muốn thu hoạch cái gì thì trước phải trồng thứ đó”. Ngài không thể khiến cho cây Liên vụ sinh ra quả Tần bà được. Nếu bạn muốn được quả Tần bà thì trước hết bạn phải gieo hạt giống Tần bà. Đức Thích Ca Mâu Ni chẳng qua chỉ là bảo cho bạn biết trồng như thế nào, để sau này thu được nhiều kết quả. Song công việc vun trồng vẫn phải do chính nơi bàn tay của bạn.
Đức Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp 49 năm, nói kinh hơn 300 hội, đều vì chúng ta mà chỉ bày “con đường thành Phật” - tự chính mình sáng tạo trí tuệ và nhân cách viên mãn triệt để nhất. Thế nhưng con đường ấy phải nhờ vào nghị lực, trí tuệ, hằng tâm của chính mình mới có thể đạt được. Cho nên Phật nói : “Ta chỉ là người chỉ đường, còn đi đến là do các ngươi”.
Con đường đi đến quả vị Phật cần phải công phu tu hành từng ly từng tí.
“Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt,
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”.
                        (Thiền Sư Hoàng Bá Hy Vân)

2/ Phật là người rất bình đẳng
Tôi nói Đức Phật là người rất bình đẳng không phải là vô căn cứ. Trước tiên chúng ta hãy lấy bối cảnh xã hội của Ấn Độ đương thời mà quan sát.
Ai cũng biết xã hội Ấn Độ thời đại Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, chia ra làm bốn đẳng cấp lớn là : Bà la môn, quý tộc, bình dân và nô lệ. Điều đáng quý ở chỗ Đức Thích Ca Mâu Ni là thái tử đã nhìn thấy sự bất hợp lý của đẳng cấp xã hội, kiên quyết giương cao ngọn cờ bình đẳng, chủ trương phế trừ giai cấp đối lập, đề xướng chúng sinh bình đẳng.
Các bạn đồng học thử nhớ lại xem, những cuộc cách mạng trên lịch sử phần lớn là thuộc giai cấp cùng khổ đấu tranh mong muốn được bình đẳng giai cấp và được “đề cao” địa vị, tuyệt đối không có ai giống như Đức Thích Ca Mâu Ni, tự nguyện đem thân phận thái tử thuộc giai cấp quý tộc “giáng xuống” giai cấp bình dân. Cho nên tôi nói Ngài là chân bình đẳng vậy.
Đồng thời Phật giáo lại chủ trương “Vô duyên đại từ” và “Đồng thể đại bi”, lại đem ý nghĩa của bình đẳng nâng lên một bước nữa.
Tôi nghĩ ý nghĩa của “Vô duyên đại từ” và “Đồng thể đại bi” sẽ có những bạn chưa hiểu, tôi xin được phép giải thích sơ như sau :
1/ Vô duyên đại từ : Phật giáo chủ trương không những đối với người có quan hệ với mình, mình phải thương yêu như cha mẹ, thân thuộc, bằng hữu… mà còn đối với người không có quan hệ bạn bè thân thích với mình, mình cũng phải thương yêu nữa. Như tôi đối với các bạn từ trước tới nay chưa từng qua lại, không hề quen biết mà vẫn quan tâm yêu quý như thân thích vậy.
2/ Đồng thể đại bi : Đồng thể đại bi là một loại tinh thần người đói mình đói, người yếu mình yếu, xem hết thảy chúng sinh trong vũ trụ, ta và người một thể, vui buồn cùng chia sẻ, cốt nhục thâm tình.
Nhà Nho thì nói : “Người trong bốn biển đều là anh em”, cũng biểu hiện tinh thần “đồng thể đại bi”. Mà lòng từ bi vô bờ bến của đức Địa Tạng Vương Bồ tát “Ta không vào địa ngục thì ai vào ?” chính là chỗ tột cùng của đồng thể đại bi vậy.
Cuối cùng tôi xin nói thêm cái tinh thần “chân bình đẳng” của Phật giáo biểu hiện cao nhất, chính là Phật giáo đem cái quan niệm bình đẳng, không cục hạn nơi con người linh hơn vạn vật. Phật giáo phản đối quan niệm cho rằng tất cả động vật, trừ loài người ra, đều được sáng tạo để cung cấp cho con người ăn. Tất cả động vật lúc chết kêu la thảm thiết, thật là thương xót không nỡ thấy nghe. Phật vì không từ bi khuyên Phật tử không nên vì miếng ăn mà giết hại loài vật.
Phật giáo còn tiến thêm một bước nữa khẳng định những động vật bị chúng ta tự khoe mình là loài người linh hơn vạn vật, đem giết chúng một cách bừa bãi đó, chúng cũng đều có đầy đủ Phật tính, có tiềm năng thành Phật trong tương lai. Mặc dù giữa người và động vật khác, trên hình thức và trí tuệ có chỗ bất đồng, nhưng trên quyền lợi sinh tồn và Phật tính thì là bình đẳng. (Giống như kẻ khốn cùng ác độc hoặc ngu si vô tri, họ cũng có đầy đủ “nhân tính”, chúng ta phải đem “nhân đạo” để đối xử với họ, dùng “nhân đạo” để giáo dục, cảm hóa họ).
Người xưa nói : “Trời có cái đức hiếu sinh” lại nói “vạn vật với ta cùng sinh” đều là tư tưởng bình đẳng, xem vạn vật là một thể. Chẳng qua chỉ chưa thấu triệt bằng thuyết của Phật giáo mà thôi.
3/ Phật không phải là người sinh ra mà biết  
Đức Thích Ca Mâu Ni là một con người bình thường, Ngài họ Kiều Đáp Ma, tên là Tất Đạt Đa, sinh tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, nơi vườn Lâm Tỳ Ni, thành Ca Tỳ La Vệ.
Năm 29 tuổi, Ngài xả bỏ vương vị mà mình sẽ kế thừa, xuất gia học đạo, tìm cầu phương pháp giải thoát nhân sinh khỏi khổ não. Trải qua 6 năm, lúc Ngài 35 tuổi, dưới gốc cây Bồ đề bên bờ sông Ni Liên Thiền chứng được Chính giác, giác ngộ một cách chính xác và thấu triệt đạo lý căn bản của nhân sinh vũ trụ.
Từ đấy người ta mới gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật đà, hoặc gọi tắt là Phật. Ý là giác tỉnh chân lý, hoặc gọi là bậc giác ngộ.
Tôi giới thiệu sơ qua việc tu hành của Đức Phật, mục đích chủ yếu là nói với người đồng học. Đức Thích Ca Mâu Ni với chúng ta đều là người bình thường cả, Ngài nhờ vào việc tu hành mà ngộ đạo, mọi người chúng ta đều có thể cùng nhau noi theo giáo pháp mà Ngài đã chỉ dạy để tu hành và chứng quả.
Thích Ca Mâu Ni - Ngài chỉ là một người giác trước, biết trước trong vô số người, mà chúng ta là người giác sau biết sau. Sự bất đồng giữa Phật và chúng ta không phải bất đồng ở chỗ nhân cách, địa vị, mà là bất đồng ở một chữ “Giác”. Cũng như Hàn Dũ nói : “Nghe đạo có kẻ trước người sau” vậy.
4/ Phật giáo không thừa nhận có người tồi tệ không thể giáo hóa
Cổ nhân có nói “lãng tử hồi đầu vàng không đổi”. Người làm cha mẹ ở đời, luôn luôn mở rộng cõi lòng, ngóng chờ đứa con lưu lạc (lãng tử) có ngày hồi đầu trở lại, dù con cái của họ gây tạo tội lỗi ngập đầu. Xưa nay chưa có cha mẹ nào lại nhẫn tâm hoặc mong muốn con mình vĩnh viễn chịu khổ trong địa ngục nơi âm u tăm tối, nước sôi lửa dữ.
Phật giáo thừa nhận tính người là thiện lương, chỉ cần buông dao bỏ xuống, có thể tu hành thành Phật. Phật cho rằng hết thảy tội ác đều là do nơi vô tri (Phật giáo gọi là vô minh) dẫn dắt mà sinh ra. Nhân đấy mà hết lòng khuyên bảo, đêm ngày khai đạo chỉ bảo cho chúng sinh thay đổi tâm tính, chính là trách nhiệm của Phật. Đức Phật quan tâm đối với chúng sinh “như mẹ thương con”, không những không nỡ thấy thân chúng sinh chịu khổ nơi địa ngục, mà còn phát thệ nguyện lớn “địa ngục chưa trống, thề không thành Phật, chúng sinh độ hết, mới chứng Bồ đề” (Bồ đề ý là giác ngộ hoặc chính đạo, chứng Bồ đề ý là đắc đạo hoặc thành Phật).
Ôi, còn lòng từ nào hơn ! Còn bi nguyện nào hơn ! Đó mới là lòng thương chân thật !
5/ Phật không phải là độc nhất vô nhị, mọi người đều có thể thành Phật
Ở phần thứ ba đã nêu Phật và chúng sinh chỉ là trước và sau của thời gian giác ngộ mà thôi.
“Phật” chỉ là tên gọi chung cho những vị đã giác ngộ. Cũng giống như chúng ta gọi “người truyền đạo, truyền nghề” là “giáo sư” vậy. Giáo sư không chỉ có một vị, ai ai cũng có thể làm giáo sư được, nơi nơi đều có thể có giáo sư. Đạo lý cũng vậy, Phật không phải chỉ có một cá nhân Thích Ca Mâu Ni mà người người đều có thể thành Phật, chỗ chỗ đều có thể có Phật. Không chỉ thế giới này có Phật, mà vô số tinh cầu trong vũ trụ đều có thể có Phật (đương nhiên cũng có chúng sinh).
Điểm này cũng là chỗ bất đồng căn bản giữa Phật giáo và tôn giáo khác. Tôn giáo khác chỉ thừa nhận thần của họ là “độc nhất vô nhị”, và ra sức công kích, phủ định thần của giáo phái khác là “thần giả”.
Đồng thời về giáo nghĩa của họ chỉ dạy thì loài người dù có nỗ lực phấn đấu đến đâu đi nữa, vĩnh viễn không thể ngang bằng với thần được (mãi mãi vẫn là mối quan hệ chủ nô). Bởi vì thần là đấng tạo vật, mà người chẳng qua chỉ là một trong những “vật” mà thần sáng tạo ra mà thôi.
6/ Phật giáo không thừa nhận có thần sáng tạo ra vạn vật
Quan niệm vũ trụ vạn vật do thần vạn năng sáng tạo ra là không hợp lý. Bởi lẽ thần chính là sản vật của tư tưởng con người. Loài người dựa vào quan niệm và hình tượng của mình mà tạo ra thần, nhằm mục đích để giải thích nguồn gốc của nhân sinh vũ trụ, Phật giáo gọi đó là “nguyên nhân đầu tiên”. Nếu cho rằng thần có thể sáng tạo nhân sinh vũ trụ thì vị thần ấy do ai sáng tạo ra ? Những người tin tưởng tuyệt đối sẽ cho rằng thần là vạn năng, tồn tại một cách tự nhiên. Thần đã tồn tại một cách tự nhiên, không bị ai sáng tạo ra, tự mình có thể tồn tại được thì quan niệm thần sáng tạo ra nhân sinh vũ trụ còn có ý nghĩa gì nữa (bởi vì cùng một lý ấy nhân sinh vũ trụ cũng có thể tồn tại một cách tự nhiên được vậy). 
Phật giáo vốn phủ định giả thiết “thần sáng tạo ra vạn vật”, vốn không thừa nhận vũ trụ có “bắt đầu”, cái gọi là “bắt đầu” của một sự kiện chỉ là cái “kết thúc” của một sự kiện trước mà thôi. Trong một chuỗi quan hệ nhân quả, sự tiêu tan của một sự vật chính là điều kiện để cấu thành một sự vật khác sinh khởi.
Tiến sĩ Trương Trừng Cơ viết trong cuốn “Phật pháp là gì ?” đối với vấn đề này cũng đã nêu : “Cái quan niệm “bắt đầu” ấy, là do tâm lý “hữu hạn” của loài người không thể hiểu thấu được mối quan hệ nhân quả sum la vạn tượng”.
Thí dụ như chúng ta đi xem phim, từ 7 giờ bắt đầu chiếu đến 10 giờ thì kết thúc. Chúng ta thử nhớ lại xem sự bắt đầu của bộ phim tập 3, chính là sự kết thúc của bộ phim tập 2, mà sự kết thúc của tập 3 chẳng phải là bắt đầu của tập 4 hay sao ? Cho nên khái niệm “bắt đầu” ấy chỉ có ý nghĩa đối với một sự vật nhất định nào đó mà thôi, còn đối với toàn thể vũ trụ chằng chịt đan quyện nhân quả tương tục với nhau thì không có ý nghĩa gì hết. Thời gian là vận động không ngừng, ai có thể từ trong ấy tìm ra một điểm gọi là “hiện tại” đình chỉ bất động ? Về sau lại nói một điểm ấy chính là “bắt đầu” ư ?
Thật ra Phật giáo không hứng thú cho lắm về việc thảo luận vấn đề không có lợi ích đối với nhân sinh như thế (Hình nhi thượng học của triết học). Bởi vì vũ trụ là vô thủy, cũng là vô chung, chúng ta có kiệt lực vắt óc tìm tòi “nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ” chỉ là uổng công phí sức mà thôi. Lúc bạn khổ tâm tìm được nguyên nhân đầu tiên, bạn nhất định sẽ phát giác ra trước nó vẫn có một “nhân” nữa. Như thế tuần hoàn không dừng, xoay vần rồi trở lại ban đầu, bạn vĩnh viễn tìm không ra “nguyên nhân đầu tiên” cố định bất biến.
Vả lại đời người ngắn ngủi, sinh mạng vô thường, nếu bạn cứ ra công tìm kiếm nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ, e rằng thân bạn sẽ tiêu ma mà đáp án vẫn chưa tìm ra.
Trong kinh Phật có câu chuyện tỉ dụ rất hay : Có một người bị thương vì mũi tên độc, người thân bèn đem ông ta đến y sĩ để chữa trị. Nếu lúc ấy người đó nói rằng : “Tôi chưa muốn lấy mũi tên ấy ra, tôi muốn biết là ai đã bắn tôi, người ấy là dòng Sát đế lợi ? Bà la môn ? Hay là Thủ đà la ? Tên họ và thị tộc của hắn là gì ? Thân hắn cao hay thấp ? Da hắn màu đen hay màu vàng ? Hắn ta từ làng mạc, thành thị nào đến ? Tôi không muốn lấy mũi tên này ra, nếu tôi chưa biết cây cung và dây cung làm bằng gì ? Hình dáng mũi tên ấy ra sao, chế tạo bằng gì ? v.v…” Người ấy chắc chắn sẽ chết trước khi biết được mọi thứ.
Cho nên Phật giáo không lãng phí công sức và thời gian tìm hiểu vấn đề “nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ”. Bởi vì tìm cầu cũng chỉ là vô dụng, đồng thời cũng chỉ là vô ích đối với nhân sinh. Những thứ ấy với việc thoát ly thống khổ sinh, lão, bệnh, tử của chúng ta không có liên quan gì. Không thể khiến cho người ta từ chỗ hiểu biết đó mà được an lạc hạnh phúc hay giải thoát.
Vấn đề đã hơi kéo dài, hiện tại tôi xin bàn lại vấn đề Phật giáo không chấp nhận vũ trụ vạn vật là do thần sáng tạo, mà cho rằng vạn vật đều do “nhân duyên tụ hợp” mà thành.
Ví như một ngọn núi ở trước mắt ta, nó là sự tích tụ của đất, đá; sông hồ là chỗ trũng chứa nước mà thành; lại xem những cái bàn trong phòng học, là do thợ mộc dùng cây mà đóng nên.
Nếu đem đất đá phân tán ra thì không thành “núi” nữa; đem nước hồ ao múc cạn hết thì thành đất trũng, bóng dáng của “hồ ao” ở đâu ? Lại đem cây ván chia ra từng mảnh một, vậy thì “cái bàn” ở chỗ nào ?
Một vài thứ có thể xem thấy đó chúng ta có thể gọi nó là “sắc”, bởi vì chúng chỉ là “nhân duyên tụ hợp tạm thời” mà thôi, không phải chân thật bất biến. Cho nên chúng ta nói nó là “không”, tức là không có thực thể tồn tại vĩnh hằng bất biến.
Đó chính là đạo lý đơn giản “sắc tức là không” ở trong kinh Phật đã dạy.
Tuy nhiên Phật giáo nói “sắc tức là không”, chữ “không” ấy hoàn toàn không phải “không trống rỗng”, không có gì, cũng không phải là “không” đối với có, mà là “chân không diệu hữu”.
Vậy câu “chân không diệu hữu” ấy là gì ? Tôi xin lấy một ví dụ để các bạn rõ.
Trước mắt chúng ta có một ly nước, sau khi đun sôi nước biến thành hơi cạn hết, không còn thấy bóng dáng của nước nữa. Thế nhưng cũng không thể nói nước tiêu mất thành “không”, đến lúc hơi nước gặp lạnh lại trở thành “nước” như cũ.
Những vị hiểu về hóa học đều biết, nước là chất hóa hợp của Hydro và Oxy, nói một cách khác “nước” chẳng qua là chất hóa hợp tạm thời của Hydro và Oxy mà thôi. Nước sau khi trải qua điện giải bèn biến thành khí Hydro và khí Oxy. Theo đó mà suy thì vạn sự vạn vật trong vũ trụ không có một thứ gì không phải là nhân duyên tạm thời tụ hội mà thành, không có cái gì là vĩnh hằng bất biến. Nhân duyên hợp thì sinh, nhân duyên tan thì diệt, làm gì ở trong đó có “thần” sáng tạo vạn vật ? Làm gì có chuyện “vạn vật” được sáng tạo ra ?
7/ Phật pháp tùy theo căn cơ hoàn cảnh mà giáo hóa
Phật thuyết pháp cho chúng sinh là nhắm vào căn cơ khác nhau mà giảng giải, tùy theo chỗ khác nhau về thời gian, không gian mà lập giáo.
Phật vì đối tượng khác nhau mà giáo hóa cho nên mới có những giải thích khác nhau. Ví như đối với người trí tuệ cao, Phật có thể nói thẳng đạo lý để họ minh tâm kiến tánh, giác ngộ tức thời. Đối với người trí tuệ chậm lụt, Phật dạy họ những phương pháp tu hành từng bước để tiến tới quả vị Chính giác.
Lại đối với người đắm mê danh lợi, Phật bèn nói với họ “danh lợi đều là hư ảo”. Đối với người quan niệm tiêu cực, cho rằng đời sống không có ý nghĩa gì, sinh mạng hoàn toàn là hư vô không ảo, Phật nói với họ “thân người khó được, mạng sống rất quý, người ta có thể nhờ đó mà nỗ lực đạt đến hạnh phúc và an lạc”, để cổ vũ dũng khí và tín tâm của họ.
Cùng đạo lý ấy, do sự khác nhau của thời gian không gian, Phật bèn nói những thí dụ và thuyết minh khác nhau.
Ví như : Người Đài Bắc hỏi Phật rằng : “Đài Trung đi hướng nào ?”. Lời đáp của Phật là “về hướng Nam”. Nhưng đối với người ở Cao Hùng thì phải nói là “lên hướng Bắc”. Cũng thế, vì địa phương chỗ ở của chúng sinh khác nhau mà Phật nói có khác.
Phật pháp có ba tạng mười hai bộ với tám vạn bốn ngàn pháp môn (pháp môn là phương pháp tu hành). Những phương pháp tu hành ấy đều vì thích ứng với căn khí của chúng sinh, vì đối trị phiền não của chúng sinh mà chỉ bày.
Nếu như không có chúng sinh thì cũng không cần có Phật pháp. Phật pháp như “thuốc”, chúng sinh không có “bệnh” phiền não, thuốc cũng không còn cần thiết.
Phật pháp truyền nơi đời hơn hai ngàn rưởi năm, có thể thích ứng với thời đại khác nhau, đó chính là vì Phật pháp tùy theo căn cơ và hoàn cảnh mà giáo hóa. Phương pháp giáo dục này chính là một trong những điểm đặc sắc của Phật giáo.
8/ Phật pháp là nhập thế
Đạo lý mà Phật giáo giảng dạy, tuy mục đích cuối cùng là “xuất thế”, nhưng điều đó với tinh thần “nhập thế” không có gì là mâu thuẫn cả (cái gọi là “xuất thế gian” không phải là thoát ly, trốn tránh thế gian, mà là cải tạo thế gian, xây dựng lại thế giới).
Lục Tổ Huệ Năng nói : “Phật pháp tại thế gian, không lìa thế gian mà giác ngộ, nếu lìa thế gian mà tìm Bồ đề, cũng như tìm lông rùa sừng thỏ”. Chính là nói tu hành phải ở tại thế gian, giác ngộ cũng ở tại nơi thế gian. Những người có tâm hướng về Đạo, họ không thể chán bỏ thế giới, trốn tránh loài người trên thế giới này mà “độc thiện kỳ thân” tu thành chính quả. Bởi vì một người muốn thành Phật, người ấy ngoài việc có đầy đủ thông minh trí tuệ, vẫn phải có bi tâm thệ nguyện rộng lớn phổ độ chúng sinh. Cần phải có cả “bi” và “trí” song hành, đạt đến chỗ triệt để, viên mãn mới có thể thành Phật. Cho nên Phật giáo lấy tinh thần xuất thế để làm sự nghiệp nhập thế, từ lúc tu hành đến khi thành Phật, đã không có “nhập thế” cũng không có “xuất thế”, mà là thẳng một mạch tiến hành nơi thế gian này.
9/ Phật giáo không bài xích đạo khác
Phần lớn các tôn giáo trên thế giới đều chỉ thừa nhận giáo lý mà tôn giáo họ tin mới là chân lý duy nhất và ra sức bài xích giáo lý của tôn giáo khác là tà thuyết. Phật giáo thì cho rằng tất cả tôn giáo chỉ có sự khác nhau về giáo nghĩa sâu hay cạn, rất ít có sự sai biệt về tốt xấu tà chính. Bất kỳ tôn giáo nào đã tồn tại trên đời này 1000 năm trở lên, nhất định có lợi ích không nhiều thì ít, ngược lại thì tôn giáo ấy sẽ bị “trí tuệ” loài người ruồng bỏ, cho đến sẽ bị bão táp thời gian làm tiêu tan mất rồi.
Vấn đề là ở chỗ một số tôn giáo chỉ có thể đem lại cho người ta niềm an lạc tạm thời và ngắn ngủi, có một số tôn giáo thì đem lại cho người ta niềm hạnh phúc lâu dài và mãi mãi.
Phật pháp truyền nơi đời đã gần 3.000 năm, Phật giáo vẫn cùng với tôn giáo khác sống hòa bình với nhau. Trên lịch sử truyền giáo thì sự việc Phật giáo xung đột dẫn đến đổ máu với tôn giáo khác, từ xưa tới nay chưa từng có.
Vấn đề này chúng ta hãy xem qua lịch sử A Dục Vương của Ấn Độ (thế kỷ thứ 3 trước CN), do thấm nhuần tinh thần từ bi quảng đại của Đức Thích Ca Mâu Ni, qua một đoạn văn Di giáo của ông, được ông cho khắc trên bia đá hiện nay vẫn còn nguyên văn như sau : “Không thể chỉ tôn trọng tôn giáo của mình mà chê bai tôn giáo người khác. Phải như lý mà tôn trọng họ. Làm được như thế, không những giúp cho tôn giáo của mình trưởng thành, mà còn làm tròn nghĩa vụ đối với tôn giáo khác. Nếu làm ngược lại, thì không những đem tôn giáo của mình chôn vùi, mà còn làm tổn hại đến tôn giáo khác”.
“Nhân đó, hài hòa mới là tốt đẹp. Quý vị đều phải nên lưu tâm lắng nghe điều này, và hoan hỷ lắng nghe giáo lý của tôn giáo khác”.
Từ đoạn văn trên mà xét, tấm lòng khoan dung và thành ý ấy, chính là một di sản rất trân quý trong văn hóa của Phật giáo.
“Chân lý” đối với Phật giáo là không có giới hạn quốc gia, nó không phải là “nhãn hiệu” của tôn giáo nào cả. Nó cũng không thuộc về một tôn giáo nào, hoặc thuộc về cá nhân nào trong một thời đại nào. Cho nên chân lý mà Đức Phật nói, không phải riêng một cá nhân Ngài có, bởi vì Phật chẳng qua chỉ là một “người phát hiện chân lý” mà thôi. Cũng giống như Newton phát hiện ra “sức hấp dẫn của trái đất” vậy.
Nhân đó Phật giáo cho rằng hết thảy đạo lý hợp lý, vĩnh hằng bất biến đều là “Phật pháp”.
Câu “bạn nên yêu thương kẻ thù của bạn” tuy xuất phát từ Thánh kinh, nhưng Phật giáo thừa nhận không một chút nghi ngờ đó là chân lý tốt đẹp đáng trân trọng. (Tương đồng với “vô duyên đại từ” và “đồng thể đại bi” của Phật giáo).
Phật pháp giống như biển hồ mênh mông, nó có thể dung nạp hết thảy sông ngòi lớn nhỏ trên địa cầu. Cho nên trong kinh có câu “Hết thảy pháp đều là Phật pháp”.
10/ Phật giáo là dân chủ và tự do
Trong một số tôn giáo lời nói của giáo chủ là mệnh lệnh không được kháng cự, là chân lý không được phép hoài nghi. Ai không phục tùng hoặc tỏ thái độ hoài nghi thì sẽ bị trời, thần trừng phạt. Trong kinh điển của Phật giáo tuyệt đối không tìm đâu ra sự tức giận của Đức Phật cả, càng không thể có phương pháp xử phạt tàn khốc. Trong 49 năm giáo hóa của Đức Phật, các đệ tử chỉ thấy Ngài lúc nào cũng sắc diện tươi vui, tư cách hòa nhã, từ bi an lành. Ngài đối với người tốt cũng như vậy, đối với người hủy báng cũng như vậy.
Đức Phật đối với đạo lý mà mình nói ra, dứt khoát không cưỡng bức các đệ tử phải tiếp thụ, Ngài khuyến khích họ nên hoài nghi thưa hỏi. Mãi  cho đến 80 tuổi, lúc gần viên tịch nơi giữa hàng cây Sa la, Ngài vẫn giảng dạy và nhắc đi nhắc lại nếu các đệ tử còn thắc mắc nghi ngờ điều gì cứ hỏi.
Phật nói : “Nghi lớn thì ngộ lớn, nghi nhỏ thì ngộ nhỏ, không nghi thì sẽ không ngộ”.
Phật giáo cho phép và khuyến khích các tín đồ tự do hoài nghi thưa hỏi những đạo lý mà bản thân giáo chủ nói ra, tiến tới tinh thần nghiên cứu sâu xa hơn nữa. Quả là trên đời này hiếm có một tôn giáo nào lại dân chủ và tự do như thế.
Các bạn đọc thân mến, chân lý không nên cưỡng bách người khác tiếp thu. Chân lý chỉ có ở tiền đề của dân chủ, tự do, của suy nghĩ chín chắn mới thực sự hiển xuất tinh thần và giá trị của nó.
Mà trong các tôn giáo trên thế giới chỉ có giáo chủ và kinh điển của Phật giáo cho phép được hoài nghi, thảo luận và nghiên cứu.
Xin hoan nghinh các bạn học sinh đã có tinh thần nghiên cứu, có nhân cách độc lập, tự chủ, có trí thông minh để nghiên cứu Phật pháp. Cánh cửa rộng lớn của Phật giáo, mãi mãi mở rộng đối với các bạn.

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Thư mời viết bài hội thảo"Giáo dục Phật giáo VN"

Thứ ba, 21 Tháng 2 2012 10:34
chauhoaithai_kg
Thừa kế tinh thần giáo dục của đức Phật và chào mừng Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 – 7/11/2011), được sự cho phép của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương tổ chức hội thảo quốc gia về chủ đề “Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Định hướng và phát triển”, qua đó nhằm đánh giá về lịch sử và thực trạng Giáo dục Phật giáo Việt Nam; về mô hình, phương pháp và phương pháp luận giáo duc Phật giáo Việt Nam trong thời kì mới.
      GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM               Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
                 HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ                                           Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
BAN GIÁO DỤC TĂNG NI TRUNG ƯƠNG
VP: 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM
ĐT: (84.8) 94830080 – Fax: (84.8) 8469931
Số: 196/VT-HĐTS                                                        TP.HCM, ngày 07 tháng 6 năm 2011
THƯ MỜI VIẾT BÀI HỘI THẢO KHOA HỌC
“GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VIỆT NAM: ĐỊNH HƯỚNG VÀ PHÁT TRIỂN”
1. Chủ đề và mục đích của Hội thảo

“Trí tuệ là sự nghiệp” vừa là phương châm giáo dục vừa là mục tiêu giáo dục của đạo Phật. Trong ngữ cảnh đơn giản nhất, “trí tuệ” tạo nên kiến thức về phương pháp và phương pháp luận để giải quyết vấn đề trong mọi lãnh vực, là nền tảng dẫn đến thành tựu trong mọi sự nghiệp của người tại gia. Nếu hiểu trí tuệ là kết quả của đời sống đạo đức (giới) và chuyển hóa nội tâm (định) thì trí tuệ là sự nghiệp tâm linh và nhập thế của người xuất gia.
Quang cảnh cuộc họp Ban tổ chức Hội thảo Giáo dục
Kể từ ngày thành lập GHPGVN, Giáo dục Tăng Ni luôn được coi là Phật sự trọng đại trong mọi hoạt động của Giáo hội. Ban giáo dục Tăng Ni Trung ương đã định hướng và hỗ trợ phát triển giáo dục Phật giáo cho hàng chục ngàn Tăng Ni sinh tại 4 Học viện Phật giáo Việt Nam, 9 lớp Cao đẳng Phật học, 33 Trường Trung cấp Phật học và gần 100 lớp Sơ cấp Phật học trên toàn quốc. Hàng vạn Tăng Ni ra trường đã trở thành tu sĩ có trình độ Phật học và thế học vững vàng, đóng góp tích cực và có hiệu quả trong Phật sự hoằng pháp, góp phần phát triển đất nước và Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và toàn cầu hóa.

Thừa kế tinh thần giáo dục của đức Phật và chào mừng Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 – 7/11/2011), được sự cho phép của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương tổ chức hội thảo quốc gia về chủ đề  “Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Định hướng và phát triển”, qua đó nhằm đánh giá về lịch sử và thực trạng Giáo dục Phật giáo Việt Nam; về mô hình, phương pháp và phương pháp luận giáo duc Phật giáo Việt Nam trong thời kì mới.


2. Đối tượng và nội dung của Hội thảo


Hội thảo khoa học lần này dự kiến thỉnh mời khoảng 500 nhà giáo dục Phật học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về giáo dục, các nhà giáo… trên toàn quốc tham dự, nhằm chia sẻ các vấn đề quan tâm về giáo dục và giáo dục Phật giáo trong mối quan hệ với sự phát triển xã hội và Giáo hội, đào tạo nhân cách, định hướng nghề nghiệp, xây dựng tương lai của nhiều thế hệ.


Ban Tổ chức trân trọng kính mời …………………viết tham luận về 2 nhóm chủ đề như sau đây:


A) Nhóm chủ đề 1: Giáo dục Phật giáo: Bản chất và phạm vi ứng dụng


Giáo dục và giáo dục Phật giáo: Bản chất và giá trị.

Giáo dục Phật giáo: Phương pháp và tính đặc thù
Giáo dục Phật giáo đồng hành cùng dân tộc
Giáo dục Phật giáo với bảo vệ môi trường.
Giáo dục Phật giáo và phát triển bền vững.
Giáo dục Phật giáo: Định hướng tương lai.

B) Nhóm chủ đề 2: Hướng đến cải cách Giáo dục Phật giáo Việt Nam


Quản trị hành chánh tại các trường Phật học

Góp ý về chương trình Phật học của các cấp học
Bàn về chương trình ngoại điển cho các cấp học
Bàn về chương trình ngoại khóa của Tăng Ni sinh các cấp
Hoạt động xã hội của các Học viện và các trường Phật học

3. Thời gian tổ chức


-    Thời hạn nộp bài viết:  Hạn chót nhận bài là ngày 10/3/2012 (xin gửi qua email, hoặc đường Bưu điện đính kèm file văn bản).


-    Thời gian hội thảo: Thứ Ba và thứ Tư, 8-9 tháng 5 năm 2012 (cả ngày, bắt đầu lúc 8h00).


4. Địa điểm tổ chức

Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, Việt Nam).

5. Quy cách văn bản:

Sử dụng mã chữ Unicode, font: Times New Roman, cỡ chữ 12, cách dòng đơn, chừa lề tự động, dài không quá 9000 chữ. Tài liệu trích dẫn hoặc nguồn lưu trữ đặt ở cuối trang (dùng chế độ “Footnotes” tự động).

6. Ban tổ chức hội thảo:


Trưởng Ban Tổ chức:


- HT.TS. Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; Trưởng Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương; Viện trưởng HVPGVN tại Huế.


Phó ban Tổ chức:


- HT. Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Phó Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương; Phó viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM

- HT. Thích Giác Quang, UV Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Ban Giáo dục Tăng Ni TƯ
- HT. Thích Đức Thanh, UV Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Ban Giáo dục Tăng Ni TƯ
- HT. Thích Minh Thông, Phó Ban Giáo dục Tăng Ni TƯ
- HT. Tăng Nô, UV. Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Ban Giáo dục Tăng Ni TƯ
- TT.TS. Thích Thanh Đạt, Phó Ban Giáo dục Tăng Ni TƯ
- TT.TS. Thích Thanh Quyết, Phó Ban Giáo dục Tăng Ni TƯ (Thường trực BTC Hội thảo).

Ban thư ký:


- TT.TS. Thích Nguyên Thành, Thư ký Ban Giáo dục Tăng Ni TW (ĐT: 0947730468).

- TT.TS. Thích Phước Đạt, Thư ký Ban Giáo dục Tăng Ni TW (ĐT: 0918546276).
- TT.TS. Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM (ĐT: 0908153160).
- TT.TS. Thích Nguyên Đạt, Phó Viện trưởng HVPGVN tại Huế (ĐT: 0906544826).
- TT. Ths. KTS. Danh Lung, Thư ký Học viện Phật giáo Khmer (ĐT: 0919558697).
- C.S. Lương Gia Tĩnh, Thư ký HVPGVN tại Hà Nội (ĐT: 0913009456).

7. Địa chỉ liên hệ chính: Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội (Sóc Sơn, Hà Nội)


- Địa chỉ: Văn phòng Tạp chí Khuông Việt, Chùa Phúc Khánh, 382 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam. Điện thoại: (04)-35639126

- Email:   gdpgvn@yahoo.com
- Thông tin: Thông tin về hội thảo, tham luận được đăng tải tại các websites:

a) Báo Giác Ngộ: www.giacngo.com

b) HVPGVN tại Hà Nội: www.hvpgvn.edu.vn
c) HVPGVN tại Huế: www.hocvienpghue.edu.vn
d) HVPGVN tại TP.HCM: www.vbu.edu.vn
e) Đạo Phật Ngày Nay: www.daophatngaynay.com
f) Phật Tử Việt Nam: www.phattuvietnam.net

Rất mong được sự hoan hỷ của quý vị.
TM. BAN TỔ CHỨC HỘI THẢO
Trưởng ban

HT.TS. Thích Chơn Thiện
Ban Giáo dục Tăng ni TW. GHPGVN


Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Chuyện vị tổ sư nổi tiếng Phật giáo

02-03-2012
Là vị luận sư nổi danh trong lịch sử Phật giáo, được ghi nhận như là lần chuyển pháp luân thứ 2 của tôn giáo này, cho tới tận ngày nay, Long Thụ Bồ tát vẫn được người đời truyền tụng nhau những câu chuyện đẫm chất truyền kỳ trong cuộc đời tu hành và hoằng dương Phật pháp của ông…
1. Cho tới nay, không có bất cứ tư liệu nào được coi là chính xác về thân thế và cuộc đời của tổ sư Long Thụ. Hầu hết những tư liệu có ghi chép về Long Thụ đều là những truyền thuyết được biến tấu cho phù hợp với tư tưởng và giáo lý của tác giả soạn sách.
Tuy nhiên, về đại thể, qua những truyền thuyết này, người ta vẫn có thể tìm thấy những nét chung nhất về cuộc đời của vị luận sư nổi danh nay.


Long Thụ, tiếng Phạn gọi là Nagajuna sinh ra trong một gia đình Bà la môn vào khoảng đầu thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên ở vương quốc Vidarbha, miền Nam Ấn Độ, ngày nay là vùng Maharashatra và Andhra Pradesh. Ngay từ khi Long Thụ  mới sinh ra, một vị tiên tri đã đoán rằng ông chỉ có thể sống được trong 7 ngày.

Nhưng nếu cha mẹ của Long Thụ cúng dường đủ cho một trăm vị sa môn thì Long Thụ có thể sống tới năm lên 7. Lo sợ cho sự sống của Long Thụ, nên khi ông được 7 tuổi, cha mẹ của Long Thụ đã đưa ông tới Đại học tu viện Na Lan Đà ở miền Bắc Ấn Độ. Đây là nơi Long Thụ gặp được vị đại sư Phật giáo Saraha.

Vừa nhìn thấy Long Thụ, Saraha đã nói rằng, nếu như Long Thụ đồng ý xuất gia và kiên trì tụng niệm mật ngôn A Di Đà thì không những ông có thể vượt qua được kiếp nạn mà còn có thể sống trường thọ. Cha mẹ Long Thụ muốn cho con mình được sống nên đồng ý để Long Thụ cạo đầu xuất gia theo Saraha ngày ngày tụng niệm kinh Phật.

Tại tu viện Na Lan Đà, Long Thụ nhận pháp danh là Shrimanta và theo học rất nhiều thứ, từ kinh điển hiển giáo và mật điển tantra với Ratnamati, một hóa thân của Văn Thù Sư Lợi và Saraha.

Ngoài ra, trong thời gian này, Long Thụ cũng học thuật giả kim với một vị đạo sư Bà là môn. Nhờ sự thông minh và cần cù, chỉ ít năm sau đó, Long Thụ đã có thể đạt tới khả năng biến sắt thành vàng. Chính nhờ khả năng này, Long Thụ có thể nuôi dưỡng những tu sĩ của tu viện Na Lan Đà trong nạn đói.

Cuối cùng, sau nhiều năm tu dưỡng, Long Thụ đã trở thành viện trưởng của tu viện Na Lan Đà. Vào thời gian này, Long Thụ đã đuổi tới hơn 8.000 tu sĩ, những người không giữ gìn giới luật của những người xuất gia một cách thích đáng.

Với tư cách viện trưởng tu viện Na Lan Đà và khả năng biện luận đầy sự thuyết phục, Long Thụ đã đánh bại hơn 500 những luận sư của các giáo phái khác tới Na Lan Đà tìm ngài tranh luận.
Long Thụ, vị luận sư nổi tiếng nhất trong lịch sử Phật giáo
2. Truyền thuyết kể rằng, một lần có hai người thanh niên trẻ tuổi, khôi ngô tuấn tú tìm đến Na Lan Đà. Thực chất, họ là hóa thân của các hoàng tử, con của long vương. Khi họ bước vào cổng tu viện Na Lan Đà, từ họ tỏa ra một thứ hương thơm tự nhiên còn thơm hơn cả trầm hương mà người ta thường đốt trong điện.
Hai người thanh niên nọ gây được sự chú ý của Long Thụ. Ông cho gọi họ tới trước mặt mình và hỏi, họ làm cách nào để từ người tỏa ra được hương thơm độc đáo như thế. Trước mặt vị viện trưởng đáng kính của mình, hai vị hoàng tử của long vương đã thú nhận tất cả về thân phận của mình.

Long Thụ nghe hai người hoàng tử con long vương nói xong, mừng lắm. Ông đề nghị hai hoàng tử tạo ra tinh dầu trầm hương giống như mùi thơm trên cơ thể họ cho bức tượng của nữ bồ tát Tara đồng thời nhờ họ dùng khả năng siêu phàm của mình để giúp đỡ công việc dựng các chùa chiền vốn tốn rất nhiều công sức và tiền bạc khi đó.

Hai vị hoàng tử băn khoăn mang theo lời đề nghị của Long Thụ trở về thế giới rồng và nói với cha của họ. Tuy nhiên, long vương nói rằng ông ta chỉ đồng ý giúp đỡ khi Long Thụ đích thân xuống thế giới của họ dưới biển để giảng dạy về Phật pháp cho họ.

Để có thể cứu độ chúng sinh trên dương gian và hoằng dương Phật pháp, Long Thụ đã nhận lời. Một mình ông lặn lội xuống thế giới của loài rồng dưới đáy biển tiến hành nhiều lễ cúng dường và giảng dạy cho loài rồng.


Trước khi xuống thế giới của loài rồng, Long Thụ biết rằng, loài rồng có  một bộ kinh tên là “Một trăm nghìn bài kệ Bát Nhã Ba La Mật Đa” vì vậy khi xuống và gặp long vương, Long Thụ đã xin long vương cho ông một bản.

Theo truyền thuyết thì khi đức Phật Thích Ca Mầu Ni thuyết giảng về kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, loài rồng đã đem bộ kinh này về long cung để bảo quản.

Ngoài long cung thì chư thiên và những chúa quỷ dạ xoa cũng giữ một bản khác của bộ kinh này. Sau nhiều lần thuyết phục, long vương cuối cùng cũng đã đồng ý để Long Thụ mang bộ kinh mà họ lưu giữ suốt nhiều trăm năm về dương gian.


Mặc dù vậy, long vương vẫn bí mật giữ lại hai chương cuối cùng của cuốn sách để đảm bảo rằng Long Thụ sẽ quay trở lại một lần nữa để tiếp tục giảng giải cho họ về Phật pháp. Khi trở về, Long Thụ cũng được long vương cho đem theo rất nhiều đất sét của loài rồng, giúp ông có thể xây dựng rất nhiều chùa chiền và tháp miếu một cách dễ ràng.

Một lần khi Long Thụ đang giảng dạy kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa thì bỗng nhiên xuất hiện 6 con rồng lớn. Chúng lượn vòng vòng trên bầu trời, nơi Long Thụ đang ngồi rồi tụ lại với nhau, hình thành một cái lộng, che chở cho Long Thụ khỏi ánh nắng mặt trời. Chính vì thế, người đương thời gọi ông là Long – Naga.

Và do khả năng biện luận cực kỳ sắc sảo của ông trong việc giảng dạy Phật pháp, giúp cho những người nghe nắm ngay được trọng tâm của vấn đề giống như những mũi tên bắn ra là trúng đích của Arjuna, một cung thủ nổi tiếng thời cổ đại của Ấn Độ, người ta bắt đầu gọi ông là Arjuna. Chính vì thế, từ đó, người ta gọi ông là Nagarjuna hay còn gọi là Long Thụ.


Dẫu ai cũng biết rằng, câu chuyện về Long Thụ và loài rồng chỉ là một truyền thuyết không hơn không kém, song người ta vẫn tin đó là sự thực. Bằng chứng là, trong những hình ảnh mà các tín đồ Phật giáo tưởng tượng về vị bồ tát Long Thụ, vầng hào quang trên đỉnh đầu của ông thường xuất hiện những con rắn, con vật mà người ta cho là hóa thân của loài rồng.

3.
Một truyền thuyết khác nói rằng, sau khi rời khỏi long cung, Long Thọ đi lên miền Bắc Hải đảo (Bắc Lục địa) để giảng dạy Phật pháp. Trên đường, Long Thụ đã gặp một số trẻ con đang nô đùa trên đường.
Ngài tiên tri rằng một đứa trong chúng, tên là Jataka, sẽ trở thành một vị vua tên là Udayibhadra. Khi Long Thọ trở lại từ Bắc Hải đảo, cậu bé trong thực tế đã trưởng thành và trở thành vị vua của một vương quốc rộng lớn ở Nam Ấn.

Tuy nhiên, khi đó, vị vua này không hề coi trọng Phật giáo, khiến trong nước ngoại đạo rất thịnh hành. Long Thọ quyết định ở lại quốc gia này để hoằng dương Phật pháp, giáo hóa nhân dân tại đất nước này.

Một hôm, quốc vương cho gọi Long Thụ vào hỏi: “Ông là ai?” Long Thụ đáp: “Tôi là một người thể biết tất cả”. Quốc vương Udayibahadar nghe xong rất lấy làm kinh ngạc: “Người lại dám nói như thế à! Một kẻ có thể biết tất cả mọi điều đứng trước mặt ta?” Long Thụ nói: “Tôi không phải nói bừa. Nếu như ngài muốn biết bản lĩnh của tôi chỉ cần chúng ta tranh luận một chút thì biết ngay thôi”.

Quốc vương nghĩ rằng: “Nếu như ta thắng thì cũng chẳng có gì là vẻ vang vì dù sao ta cũng là quốc vương, còn nếu như thua thì thật xấu mặt…” Vì vậy, quốc vương suy nghĩ hồi lâu rồi hỏi: “Hiện tại, trời đang làm gì?”.
Tượng đại sư Long Thụ
Long Thụ không chần chừ lâu, đáp ngay: “Hiện tại trời đang đánh nhau với A tu la!”. Trời có đánh nhau hay không thì quả thực chỉ có trời mới biết được. Ngay từ câu đầu tiên, quốc vương đã không còn biết phải nói sao nữa, cứ ú ớ liên hồi.

Lúc này, Long Thụ mới nói: “Tôi không nói bậy, hãy đợi một lát tôi có thể chứng minh cho ngài xem”.

Long Thụ vừa nói xong thì bỗng nhiên từ trên trời vọng xuống tiếng binh khí va chạm khiến những người có mặt đinh tai nhức óc. Lúc này, quốc vương mới chịu thua trí tuệ của Long Thụ, từ đó giữ ông ở lại bên mình, phong làm Đại hộ pháp.


Chuyện kể rằng, quốc vương Udayibhadra có một người con trai tên là Kumara Shaktiman, người muốn trở thành vua. Mẹ ông ta nói với ông rằng ông ta sẽ chẳng bao giờ có thể lên ngôi cho đến khi Long Thọ chết, vì Long Thọ và quốc vương Udayibhadra có cùng tuổi thọ.
Mẹ ông ta nói hãy thỉnh cầu Long Thọ cho thủ cấp của ông ta và vì Long Thọ là người rất từ bi và ông ta sẽ không bao giờ từ chối lời thỉnh cầu. Long Thọ thật sự đã đồng ý, nhưng Kumara không thể cắt đầu của ông bằng một thanh gươm.
Long Thọ nói rằng trong tiền kiếp, ông đã từng giết hại một con kiến trong khi cắt cỏ. Như một kết quả nghiệp báo, đầu của ông chỉ có thể cắt rời với lá của cỏ kusha. Kumara làm như thế và Long Thọ lìa đời.  


Máu từ cái đầu bị cắt đứt biến thành sữa và thủ cấp nói: “Bây giờ ta sẽ đi đến Cực Lạc Tịnh Độ, nhưng ta sẽ nhập vào thân thể này lần nữa”.

Kumara đưa thủ cấp xa khỏi thân thể để Long Thụ không thể nhập lại thân thể nhưng cứ mỗi năm, thủ cấp và thân thể của Long Thụ lại tiến đến gần nhau hơn một chút. Khi chúng hợp lại, Long Thọ sẽ trở lại và giảng dạy lần nữa. Theo truyền thuyết, Long Thọ đã sống sáu trăm năm.

                                           
Theo Bằng Hư - PNTD

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Nỗi ân hận của nàng dâu giết mẹ chồng


Thứ Năm, 08/03/2012, 02:40 PM (GMT+7)
Khi bị chửi rủa và đánh đập, cô con dâu uất ức dùng dao nhọn, chày gỗ giết chết mẹ chồng.
Gặp phạm nhân Nguyễn Thị Bích (SN 1983, ở Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La) ở trại giam Xuân Nguyên - Hải Phòng, tôi không khỏi chạnh lòng buồn về câu chuyện của người đàn bà tội lỗi ấy. Những kham khổ nơi trại giam không làm mất đi vẻ mặn mà của cô gái miền sơn cước thủa nào.
Chúng tôi mở đầu buổi trò chuyện bằng những câu chuyện về con cái. Nhắc đến con, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi ra từ đôi mắt u buồn của Bích: “Em sai lầm, em chịu. Nhưng chỉ thấy ân hận nhất là làm khổ con em…”
Bích kể, với cô, con cái là tất cả sự sống. Ở quê nơi cô sinh ra, các bà mẹ thường bận bịu và ít có điều kiện chăm chút cho con cái. Nhưng với cô thì khác, Bích đặc biệt chăm chút đến cái ăn, cái mặc cho con. Tất cả các đồ ăn của con, cô đều tự tay làm. Còn quần áo của con, ngoài việc “tích cực xin” của các chị lớn, mỗi lần đi chợ, Bích đều bớt lại một, hai nghìn đồng đợi đến lúc tiết trời giao mùa, cô sẽ vào phiên chợ mua thêm một vài cái dày dặn để đến khi trời rét cắt da cắt thịt còn mặc cho con gái. Cho rằng con dâu chi tiêu hoang phí, không biết tiết kiệm, “sĩ diện không phải lối”, mẹ chồng cô đã không tiếc lời nhiếc móc, sỉ vả cô.
Về làm dâu bà Nguyễn Thị Thoan (SN 1930), biết tính mẹ chồng cay nghiệt, Bích nhất mực im lặng, nhẫn nhịn chịu đựng. Bích lấy con trai bà Thoan khi đã gần 20 tuổi, cái tuổi mà ở quê Bích đã được liệt vào “hàng ế”. Hơn nữa, cuộc tình giữa Bích và con trai bà Thoan có phần chóng vánh, từ lúc quen biết, yêu đương đến khi cưới, chỉ vỏn vẹn chưa đầy ba tháng. Bởi thế nên bà Thoan luôn cho rằng Bích đã “bỏ bùa” con trai bà để có tấm chồng. Bà Thoan lấy đó làm ấm ức trong lòng.
Từ ngày Bích về làm dâu, thấy con trai vui cười hớn hở, bà Thoan càng thấy con trai mình “ngu, bị ăn quả lừa”. Đã thế, thấy nhà Bích toàn chị em gái, bà Thoan lo sợ con dâu có “gen” đẻ con gái, sẽ chẳng ai chống gậy khi con trai bà mất… Những tức tối, ấm ức cứ âm ỉ trong lòng bà Thoan, để rồi khi có cớ, bà dồn cả lên Bích.
Nhà có cửa hàng kinh doanh nhỏ ở mặt đường thị trấn nên chuyện ruộng nương bà Thoan không màng đến, bà để cho họ hàng gieo trồng trên nương rẫy của bà. Để vừa lòng mẹ chồng, Bích bỏ cả làm ở xưởng may ở gần nhà để ngày ngày vất vả cực nhọc với nương với rẫy.
Tất cả những gì Bích làm đều không vừa lòng mẹ chồng cay nghiệt. Bích làm việc vất vả, cực nhọc từ lúc những giọt sương còn chưa tan trên những ngọn ngồng cải cho đến khi trời nhá nhem tối mới về mà mẹ chồng vẫn không hài lòng. Bà Thoan bắt Bích không những chăm lo nương rẫy mà chuyện nhà cửa, bếp núc, cô cũng phải quán xuyến. Hễ Bích làm không vừa ý việc gì lập tức, bà không tiếc lời mắng mỏ, chì chiết, đay nghiến rồi bà quay sang nhiếc móc nhà thông gia không biết dạy dỗ con cái.
Đỉnh điểm, khoảng 15h ngày 9/6/2006, khi Bích vừa xuống bếp thì lập tức bị bà Thoan chửi như té nước vào mặt mà cô không rõ lí do vì sao. Muốn làm dịu cơn bực tức của mẹ chồng, Bích nhẹ nhàng: “Con sai, có gì mẹ từ từ dạy bảo”. Lời nói thiện chí bỗng chốc biến thành sự đối đầu, bà Thoan bắt đầu như phát điên. Bao nhiêu từ ngữ “hay ho”, “đẹp đẽ” ở ngoài chợ bắt đầu được bà tuôn ra.
Mắng chửi té tát vào mặt con dâu dường còn chưa hả dạ, bà sấn sổ xông tới vơ lấy cái chổi dựng ở góc nhà, xoay ngược phần cán chổi lại rồi dùng hết sức lực còn lại quật túi bụi vào người con dâu. Vừa đánh, bà vừa chửi bới ầm ĩ cả tiểu khu: “Mày ăn gan hùm phải không? Đây là chỗ để mày lên tiếng phải không? Đồ mất dạy này…, mất nết này… Mày đừng tưởng mày bước vào cái nhà này rồi là mày có thể cắm rễ được ở đó, làm ma nhà tao! Tao có thể tống cổ mày ra khỏi nhà bất cứ lúc nào! Đồ không có người dạy…”. Rồi bà quay sang chửi gia đình thông gia là không biết đẻ, không biết dạy con, chỉ biết xúi bẩy con gái về nhà chồng “bòn mót”…
Nghe mẹ chồng sỉ vả từng lời cay nghiệt xúc phạm bố mẹ mình, không kìm chế được bản thân, Bích đã vùng dậy cầm cầm con dao nhọn đâm vào người bà Thoan. Trong lúc giằng co, cả hai cùng bị ngã xuống sàn. Nhìn thấy chiếc chày gỗ, cô cầm lên đập nhiều nhát vào người mẹ chồng. Sau đó, dù được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng bà Thoan đã tử vong, còn Bích bị kết án chung thân.
Nỗi ân hận muộn màng
Từ ngày Bích bị bắt giam đến ngày Bích phải hầu Tòa, chịu án, người chồng mà cô từng đầu gối tay ấp chưa một lần đến thăm cô. Nhắc đến chồng, người đàn bà miền sơn cước cố giấu đi nét buồn u uất. Bích bảo, cô hiểu được nỗi khổ tâm của người chồng và cũng không trách móc gì anh. Nhưng dường như trong ánh mắt của Bích, chút gì đó vẫn như hy vọng, đợi chờ. Chồng không thăm nom, đến đứa con Bích rứt ruột đẻ ra Bích cũng không được gặp. Với Bích, đây là sự trả giá đắt nhất.
Sau hai năm trong trại, Bích nhận được đơn li dị của chồng. “Qua những cuộc điện thoại với gia đình, em biết anh đã lấy vợ và có con. Như thế cũng tốt, nếu không em còn khổ tâm nữa. Anh không vào thăm em, em lại thấy may vì em sợ phải đối diện với anh, với con, vì tội lỗi mình gây ra quá lớn. Em chỉ hy vọng, chị ấy đối xử với con em như con đẻ thôi. Thế là em mãn nguyện rồi”- Bích cười buồn.
Nữ phạm nhân có làn da mịn màng tiếp tục câu chuyện: “Giờ mọi chuyện đã qua, em không muốn nhắc lại nữa. Chỉ thấy mình quá nông nổi, không nghĩ đến hậu quả. Giá như ngày đó, em đừng mải chơi, bỏ học từ năm lớp 8 mà nghe lời bố mẹ và các chị cố gắng học có lẽ em sẽ có hiểu biết hơn, suy nghĩ chín chắn hơn không hành động dại dột để bố mẹ em lại phải khổ. Em có tội với gia đình em, với con em…”
Bích im lặng để nén những cảm xúc đang dâng trào. Tôi chẳng mở lời, để mặc cho Bích được thổn thức với chính mình. Khi cảm xúc qua đi, Bích tâm sự: “Em có nhiều điều ước lắm, ước cho bố mẹ được khỏe mạnh, con ngoan, học giỏi, không phải chịu sự ghẻ lạnh của người mẹ kế, ước mình đủ ý chí và nghị lực để “trả nợ” và sớm trở về với con…”.
Dù thân mang tội giết người, nhưng thẳm sâu trong người đàn bà tội lỗi ấy vẫn thường trực nỗi lòng đau đáu về con. Và tôi tin, Bích đủ ý chí, nghị lực để “trả nợ”, để sớm được trở về với đứa con bé nhỏ của Bích.

Thầy dâm ô: Im lặng sẽ được điểm cao!

Thứ Hai, 05/03/2012, 01:35 PM (GMT+7)
Giờ thể dục, Phong nói với M vào nhà vệ sinh nam để “thầy nắn lại khớp chân”, M không nghi ngờ nên đi theo.
An ninh hình sự cập nhật liên tục tất cả các ngày trong tuần
Ngày 4/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Mai Thanh Phong, 21 tuổi, là giáo viên môn thể dục Trường tiểu học B Núi Sam (thị xã Châu Đốc – An Giang) về hành vi “hiếp dâm trẻ em” và “dâm ô với trẻ em”.
Bệnh hoạn
Kết quả điều tra ban đầu xác định, trong thời gian công tác tại trường tiểu học B Núi Sam, Phong đã lạm dụng quyền hạn, dụ dỗ nhiều học sinh vào nhà vệ sinh để thỏa mãn dục vọng đê hèn. Sau khi nghe các em kể lại, phụ huynh đã đến trụ sở Công an tố cáo hành vi đồi bại của Mai Thanh Phong.

Em N.T.D.M, học sinh lớp 5, trường tiểu học B Núi Sam trình bày với cơ quan điều tra, khoảng 14h30’ ngày 1/11/2011, trong lúc đang học thể dục không may chân em bị trật khớp. Thấy vậy, Phong nói em vào nhà vệ sinh nam để “thầy nắn lại khớp chân”, M không nghi ngờ gì mà đi theo. Khi em vừa vào bên trong thì Phong lập tức chốt cửa lại, thay vì “nắn khớp chân” cho em, Phong đã bắt em ngồi lên bồn cầu rồi thực hiện hành vi sờ soạng. Thấy thầy Phong có hành vi không đàng hoàng, M nói: “Thầy làm gì kỳ vậy”, rồi mở cửa chạy ra ngoài. Sợ bị cô bé kể chuyện cho các bạn nghe nên cuối buổi học Phong tìm gặp M và dặn đừng nói chuyện này cho ai biết.
Chiều ngày hôm sau (2/11), đang trong giờ học Phong tiếp tục gọi em Đ.T.T.N, học sinh lớp 4B vào nhà vệ sinh nam gặp thầy... có công chuyện. Tưởng thật, em N vừa vào lọt nhà vệ sinh thì Phong đóng sầm cửa lại rồi bắt em ngồi lên bồn cầu để thực hiện hành vi dâm ô. Thỏa mãn xong thú tính, Phong cho em mặc quần rồi tiếp tục vào lớp học. Cuối giờ học, Phong không quên dặn dò N đừng nói cho ai biết và hứa cuối năm sẽ cho em đạt loại xuất sắc môn thể dục.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 10/2010 đến tháng 11/2011, ngoài hai trường hợp kể trên, Phong còn dùng thủ đoạn tương tự để dâm ô hai học sinh tiểu học khác là em V.H.T, T.Y.N (đều SN 2002). Riêng em N đã bị Phong dụ dỗ vào nhà vệ sinh để thỏa mãn dục vọng hai lần.

Phụ huynh hoang mang

Bà X, phụ huynh học sinh em Đ.T.T.N cho hay, khi nghe phong thanh về sự việc động trời trên, nhiều phụ huynh đã phản ánh lên Ban giám hiệu trường tiểu học B Núi Sam, thế nhưng vụ việc sau đó vẫn tiếp tục xảy ra. Bà X cho biết, rất hoang mang trước sự việc, nhất là khi con gái bà, em N đã bị thầy giáo lừa xâm hại hai lần.
Ngay sau khi nhận được đơn tố cáo, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra và lệnh bắt khẩn cấp “yêu râu xanh” Mai Thanh Phong đưa về trụ sở lấy lời khai.
Tại cơ quan điều tra, Mai Thanh Phong đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Phong khai, từ tháng 10/2010 đến tháng 11/2011, Phong đã lừa 4 em học sinh trong lớp Phong dạy vào nhà vệ sinh nam, sau đó bắt các em cởi bỏ quần để “dâm ô”. Sau mỗi lần như thế Phong đều dặn các em đừng nói cho ai biết, đồng thời hứa sẽ cho các em đạt loại học sinh xuất sắc môn thể dục vào cuối năm học.
Xét thấy hành vi của Mai Thanh Phong là nguy hiểm, phạm tội có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Châu Đốc đã chuyển toàn bộ hồ sơ cùng đối tượng cho Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trât tự xã hội (PC45), Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Mười phương thức chánh niệm khi tham gia các mạng xã hội

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển như vũ bảo của công nghệ thông tin, sự phổ biến của phương tiện truyền thông internet, các trang mang xã hội, nơi giao lưu, chia sẻ của mọi người, nhất là giới trẻ, ngày càng nở rộ. Trong đó, phổ biến và nổi tiếng nhất là trang Facebook và trang Twitter, gần đây xuất hiện thêm trang Google Plus (Google +). Đấy là chưa kể đến các diễn đàn, các trang mạng xã hội chỉ đơn thuần chia sẻ về hình ảnh, hoặc video clip, và các trang blog cá nhân... Nói chung, các trang mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người chia sẻ những tâm tư, tình cảm, cập nhật những thông tin sinh hoạt của cá nhân, chia sẻ hình ảnh, video, kiến thức, quan điểm… đến với bạn bè, người thân và nhiều người khác thông qua mạng lưới liên kết tuyệt vời do các nhà mạng cung cấp. Nhờ các trang mạng xã hội mà nhiều người tìm được niềm vui trong cuộc sống, tìm được bạn bè, thậm chí là tìm được người bạn đời, hoặc người tri âm tri kỷ cho mình… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít người gánh chịu phiền lụy khi tham gia các trang mạng xã hội, hoặc là giết hầu hết thời gian trong ngày của cá nhân vào các trang mạng xã hội để rồi bỏ bê công việc, không hoàn thành trách nhiệm, hoặc có người buồn khổ, sầu bi vì những vấn đề ở trên mạng xã hội… Thậm chí có người sử dụng các trang mạng xã hội để phát tán những tài liệu, những thông tin, hình ảnh không lành mạnh. Có thể nói, các trang mạng xã hội như là một con dao hai lưỡi, nếu sử dụng đúng cách thì nó sẽ đem lại lợi ích rất là nhiều, nếu không biết sử dụng thì nó cũng gây hại không ít. Để nâng cao hiệu quả và phát huy tính tích cực, thế mạnh khi sử dụng, tham gia các trang mạng xã hội. Lori Deschene, người sáng lập trang web Tinybuddha.com và cũng là chủ sở hữu của tài khoản @TinyBuddha trên trang Twitter đã đưa ra mười phương thức để sử dụng các trang mạng xã hội một cách có chánh niệm. Sau đây là nội dung của mười phương thức ấy:
1. Tự biết những chủ ý của mình
Có bảy yếu tố tâm lý mà chúng ta cần phải luôn ghi nhớ trong lòng khi chúng ta đăng nhập vào các trang mạng xã hội, đó là sự hàm ơn, chú ý, tán thành, đánh giá đúng, ca ngợi, tự tin và quán xét toàn diện. Trước khi chúng ta đăng tải thông tin gì đó lên mạng, chúng ta phải tự hỏi chính mình: Có phải mình đang muốn được mọi người biết đến, đang muốn mọi người thừa nhận? Có phải là có nhiều thứ hơn nữa mà mình có thể làm để đạt được nhu cầu đó?
 2. Hãy thể hiện một cách trung thực về bản thân
Trong thời đại của sự quảng bá thương hiệu cá nhân này, hầu hết chúng ta đều có một vị thế mà chúng ta muốn phát triển hoặc duy trì. Những thông tin đăng tải có chịu sự thúc đẩy của tự ngã thường nhắm vào một vấn đề gì đó; tính trung thực thì xuất phát từ trái tim. Hãy bàn về những điều thực sự quan trọng với bạn. Nếu bạn cần lời khuyên hoặc hỗ trợ thì mạnh dạn nêu lên. Chúng ta sẽ dễ dàng thể hiện bản thân hơn khi chúng ta trung thực với chính mình.
3. Tự hỏi chính mình trước khi đăng thông tin
Nếu bạn dự định đăng tải gì đó, bạn phải luôn tự hỏi: Nó có đúng không? Nó có cần thiết không? Nó có phù hợp không?
Đôi khi chúng ta đăng tải những tư tưởng mà chúng ta không hề nghĩ đến vấn đề là liệu những tư tưởng ấy có thể tác động đến toàn bộ khán, thính, độc giả của mình như thế nào. Chúng ta dễ dàng quên đi số lượng bạn bè đang đọc những thông tin đăng tải của mình. Hai trăm người có thể trở thành một đám đông khi họ hiện diện bằng xương bằng thịt, nhưng trên mạng internet thì con số ấy dường như không đáng kể. Cho nên trước khi bạn chia sẻ, hãy tự hỏi: Thứ mình chia sẻ đây có thể gây hại cho ai không?
4. Thỉnh thoảng đăng tải những thông tin về lòng tốt.
Tôi thương tự hỏi khi tôi đăng nhập vào mạng Twitter: "Hôm nay tôi có thể làm gì để giúp đỡ hay hỗ trợ các bạn?”. Sử dụng các trang mạng xã hội là một cách đơn giản để bạn tặng mà không mong đợi đáp trả lại điều gì cả. Thông qua cách tiếp cận để giúp đỡ một người lạ, bạn tạo ra khả năng kết nối mang tính cá nhân với những người đang theo dõi mà bạn có, nếu không thì bạn chỉ biết một cách sơ sài.
5. Trải nghiêm bây giờ, về sau mới chia sẻ
Có một tình trạng phổ biến là mọi người chụp ảnh với điện thoại cá nhân và tải nó lên Facebook hoặc gửi email cho một người bạn liền sau đó. Điều này khiến cho sự trải nghiệm tại một thời điểm của cá nhân và sự chia sẻ chồng chéo lên nhau. Việc làm này còn giảm thiểu sự thân mật, bởi vì toàn bộ những người theo dõi bạn tham gia vào những cuộc hẹn hoặc những cuộc hội ngộ của bạn trong thời gian thực. Như việc chúng ta muốn giảm thiểu các đoạn độc thoại trong tâm để chúng ta tiếp xúc trọn vẹn với thực tại hiện tiền, chúng ta cũng có thể làm tương tự với sự tường thuật bằng các thiết bị kỹ thuật số của mình.
6. Năng động nhưng không phản ứng lại
Bạn có thể nhận email cập nhật thông tin bất cứ khi nào có hoạt động diễn ra trên một trong những tài khoản của bạn ở trên các trang mạng xã hội, hoặc bạn có thể thiết lập cho điện thoại di động của bạn cung cấp cho bạn những lời thông báo. Điều này buộc bạn phải dành nhiều thời gian để phản hồi trở lại trong suốt cả ngày, dù cho bạn có muốn hay không. Có một cách tiếp cận khác là chúng ta chọn thời điểm để gia cuộc đàm luận, và sử dụng thời gian lúc mình không đăng nhập vào các trang mạng xã hội để lựa chọn những giá trị mà ta có thể đem đến cho mọi người.
7. Hãy phản hồi với tất cả sự chú tâm
Mọi người thường chia sẻ những đường liên kết mà không thực sự đọc những thông tin đó, hoặc đưa ra những lời bàn về các thông tin đăng tải khi họ chỉ nhìn lướt qua chúng. Nếu món quà lớn nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho một ai đó là sự chú ý của mình, thì các trang mạng xã hội cho phép chúng ta trở thành một người vô cùng tốt bụng. Chúng ta có thể không đủ sức để phản hồi lại tất cả mọi người, nhưng hãy phản hồi một cách cẩn trọng để có thể tạo ra sự khác biệt.
8. Hạn chế sử dụng mạng xã hội thông qua các thiết bị điện tử di động
Trong năm 2009, Trung tâm nghiên cứu Pew phát hiện ra rằng, có 43% người dùng điện thoại di động truy cập vào mạng lưới internet trên thiết bị của họ nhiều lần trong ngày. Đó là điều mà cựu nhân viên Microsoft, Linda, đã nói đến như là “sự chú tâm khoái chí liên tục” - khi bạn thường xuyên đăng nhập vào các mạng xã hội để chắc chắn rằng bạn không bỏ lỡ bất cứ điều gì. Nếu bạn quyết định hạn chế truy cập internet thông qua điện thoại di động, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội trực tuyến (online), nhưng bạn sẽ không bỏ lỡ những thứ phía trước bạn.
9. Tập bỏ qua
Có thể không tử tế lắm khi không để tâm đến một số thông tin hay sự chia sẻ nào đó, nhưng chúng ta cần thời gian nghỉ ngơi để tử tế với chính mình. Nên tự cho phép mình để cho những gì thuộc về ngày hôm qua thì cho chúng trôi qua đi. Theo cách này thì bạn sẽ không cần phải “bắt kịp” tất cả những thông tin cập nhật trên mạng xã hội khi mà chúng đã trôi qua, thay vào đó là sự toàn tâm toàn ý vào những cuộc đàm luận hôm nay.
10. Hãy vui thích với các trang mạng xã hội
Đấy chỉ là những gợi ý để cảm nhận sự có mặt trong giây phút hiện tại và có chủ tâm khi sử dụng các trang mạng xã hội, nhưng chúng không phải là quy tắc cứng nhắc và cố định. Hãy làm theo những bản tính tự nhiên của riêng bạn và vui chơi với mạng xã hội. Nếu bạn sống có chánh niệm khi bạn ngắt kết nối với thế giới công nghệ, bạn sẽ có tất cả những công cụ bạn cần để có được sự chánh niệm khi bạn trực tuyến.
Lori Deschene
Minh Nguyên phỏng dịch
(Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, số 191, ra tháng 2/2012)